Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Trung Quốc và tham vọng bá vương trên các đại dương

china-submarine-indian-ocean-pacific

Tàu ngầm Trung Quốc bao trọn Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương.

 

Càng ngày qua những hành động và lời nói của Bắc Kinh, cộng đồng quốc tế càng thấy rõ hơn tham vọng bá vương trên các đại dương mà Trung Quốc luôn âm ỉ và háo hức. Điều nguy hiểm cho thế giới là với cái máu Đại Hán và cái gien chinh phạt, Bắc Kinh luôn tự cho mình là “thiên tử”, chẳng từ một kế sách nào để cuồng chiếm đại dương. Với người mạnh hơn thì dùng kế cùng chia phần thiên hạ, với kẻ yếu hơn thì lấy thịt đè người.

Qua những gì nhìn thấy Bắc Kinh đã làm trên các vùng biển lân cận và đại dương xa xôi, dường như Trung Quốc đang muốn mình trở thành một “đế chế Anh” thời hiện đại, đạt tới cái điều mà ngày xưa nước Anh tự hào “mặt trời không bao giờ lặn trên đế chế Anh” nhờ sức mạnh của đội tàu biển mà mở rộng thuộc địa khắp hành tinh.

Khi Trung Quốc mua tàu sân bay, đóng những con tàu tiếp tế khổng lồ, người ta hiểu ngay ý đồ của Bắc Kinh. Đó chính là những phương tiện cho tàu chiến Trung Quốc bung ra xa hơn.

Khi Bắc Kinh tự vẽ cái đường gọi là “đường lưỡi bò chín đoạn” ở biển Đông và tăng cường tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản trên biển Hoa Đông, người ta nhận ra dã tâm của Trung Quốc muốn cưỡng chiếm toàn bộ vùng biển chung quanh mình.

Ngay cả việc Trung Quốc thắt chặt hơn nữa quan hệ với nước Nga láng giềng cũng được giới phân tích quốc tế coi là nằm trong mưu đồ cùng chia phần thiên hạ. Nga và Trung Quốc đều có chung một đối thủ là Mỹ, mà “kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta”. Với Nga có lực lượng hải quân mạnh và có những căn cứ hải ngoại ở những trọng điểm chiến lược, Trung Quốc hy vọng rằng tàu chiến của mình sẽ bớt lạnh lưng và bớt lẻ loi trong những cuộc viễn chinh. Việc Trung Quốc hồi hạ tuần tháng 5-2014 bỏ ra tới 400 tỷ USD để mua khí đốt từ Nga trong 30 năm đã bị một số nhà phân tích quốc tế coi như một sợi dây thòng lọng mà Bắc Kinh tung ra để trói Nga. Tất nhiên không thể loại trừ yếu tố kinh tế giữa bên có nhu cầu mua và bên cần bán. Chỉ có điều, Moscow chẳng phải là dễ chơi đâu. Trung Quốc thâm và hiểm, nhưng Nga khôn ranh và thực dụng.

Trong một bài phân tích trên tạp chí Mỹ The National Interest (5-6-2014) có tựa là “Đế chế đại dương bắt đầu nảy nở của Trung Quốc” (China’s Budding Ocean Empire), chuyên gia Robert D. Kaplan đã nói về tham vọng và ý đồ của Trung Quốc muốn làm bá vương hai vùng biển là Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Kaplan là một nhà phân tích địa chính trị nổi tiếng, có gần 30 năm làm phóng viên nước ngoài cho tạp chí Mỹ The Atlantic. Trong 2 năm liền 2011 và 2012, ông được tạp chí Foreign Policy bình chọn trong Top 100 nhà chiến lược toàn cầu. Cuốn sách về đối ngoại mới nhất của Kaplan là “Vạc dầu châu Á: Biển Đông và sự kết thúc của một Thái Bình Dương ổn định” (Asia’s Cauldron: The South China Sea and the End of a Stable Pacific).

Điểm qua tình hình thực tế trong thời gian gần đây, nhà phân tích Kaplan đã phải đặt câu hỏi: “Phải chăng đây là một thời kỳ mới của cuộc đối đầu không tránh khỏi giữa các siêu cường?” Vấn đề là cuộc đối đầu đó lại xảy ra ngay tại Thái Bình Dương, nơi vốn được coi như trung tâm phát triển của thế giới hiện tại và tương lai. Tội nghiệp, Thái Bình Dương bao năm nay vốn ổn định (cho dù có biết bao con sóng ngầm và những miệng núi lửa bên dưới) giờ phải dậy sóng khi các cường quốc cùng tập trung vào đây mà kiếm lợi.

Trung Quốc có trong tay cả quyền lực mềm (tài chính, thương mại, ngoại giao) lẫn quyền lực cứng (quân sự). Và những hậu duệ của Khổng Minh – Gia Cát Lượng, Tôn Tẩn, Tần Thủy Hoàng và Thành Cát Tư Hãn đã sử dụng linh hoạt cả hai thứ quyền lực này để mở rộng đế chế của mình trong thời hiện đại.

Theo Kaplan, những cố gắng cưỡng đoạt lãnh hải mà Trung Quốc đang thực hiện ở biển Đông và biển Hoa Đông hồi đầu thế kỷ 21 cũng tương tự như Mỹ từng làm ở Đại Caribbe hồi thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Hồi đó, Mỹ đã thành công và giành được quyền thống lĩnh vùng Tây Bán cầu. Còn lần này nếu thành công, Trung Quốc sẽ nắm trọn trong tay cả vùng Tây Thái Bình Dương.

Điều nguy hiểm hơn nữa là chưa xong Thái Bình Dương, Trung Quốc đã vội thả vòi sang Ấn Độ Dương, đối đầu với Ấn Độ, nước đông dân thứ 2 thế giới. Cả hai nước này hiện đang cùng chơi trò cạnh tranh ảnh hưởng ở Nepal, Bangladesh, Sri Lanka và Myanmar. Cuộc cạnh tranh địa lý chiến lược giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã xuất hiện. Và điều nguy hiểm là nó nằm ngay trên thùng thuốc nổ âm ỉ bao thập niên qua khi Ấn Độ luôn cáo buộc Trung Quốc đang lấn chiếm những vùng lãnh thổ rộng lớn giáp biên giới.

Trong khi Trung Quốc tìm cách bắt tay với Nga và một số nước khác trong khu vực có những “gắn bó quyền lợi cục bộ dân tộc và lịch sử” với Trung Quốc (mà Campuchia là một điển hình nhức nhối đối với Việt Nam), các nước bị Trung Quốc chèn ép cũng liên minh lại với nhau. Thí dự như Ấn Độ liên kết với Nhật Bản và các “kẻ thù” khác của Trung Quốc.  

Chẳng ai có thể phủ nhận được một chân lý là việc duy trì sự ổn định và hòa bình ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương có tầm quan trọng sống còn đối với cả thế giới. Kaplan và nhiều nhà phân tích quốc tế khác cùng cho rằng, trong tình hình hiện nay và với các kịch bản tương lai, cần có một siêu cường có đủ sức thực hiện sứ mạng tái cân bằng và giữ trật tự cho cả khu vực chiến lược này. Trong những sự lựa chọn chẳng phải là trọn vẹn tất cả, Mỹ vẫn là sự lựa chọn ít tệ nhất. Và thực tế là ngoài chuyện quyền lợi (mà cường quốc nào không nhằm tới), Mỹ có vô số đồng minh của mình ở trong khu vực này cần được họ bảo vệ. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố chuyển trọng tâm đối ngoại của Mỹ từ Trung Đông sang châu Á và thế kỷ 21 chính là “thế kỷ Thái Bình Dương” (Pacific Century) của Mỹ. Và để đối đầu với Trung Quốc đang “mạnh vì gạo” (ở đây là có dân số lớn nhất hành tinh, tới hơn 1,3 tỷ người), bạo vì tiền (Trung Quốc hiện có GDP lớn thứ nhì thế giới và có khả năng qua mặt cả Mỹ), với cái gien hành xử “bá đạo giang hồ” của một nước mạnh mà không lớn, giàu mà không sang, Mỹ bắt buộc phải tăng cường sự có mặt với sức mạnh áp đảo ở khu vực này. Nhà phân tích Kaplan nói rằng trong thời đại này và với đặc điểm khu vực này, sức mạnh của Mỹ chỉ có thể dựa vào không quân và hải quân. Ông nhấn mạnh: “Không quân và hải quân phải phô diễn sức mạnh hàng ngày và giữ cho các tuyến giao thương biển rộng mở. Trong tinh thần này, một thế giới với 300 tàu chiến Mỹ rất khác với một thế giới với 250 tàu chiến.”

Tôi cho rằng: chuyện ở Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương giờ đây không còn là chuyện của khu vực mà nó sẽ có ảnh hưởng tới toàn thế giới. Và nếu cả thế giới cùng đồng lòng bảo vệ công lý, lẽ phải và công pháp quốc tế, tôi nghĩ rằng Tần Thủy Hoàng có đội mồ sống lại cũng phải liệu bề xếp giáp lại trong kho. Hồi hộp phát lớn tim khi dòm thấy các bên tập trung lực lượng quân sự trong khu vực này; nó luôn là hạ sách, làm cho tình hình luôn căng thẳng và dễ có nguy cơ “cọ quẹt cây diêm” nào đó bên thùng thuốc nổ. Hòa bình bền lâu phải được xây dựng trên những nền móng hòa bình. Cho dù ai đó không chịu “tâm phục, khẩu phục” thì họ cũng phải buộc mà “tri nhân, tri kỷ” nếu muốn cùng tồn tại để phát triển.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 10-6-2014)

+ Có thể đọc bản rút gọn in trên báo CA. TPHCM ngày thứ Ba 10-6-2014)

 

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

china-fleet-in-somalia-2010

Tàu chiến Trung Quốc ở Somalia năm 2010.

chinese-navy-sailers

Những người lính hải quân Trung Quốc này được giáo dục từ nhỏ rằng biên giới lãnh hải của Trung Quốc là đường lưỡi bò 9 khúc.

us-fleet-in-pacific

Lực lượng không quân và hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương.