Chủ nhật ngày 26 tháng 1 năm 2025

Một loại vũ khí chiến tranh kinh tởm

anti-rape-congo-01

 

Trong những ngày gần đây, một số nơi trên thế giới đang diễn ra những hoạt động kêu gọi các nước hợp tác chống lại việc sử dụng hành vi cưỡng hiếp như một thứ “vũ khí chiến tranh”. Nhiều nhân vật của công chúng đã tham gia chiến dịch hưởng ứng Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về chấm dứt bạo lực tình dục trong xung đột (The Global Summit to End Sexual Violence in Conflict) lần đầu tiên do Anh đăng cai tổ chức tại Luân Đôn từ 10 tới 13-6-2014. Hơn 120 nước và hơn 900 chuyên gia, các nhà hoạt động và các tổ chức phi chính phủ NGO trên khắp thế giới đã tham gia sự kiện này.

Ngoại trường Mỹ John Kerry đã ủng hộ những hành động của nữ diễn viên Hollywood nổi tiếng Angelina Jolie và Ngoại trưởng Anh William Hague bằng việc yêu cầu cộng đồng quốc tế có những bước vững chắc để bảo đảm cho các kẻ chịu trách nhiệm về những tội ác như thế phải bị trừng trị và các nạn nhân được giúp đỡ. Ông nhấn mạnh rằng thế giới này không có chỗ cho việc sử dụng bạo lực tình dục như một công cụ chiến tranh.

Gây nóng nhất lúc này là vụ 200 nữ sinh Nigeria bị phiến quân bắt cóc và cưỡng hiếp, cũng như vụ 2 cô gái Ấn Độ bị cưỡng hiếp tập thể rồi giết chết và treo lên cây. Đó là những hành động thách thức công luận quốc tế.

Những người tham gia cuộc họp toàn cầu ở Anh đã đồng ý về một bộ các hướng dẫn quốc tế mới cho cách điều tra các tội phạm tình dục, thu thập chứng cứ và truy tố. Có 4 mục tiêu của cuộc họp là trừng trị những kẻ chịu trách nhiệm; tập huấn thêm cho các binh lính và lực lượng gìn giữ hòa bình các kỹ năng bảo vệ phụ nữ; tăng cường hỗ trợ cho các nạn nhân; và nỗ lực thay đổi thái độ của toàn cầu về vấn đề nhức nhối này.

Hồi năm ngoái Ngoại trưởng Anh Hague và nữ diễn viên Jolie đã đưa ra một tuyên bố để các nước cam kết sẽ chấm dứt quan niệm không trừng phạt tội bạo lực tình dục và bảo đảm công lý và an toàn cho các nạn nhân. Hiện nay đã có khoảng 150 nước ký tuyên bố này.

Đáng chú ý là ngày 10-6-2014, chính quyền Libya đã công bố một sắc lệnh coi hành vi cưỡng hiếp xảy ra trong cuộc cách mạng Mùa xuân Arập năm 2011 của nước này là một tội ác chiến tranh và tiến hành trợ giúp y tế và chi trả tiền bồi thường cho các nạn nhân còn sống sót. Tất cả các nạn nhân bị cưỡng hiếp dưới thời của nhà độc tài Muammar Gaddafi cũng được bồi thường.

Theo tạp chí Newsweek (16-6-2014), Yasmin Sooka, thành viên của Ủy ban Nhân quyền Anh và Xứ Wales làm việc ở Sierra Leone và Rwanda, đã đưa ra bản báo cáo báo động rằng “tình trạng bắt bớ, giam cầm trái phép, tra tấn, cưỡng hiếp và bạo hành tình dục ở Sri Lanka đã gia tăng trong thời hậu chiến”. Đất nước Nam Á này đã chìm trong nội chiến đẫm máu khi lực lượng ly khai người Tamil thiểu số gọi là Những con hổ Tamil nổi lên chống chính phủ từ năm 1983 tới 2009. Nhưng các tổ chức nhân quyền quốc tế báo động rằng hiện nay, 5 năm sau khi chính quyền đánh bại được Hổ Tamil, những người thuộc cộng đồng thiểu số Tamil vẫn còn tiếp tục bị bức hại, đặc biệt là nạn nhân của bạo lực tình dục. Liên Hiệp Quốc ước tính rằng số dân thường bị giết chết trong cuộc nội chiến kéo dài 1 phần 4 thế kỷ ở Sri Lanka là 40.000 người. Một số nhóm nhân quyền cho rằng con số thực tế là gấp đôi. Nhưng số nạn nhân bạo lực tình dục thì không được đề cập tới.

Nimmi Gowrinathan, một người Mỹ gốc Sri Lanka thuộc Trung tâm Thương thuyết và Phục hồi về Xung đột (Center for Conflict Negotiation and Recovery, CCNR), thắc mắc: “Tôi luôn phải so sánh Sri Lanka với Congo và Bosnia, Tại sao (tình trạng cưỡng hiếp trong thời chiến của Sri Lanka) đã không được báo cáo? Nó đúng hơn là một cuộc chiến tranh được che đậy. Tôi nghĩ các chính phủ như Anh và Mỹ vẫn còn muốn làm gì đó ở nước này.” Theo Gowrinathan có hàng ngàn đàn ông và phụ nữ bị cưỡng hiếp trong thời chiến tranh ở Sri Lanka. Nhưng “tôi nghĩ rằng nhiều vụ cưỡng hiếp nhất đã xảy ra trong thời hậu xung đột”.

Theo tuần báo Mỹ Newsweek (16-6), trong các chiến dịch truy quét của lực lượng chính phủ sau cuộc xung đột ở Sri Lanka, nhiều cựu tay súng Hổ Tamil và những kẻ ủng hộ lực lượng này đã bị bắt. Hàng trăm người Tamil do bị chụp mũ là “kẻ chỉ điểm” đã bị bắt rồi bị cưỡng hiếp tàn bạo.

Một trong số này là Rajini, một phụ nữ Tamil 28 tuổi từng là một người đưa thư, vận chuyển hàng cho Hổ Tamil thời chiến tranh, và chấm dứt hoạt động vào năm 2009, khi cuộc chiến kết thúc. Lo lắng cho bản thân và gia đình mình, chị đã chuyển tới sống ở miền bắc nước này, cố gắng xây dựng lại cuộc sống của mình. Nhưng chị luôn bị ám ảnh bởi nỗi lo sợ sẽ bị nhà chức trách trừng trị về quá khứ của mình. Những gì gọi là hòa hợp, hòa giải dân tộc chỉ có trên giấy tờ.

Rồi một ngày hồi năm 2013, vào lúc chạng vạng tối, một chiếc xe van sơn màu trắng mà những người dân Tamil rất sợ, đã đi theo Rajini từ chỗ làm về nhà. Những người đàn ông ra khỏi xe yêu cầu chị trình giấy căn cước. Sau đó chị bị đưa đi để thẩm vấn. Chị đã bị bịt mắt, lột trần truồng, cột lại, đánh đập và tra tấn bằng cách trùm một chiếc bao nhựa từng đựng dầu vào đầu. Bọn bắt chị đã dùng những điếu thuốc lá đang cháy châm vào bộ phận sinh dục và hai vú của chị, rồi dùng một ống nhựa đầy cát quất lên người chị. Chúng treo hai chân chị lên cho đầu dốc xuống đất và nhúng vào những xô nước. Rajini đã bị tra tấn như vậy suốt nhiều ngày. Rồi chị bị nhiều gã đàn ông cưỡng hiếp nhiều lần mỗi ngày. Chịu không nổi đòn thù, chị phải ký vào bản khẩu cung giả. Nhưng sau đó lại tiếp tục bị cưỡng hiếp. Chị cứ bị hành hạ như vậy suốt nhiều tuần cho tới khi gia đình chị hối lộ cho các quan chức để chị được thả ra trước khi bị thủ tiêu. Vừa ra khỏi tù, Rajina đã vượt biển bằng tàu đánh cá trốn sang Ấn Độ rồi cuối cùng tìm được đường sang Anh tị nạn.

Ngay cả những người đàn ông Tamil bị nhà chức trách bắt sau cuộc chiến, như anh chàng Raj, 25 tuổi, mà tuần báo Newsweek kể chuyện, cũng bị những gã đàn ông bắt mình cưỡng hiếp một cách bệnh hoạn.

Giới nghiên cứu đã chọn ra Top 5 nước nguy hiểm nhất cho phụ nữ lần lượt là Afghanistan, Congo, Pakistan, Ấn Độ và Somalia. Ở Congo, bình quân mỗi giờ có 48 phụ nữ bị cưỡng hiếp.

top5countries-dangerous-to-women

Tổ chức Quốc tế Ân xá (Amnesty International, AI) nói rằng trong nhiều cuộc xung đột vũ trang vừa qua, cưỡng hiếp vẫn đang bị các bên sử dụng như một thứ vũ khí chiến tranh để tự tưởng thưởng cho mình và trả thù kẻ địch. Có quá nhiều chứng cứ cho điều này. Từ chuyện cưỡng hiếp phụ nữ một cách có hệ thống ở Bosnia và ước tính có 200.000 phụ nữ bị cưỡng hiếp trong cuộc chiến giành độc lập ở Bangladesh năm 1971, tới thảm kịch cưỡng hiếp phụ nữ do quân phiệt Nhật thực hiện hồi năm 1937 khi chúng chiếm đóng Nam Kinh (Trung Hoa). Sau này, Nhật Bản đã phải xin lỗi về vụ có tới 200.000 phụ nữ địa phương bị quân phiệt Nhật bắt làm nô lệ tình dục cho binh lính từ năm 1928 cho tới kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2 năm 1945.

Mặc dù hiện nay đã vào thế kỷ 21, nhưng trong nhiều cuộc xung đột và chiến tranh trên thế giới, phụ nữ vẫn tiếp tục là những nạn nhân của tình trạng bạo lực tình dục. Họ bị những tay súng, chủ yếu của phiến quân, coi như những món đồ chơi, chiến lợi phẩm hay đơn giản là để trả thù. Điều nguy hiểm là trong khi những vụ giết người, đặc biệt là thảm sát, dễ dàng bị coi là những tội ác chiến tranh, còn tình trạng bạo hành tình dục chống dân thường trong các cuộc xung đột vẫn bị bỏ qua. Và vì thế những kẻ nắm vũ khí và quyền lực trong tay vẫn tiếp tục hả hê bức hại những phụ nữ ở những nơi chúng có mặt.

Souad Wheidi, một phụ nữ Libya đứng đầu tổ chức phi chính phủ Quan sát Giới tính trong Xung đột (Observatory of Gender in Crisis, OGC), đau lòng thốt lên: “Tại sao chúng ta lại dùng thân xác phụ nữ như một nơi để tiến hành chiến tranh? Loài người phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này.” 

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 19-6-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

 

anti-rape-nigeria-01

Người dân Nigeria lên án tình trạng bạo lực tình dục. Đây là nước vừa xảy ra vụ 200 nữ sinh bị phiến quân bắt cóc.