Loài người vừa chứng kiến “Siêu Mặt trăng”
Rạng sáng thứ Bảy 12-7-2014, loài người đã được chiêm ngưỡng hiện tượng “Siêu mặt trăng” (Supermoon) đầu tiên trong năm 2014.
Người ta gọi là “Siêu mặt trăng” vì lúc đó kích thước mặt trăng mà Trái đất nhìn thấy được đột nhiên nở phình lớn hơn bình thường. Cả thế giới đã nô nức đón chiêm ngưỡng hiện tượng vũ trụ kỳ thú này và trên Internet đã xuất hiện vô số hình ảnh ghi dấu sự kiện này, đặc biệt là gắn nó với các danh lam thắng cảnh trên toàn cầu.
Thật sự thì chẳng phải do gần đây ăn uống mất cảnh giác mà Chị Hằng nảy nở tăng trọng đâu. Đó là do mặt trăng ở điểm quỹ đạo gần Trái đất nhất. Còn chuyện tại sao hiện tượng “Siêu mặt trăng” năm nay rơi vào đúng mùa chung kết bóng đá World Cup 2014 ở Brazil thì cũng không phải do Chị Hằng nhà mình ghiền bóng đá nên xáp vô coi đâu. Cũng là do trùng hợp với chu kỳ quỹ đạo của mặt trăng quay quanh Trái đất thôi.
Hiện tượng “Siêu mặt trăng” xảy ra vào lúc trăng tròn đầy nhất, mặt trăng sẽ sáng hơn, đầy đủ hơn bất cứ điểm nào khác trong năm. Tên khoa học của hiện tượng này là Perigee Moon (tạm dịch là “mặt trăng cận điểm”), chỉ lúc mặt trăng vào điểm quỹ đạo gần Trái đất nhất. Còn ở điểm xa Trái đất nhất là gọi là Apogee Moon, đó là lúc Chị Hằng “mi-nhon” nhất. Theo tính toán của Fourmilab, năm nay điểm gần Trái đất nhất của mặt trăng là cách mặt đất 358.258km. Còn điểm xa nhất, vào ngày 28-7, là cách 406.568km.
Năm nay, hiện tượng “Siêu mặt trăng” xảy ra 3 lần, vào các ngày 12-7, 10-8 và 9-9.
Xin mời xem clip về “Siêu mặt trăng”:
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 14-7-2014)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.
+ Có trên báo Tuổi Trẻ Mobile ngày 13-7-2014 (http://m.tuoitre.vn)