Thứ Hai ngày 27 tháng 1 năm 2025

Bi kịch nhân đạo và chính trị của người Yazidi ở miền bắc Iraq

140810-iraq-yazidi-refugees-09

 

Trong những ngày gần đây, cái tên Yazidi nóng lên trên các dòng tin thời sự của truyền thông thế giới. Bộ tộc tôn giáo nói tiếng Kurd ở miền bắc Iraq này trở thành những người đáng thương đang bị bức hại.

Và kẻ đang truy diệt họ không ai khác hơn những phiến quân thánh chiến Hồi giáo cực đoan và tàn bạo của phong trào Nhà nước Hồi giáo ISIS đang gây kinh hoàng ở Iraq, Syria và Lebanon cũng như làm các nước khác trong khu vực lo lắng. Với thái độ cuồng tín muốn mở rộng cái gọi là “vương quốc Hồi giáo” (caliphate) và áp đặt luật Hồi giáo Shariah hà khắc, những hung thần áo đen cờ đen này đang hung hăng “thanh lọc” những vùng mà chúng chiếm đóng để xóa sạch những người không theo Hồi giáo. 

Người Yazidi cho tới nay vẫn theo một tôn giáo cổ đại theo thuyết hổ lốn (syncretic) trộn mỗi tôn giáo một chút. Chính vì tín ngưỡng này mà họ thường bị người khác coi là những kẻ “thờ phượng ma quỷ”. Người Yazidi hiện sống chủ yếu tại tỉnh Nineweh ở miền bắc Iraq. Các cộng đồng Yazidi khác ở các nước Tây Nam Á như Armenia, Georgia và Syria đã bị suy tàn hồi thập niên 1990, số thành viên còn lại di dân qua châu Âu, đặc biệt là Đức. Cộng đồng Yazidi vẫn bị bức hại ở Iraq ngay dưới thời Saddam Hussein và những cuộc cách mạng của người Hồi giáo phái Sunni. Trong tháng 8-2014, người Yazidi ở Iraq trở thành mục tiêu truy diệt của phiến quân ISIS.

Bộ trưởng Nhân quyền Iraq, Mohammed Shia al-Sudani, vừa cho biết hàng trăm người Yazidi đã bị phiến quân ISIS hành quyết do không chịu cải theo đạo Hồi. Có ít nhất 300 phụ nữ Yaziđi đã bị ISIS bắt làm nô lệ tình dục. Tại Sinjar, ISIS đã giết ít nhất 500 người Yazidi khi chúng chiếm được thành phố này.

Mỹ đã quyết định cứu cộng đồng Yazidi ở Iraq. Ngày 9-8-2014, Tổng thống Barack Obama nói rằng Mỹ và các cơ quan quốc tế đang thực hiện những nỗ lực trợ giúp nhân đạo cho người Yazidi. Máy bay của Mỹ đã thả nhiều hàng cứu trợ xuống cho hàng ngàn người Yazidi đang lánh nạn trên những ngọn núi hẻo lánh ở miền bắc Iraq. Cùng lúc đó, máy bay chiến đấu của Mỹ tấn công những mục tiêu của phiến quân ISIS. Các lực lượng của người Kurd ở Iraq cũng đã cố gắng mở một con đường an toàn tới các trại tị nạn cho người Yazidi.

Trong khi đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn trên báo The Atlantic (10-8-2014), cựu Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton, người là Ngoại trưởng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Obama, nhấn mạnh rằng sự nổi dậy của các phiến quân Hồi giáo ở Iraq và Syria là do những thất bại của chính sách Mỹ dưới thời Tổng thống Obama. Theo bà, chính việc Washington đứng bên lề trong cuộc nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad đã mở đường cho những phần tử Hồi giáo cực đoan trỗi dậy, cụ thể là ISIS. Cuộc phỏng vấn này diễn ra trước khi Tổng thống Obama hôm 7-8 ra lệnh không kích có giới hạn các mục tiêu ISIS ở Iraq. Nhà lãnh đạo Mỹ trước nay vẫn thề sẽ không đưa quân Mỹ trở lại Iraq và nhấn mạnh rằng người Iraq cần phải tự mình đương đầu với mối đe dọa của phong trào thánh chiến bằng cách xây dựng cho được một chính phủ thống nhất.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa nổi tiếng John McCain ngày 9-8 nói rằng quyết định oanh kích của Tổng thống Obama vào ISIS ở Iraq sẽ không ngăn chặn được phong trào này. Ông nói đó là một “sự hiểu sai một cách cơ bản về mối đe dọa này” và kêu gọi phải tấn công vào các cứ điểm của ISIS ở Syria.

Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngày 10-8 nói trên kênh truyền hình Pháp France 2 khi ông đang thăm Arbil, thủ phủ của khu tự trị Kurdistan của người Kurd ở miền bắc Iraq, rằng Pháp đang tham vấn với các đối tác EU của mình về khả năng cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd ở Iraq để chống lại ISIS. Hiện nay các tay súng người Kurd đang bảo vệ các thị trấn của người Yazidi. Tuy nhiên, việc Mỹ và những đồng minh trợ giúp người Kurd có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ và thành viên của NATO. Lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chống lại phong trào người Kurd ly khai ở nước này và có tin nói rằng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp tay cho lực lượng ISIS để mượn tay chúng chống lại người Kurd.

Ngày 13-8-2014, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết một kế hoạch quốc tế đang được tiến hành để giải cứu hàng ngàn dân thường Yazidi bị kẹt trong vòng vây của phiến quân ISIS trên núi Sinjar ở miền bắc Iraq. Trong những ngày qua, máy bay vận tải quân sự Anh và Mỹ đã liên tục thả hàng cứu trợ xuống cho những người lánh nạn. Sáng 13-8, một toán khoảng 20 lính Mỹ và nhân viên cứu trợ đã đáp xuống núi Sinjar để đánh giá tình hình cụ thể. Cũng trong ngày hôm đó, một đơn vị gồm 130 lính Mỹ đã được đưa tới thủ phủ Arbil cỉa Kurdistan ở miền bắc Iraq. Washington nhấn mạnh: số binh lính này không làm nhiệm vụ chiến đấu ở Iraq mà chỉ trợ giúp những nỗ lực quốc tế để giải cứu những người tị nạn Yazidi.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 14-8-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bản rút gọn in trên báo CA.TPHCM ngày 12-8-2014. 

 

NHỮNG NGƯỜI YAZIDI Ở MIỀN BẮC IRAQ BỎ NHÀ CỬA ĐI LÁNH NẠN KHI BỊ PHIẾN QUÂN ISIS TRUY DIỆT

140810-iraq-yazidi-refugees-12

Cờ của Kurdistan và Mỹ tại một trại tị nạn của người Yazidi trong vùng do người Kurd kiểm soát.

140810-iraq-yazidi-refugees-01 140810-iraq-yazidi-refugees-02 140810-iraq-yazidi-refugees-03 140810-iraq-yazidi-refugees-04 140810-iraq-yazidi-refugees-05 140810-iraq-yazidi-refugees-06 140810-iraq-yazidi-refugees-07 140810-iraq-yazidi-refugees-08 140810-iraq-yazidi-refugees-09 140810-iraq-yazidi-refugees-10 140810-iraq-yazidi-refugees-11 140811-iraq-yazidi-refugees-01