Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Nỗi oan của công cụ giáo dục điện tử

140827-trunghoc-tructuyen-saigon-iss-05_resize

 

Trước hết, xin thông cảm cho tôi. Lỡ làm “hiệp sĩ công nghệ thông tin”, “hiệp sĩ Microsoft, bữa nay tôi làm thêm “hiệp sĩ Don Quixote” uýnh với mấy “chiếc cối xay… tiền” để đòi lại sự công bằng cho các loại hình giáo dục thông minh, công cụ giáo dục điện tử, sách giáo khoa điện tử,… chân chính.

Trong thời gian qua, loại hình công cụ giáo dục điện tử trở thành điểm nóng thời sự và là thứ “nhạy cảm”. Chỉ cần nghe nói tới cụm từ “giáo dục điện tử” là người ta liên tưởng tới những cái không hay ho gì. Đó là hậu quả của việc nó bị rơi vào thời điểm truyền thông tập trung vào cái cách những nhóm lợi ích cục bộ nào đó rắp ranh ứng dụng loại hình công nghệ này vào nhà trường một cách sai trái, coi nó như một công cụ kiếm tiền.

Tội nghiệp loại hình công cụ giáo dục điện tử lắm. Nó bị hứng nỗi oan Thị Kính. Bởi nó là một công cụ, một loại hình và là sự tiến bộ của khoa học – kỹ thuật. Tại sao chúng ta hồ hởi, đón mừng và đánh giá cao loại hình sách điện tử, báo điện tử, các công cụ điện tử (như chiếc TV, máy chiếu,…) mà lại kỳ thị công cụ giáo dục điện tử (sách giáo khoa điện tử, học cụ điện tử,…)? Ngay cả cái bảng tương tác lâu nay cũng chịu chung số phận bầm giập tương tự, trong khi nó thật sự là một sản phẩm công nghệ cao. Tất cả cũng chỉ vì cái cách tiêu cực mà ai đó đưa chúng vào nhà trường nên chúng bị vạ lây. Có ai trong cuộc sống không cần tới con dao, nhưng chẳng lẽ do nó bị kẻ sát nhân sử dung gây án mà con dao bị mọi người tẩy chay? Ai cũng biết máy tính có thể mở những trang web đen hay kết nối Internet có thể bị tin tặc xâm nhập hệ thống, nhưng nào có ai không sử dụng máy tính hay không nối mạng đâu. Kẻ đưa chiếc máy đào đất xông vào đào xới vườn nhà láng giềng mới là đối tượng bị lên án chứ đâu phải là cái công cụ đó.

Chắc có người nói rằng sách giáo khoa nói riêng và chương trình giáo dục nói chung của ta hiện nay đầy bất cập, đang cần phải sửa đổi, vậy hình thành bản điện tử làm chi? Ở đây, điều cốt lõi là xây dựng được cái quy trình và cái khung sườn. Nội dung là cái mà người ta có thể tùy biến gá vào đó. Cho dù bị coi là bất cập, các bộ sách giáo khoa đang có vẫn là giáo trình chính thức trong nhà trường, và học sinh phải học. Và vì thế, chúng vẫn nên được chuyển thành bản điện tử để giúp thầy trò dạy và học tốt hơn. Sau này khi sách giáo khoa được chỉnh sửa, thậm chí bị thay thế nội dung hoàn toàn mới, việc cập nhật các phiên bản điện tử chẳng phải là khó khăn gì, đó chỉ là chuyện kỹ thuật thôi.

Chúng ta phải bình tĩnh và rành mạch. Nếu không thì chẳng ai dám đầu tư, phát triển hay kinh doanh các công cụ giáo dục điện tử nữa. Và điều này sẽ làm thiệt thòi, gây hại cho chính con em chúng ta. Trong thực tế lâu nay có những người giàu tâm huyết và chịu tốn kém đầu tư phát triển những loại hình và công cụ giáo dục điện tử ở Việt Nam. Vừa là một phụ huynh, vừa là một nhà báo viết về công nghệ, tôi thật sự có thiện cảm với một số chương trình giáo dục trực tuyến, sách giáo khoa điện tử. Chúng không thể thay thế cho giáo dục truyền thống, nhưng lại giúp ích nhiều cho thầy trò nếu như được ứng dụng đúng đắn. Chắc chắn nhiều người cũng hiểu như tôi rằng, nếu biết ứng dụng các công cụ giáo dục điện tử này, chất lượng dạy và học sẽ được nâng cao hơn hẳn.

140827-trunghoc-tructuyen-saigon-iss-04_resize

Để làm nền tảng cho việc đưa các công nghệ cao vào nhà trường một cách đúng đắn và đạt hiệu quả cao nhất, các cơ quan chức năng cần phải đưa ra những hướng dẫn, quy trình chuẩn, trong đó có việc giám sát trước, trong và sau từng dự án. Tất nhiên là dựa trên các cứ liệu khoa học và nghiên cứu, nhà chức trách cũng cần đưa ra những tiêu chuẩn của từng loại thiết bị phù hợp với từng độ tuổi, cấp học và mục đích sử dụng. Các nước tiên tiến người ta đều làm như vậy. Đối với đặc thù của Việt Nam hiện nay, các quy chuẩn lại càng cần thiết hơn. Bởi đơn giản là không có quy chuẩn chung, ai cũng có thể làm gì tùy ý, chẳng ai biết lấy gì mà đánh giá và giám sát. Không có quy chuẩn chung, các loại biến tướng dễ dàng sinh sôi nảy nở. Có lẽ chẳng phải quá đáng khi ví von những kẻ coi giáo dục nói chung và phụ huynh nói riêng là những “bầu sữa” thơm tho, ngon lành như những con bạch tuộc có vô số cái vòi hút!

Trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào cuộc sống xã hội, có cái tự nguyện, nhưng cũng có cái là chuẩn mực mà mọi người phải tuân thủ. Chẳng hạn như việc chính phủ bắt buộc các cơ quan công quyền phải vi tính hóa quy trình xử lý hồ sơ và phát hành các báo cáo, công văn dưới dạng điện tử. Vấn đề vẫn là phải có sự khảo sát, nghiên cứu một cách khoa học và khách quan trước khi ứng dụng bất cứ cái gì. Chẳng ai lại đi phản đối việc cho học sinh sử dụng máy tính bảng trong học tập. Vấn đề cốt lõi là các em được cho sử dụng công cụ bổ trợ này ra sao (độ tuổi nào, sử dụng như thế nào,..)

140827-trunghoc-tructuyen-saigon-iss-phphuoc-004_resize

Ngay cả ở các nước công nghiệp phát triển và giàu có, máy tính bảng cũng không phải là một học cụ bắt buộc mọi học sinh phải có. Phụ huynh nào có điều kiện và thấy được sự hữu ích của máy tính bảng thì tự mua cho con em mình. Ở Mỹ, các trường đại học kết hợp với các nhà sản xuất có những chương trình tạo điều kiện cho sinh viên có được một chiếc laptop hay máy tính bảng để phục vụ cho việc học tập trong kỷ nguyên kết nối. Cũng ở Mỹ, nơi ngân sách công chủ yếu là do khả năng thu của từng địa phương, học khu nào có điều kiện tài chính rủng rỉnh thì trang bị miễn phí máy tính bảng cho học sinh làm công cụ học tập. Thậm chí những trường tư nhân cũng coi việc trang bị các công cụ học tập hiện đại như một tiêu chuẩn cạnh tranh, thu hút học sinh. Dù là trường công hay trường tư, chẳng hề có chuyện coi phụ huynh là cỗ máy in tiền. Và việc triển khai các chương trình này được giám sát chặt chẽ, phải nằm trong những quy trình, quy chuẩn rõ ràng, bao gồm tiêu chuẩn thiết bị, cách sử dụng và việc đưa nó vào nhà trường. Tiền ngân sách là tiền thuế của người dân, không thể đùa giỡn được. Cách làm của Mỹ thật tuyệt vời, nhưng chẳng có bao nhiêu nước có khả năng làm được như vậy. Bởi vậy, các nước khác lại càng phải cẩn trọng hơn nữa trong việc tìm ra những giải pháp tối ưu và khả thi cho việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào nhà trường.

Chúng ta ủng hộ việc đưa công nghệ hiện đại vào giáo dục cũng như bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống xã hội. Không thể không làm như vậy nếu như không muốn bị tụt hậu và không hội nhập được vào cộng đồng thế giới. Cái mà chúng ta kiên quyết chống là việc lợi dụng yêu cầu thiết yếu này để trục lợi, đặc biệt là vì lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm.

Việc ứng dụng công nghệ cao vào giáo dục là cần phải làm và làm càng sớm càng tốt, nhưng phải hợp lý và phải địa lợi, nhân hòa. Bất luận thế nào các công cụ – cho dù là người máy siêu thông minh như con người – vẫn không thể thay thế cho con người. Chúng chỉ là một công cụ bổ trợ và trợ giúp cho con người. Đặc biệt là trong giáo dục, nơi giúp con người làm người và đạo tạo những con người, yếu tố con người là quan trọng hơn cả. Cho dù lớp học có thông minh tới đâu đi nữa, người thầy vẫn phải hiện diện và nắm phần chủ đạo. Tất cả các công cụ hiện đại như máy chiếu, bảng tương tác, màn hình kết nối Internet,… đều chỉ là công cụ học tập. Có thêm sự trợ giúp của các công nghệ tiên tiến, việc dạy và học sẽ không chỉ có hiệu quả hơn mà còn thú vị, hào hứng hơn; trường lớp sẽ không phải là một chốn nặng nề cho cả thầy và trò nữa.

Những hệ thống dây chuyền công nghệ chỉ lắp ráp ra được những người máy. Hệ thống giáo dục muốn đào tạo ra những con người thì phải do những con người tương tác với nhau trong suốt quá trình học tập. Đừng nên lạm dụng công nghệ, cưỡng ép nó phải làm những chuyện mà nó không được thiết kế để phục vụ cho việc đó. Giáo dục là một lĩnh vực nhạy cảm, gốc của mọi thứ trên cuộc đời này. Giáo dục không phải là chốn để làm giàu tiền bạc, mà chỉ là nơi để làm giàu tri thức và nhân cách.

Xin trả lại sự công bằng cho các công cụ giáo dục điện tử chân chính. Chúng là những thành quả của tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ con người. Bản thân chúng chẳng làm gì nên tội. Người thông minh phải biết sử dụng các thiết bị thông minh một cách thông minh để giúp mình càng thêm thông minh.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 2-9-2014)

+ Có thể đọc bản trên báo điện tử VnExpress.

 

 

Ý kiến bạn đọc ()

Không ai phản bác lợi ích của CNTT cả. Nhưng theo tôi lứa tuổi từ lớp 1-3 chẳng cần máy tính bảng làm gì. Chỉ gây tốn kém cho phụ huynh và nhiều hệ lụy không đáng có cho trẻ em. Đưa ra chương trình này thì phải bằng cái tâm và nhìn thấy cái tầm, chứ đừng vì kiếm chác lợi lộc. 

minhnhut_lam – 13:58 2/9

  Trả lời  | Thích   388

mới lớp 3. mà sử dụng đồ hàng triệu….. chắc chắc là hệ lụy sẽ rất nhiều.

nam – 19:21 2/9

  Trả lời  | Thích   94

Thuần tuý là: KINH DOANH

Ai ren – 20:12 2/9

  Trả lời  | Thích   142

Hướng tới hiện đại là cần thiết nhưng nếu lạm dụng thì có thể phản tác dụng. Đối với máy chiếu, bảng tương tác, tôi thấy khá hay, 2 phương tiện này hỗ trợ tốt cho dạy và học . Nhưng riêng đối với máy tính bảng , theo tôi nó không phải là thứ đồ dùng quá cần thiết ( còn không cần như bút , thước kẻ, bút chì). Nó có ưu điểm nhưng cũng kéo theo không ít phiền toái cho HS, PH và GV. Với tình hình KT của đất nước ta , chúng ta không cần thiết phải quá xa xỉ như vậy. Với số tiền đầu tư cho máy tính bảng thì hãy đầu tư vào những thứ cần thiết và cấp bách hơn cho ngành GD. Chẳng hạn, xây dựng thêm trường lớp, thu hút thêm người tài vào ngành GD…. 

MH – 15:40 2/9

  Trả lời  | Thích   154

Quan trọng là nội dung! Không thể scan sách giáo khoa vào đó, mua 1 mtb bên TQ với giá 900 ngàn rồi đem đi bán giá 3 triệu được!!!!

Hùng – 13:03 2/9

  Trả lời  | Thích   142

Người ta đang nhìn giáo khoa điện tử trong nền kinh tế đất nước như thế nào.
1. còn bao nhiêu học sinh không có tiền đóng tiền học chứ đừng nói mua sách giáo khoa?
2. về nội dung cần thiết nhất bây giờ là cải cách nội dung giao dục.
3. nền y tế nước nhà nằm ở đâu? rồi sau này thế hệ trẻ thị lực kém, đầu óc mê mụi ai chịu gánh vác đây?
4. ti vi cũng xem, internet cũng lướt nhưng mỗi ngày ai ngồi trước ti vi hoặc iternet chừng 8 giờ 1 ngày xem nhìn mặt có đơ không? 

Trang – 16:31 2/9

  Trả lời  | Thích   121

Điều mà người ta bàn tán và phản đối là động cơ của vụ SGK điện tử và hậu quả kinh tế đổ lên đầu cha mẹ học sinh. Thay đổi phải có bàn bạc nhất trí tại sao vội vã áp đặt? Cái vụ này không minh bạch.

hải hà – 16:05 2/9

  Trả lời  | Thích   88

Không ai phủ nhận vai trò và tiện ích của công nghệ thông tin trong xã hội hiện nay, cũng không ai bài xích việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bắt kỳ ngành nghề nào, ngành giáo dục cũng không phải là ngoại lệ. Thế nhưng, đưa máy tính bảng vào giáo dục tiểu học , theo ý kiến cá nhân tôi là không nên. Bởi như vậy các em sẽ không rèn luyện được chữ viết, không rèn luyện được kỹ năng tư duy và tính kiên trì….Học sinh phải bắt đầu với giấy trắng, mực đen vẫn hơn. 

hương – 14:26 2/9

  Trả lời  | Thích   84

Mọi sự oan khuất đều được tạo ra từ lòng tham và lợi ích cá nhân!

Hà xxx – 15:58 2/9

  Trả lời  | Thích   75

Các nước phát triển họ có điều kiện, đã phát triển và hoàn thiện các điều kiện vật chất trong trường học. VN thì khác. Thêm vào đó, tính tình người VN làm giáo dục cũng khác, mục đích một số người cũng khác. Máy tính bảng trong trường hợp này cũng chỉ là một công cụ để những người nào đó thực hiện mức đích, rồi sau này họ lại để nó phá sản. Chúng ta nên chờ một cơ hội khác, bởi nhũng con người khác thì hơn. 

Jack Le – 15:10 2/9

  Trả lời  | Thích   60

Biết là vậy, nhưng khi nói đến dự án máy tính bảng cho lớp 1,2,3 ở Tp HCM mà tôi sục sôi…

Văn Bá Xuân – 13:34 2/9

  Trả lời  | Thích   52

người ta đang nói về kinh tế khi phải trang bị công cụ điện tử , chứ đâu có nói về tiến bộ của công cụ điện tử

Toản LC – 15:40 2/9

  Trả lời  | Thích   44

Việc làm đúng phải đúng nơi, đúng lúc, đúng chỗ. Nếu bạn chỉ có đủ tiền mua gạo và mắm cho bữa ăn gia đình nhưng bạn muốn ăn chiếc bánh kem, và bỏ tiền mua nó cho riêng mình, để cả nhịn đói thì đó là tội lỗi. Đừng bám vào luận điểm “giáo trình điện tử hiện đại có hay không”, “máy tính bảng có tốt không” mà phải xem với thu nhập của người dân hiện nay thì có thể coi việc mua một cái máy tính bảng chỉ là chuyện nhỏ, thích thì dùng, không hợp thì vứt. Với một số tiền có hạn thì người ta phải đắn đo tiêu vào chuyện gì có hiệu quả nhất, mua cái này thì không còn tiền mua cái khác. Người quản lý phải biết điều tối thiểu mà mọi bà nội trợ đều biết là sử dụng đồng tiền ít ỏi sao cho hiệu quả nhất. Vậy mua máy tính bảng cho các học sinh các lớp 1, 2, 3 có là điều cần thiết, hợp lý nhất để nâng cao chất lượng giáo dục ở nước ta hiện nay? 

Quang Vinh – 13:21 2/9

  Trả lời  | Thích   28

Nghe mà thấy sục sôi trong người, ko có bất cứ lý do nào cho trẻ lớp 1-2-3 dùng máy tính thay thế được.

Bình – 20:47 2/9

  Trả lời  | Thích   23

Cái mà người dân không đồng tình là đưa sách giáo khoa điện tử vào cấp tiểu học. Tôi là người làm việc hoàn toàn phụ thuộc vào máy tính và hệ thống mạng, nhưng tôi kịch liệt phản đối cái đề án này. Cần có cái nhìn thực tế chứ đừng viển vông vô trách nhiệm với xã hội.

Dinh Quang – 19:47 2/9

  Trả lời  | Thích   23

Hoàn toàn ủng hộ tác giả. Ứng dụng công cụ điện tử trong giáo dục, đem lại hiệu quả, cho thấy năng lực của người thầy. Ai không dám đổi mới, cần xem lại bản thân. Tất nhiên, loại ngay tư tưởng kinh doanh trong việc ứng dụng này

Nguyễn Văn Phúc – 15:43 2/9

  Trả lời  | Thích   17

Người đưa ra dự án này sao không nhìn vào thực tế kinh tế của đất nước mình. Dân mình đã giầu đồng đều chưa? Các cháu học trò lớp 1 đến lớp 3 cầm bút chưa viết thông đọc thạo sao lại cho dùng máy tính bảng để các cháu suốt ngày dán mắt vào màn hình và rồi tương lai sẽ chẳng biết cầm bút viết nên nét chữ nào, cộng vào đó là mắt các cháu sẽ hỏng rất sớm. Các phương tiện hiện đại nó có 2 mặt lợi cũng bất cập hại. suốt ngày các cháu học chữ chán rồi các cháu lại chơi điện tử trên mạng vậy là tương lai sẽ sản sinh ra một lớp mầm non sống ảo giác xa rời với thực tại. Thật là nguy hiểm.
Đừng vị lời lãi lợi nhuận của một nhóm người mua máy tính bảng 900 ngàn để bán được 3 triệu đồng / 1 cái làm hỏng cả một thế hệ mầm non. Các nhà khoa học đã phân tích khá nhiều về vấn đề này rồi. Thật là phi thực tế, trong khi con em nông dân nghèo thì đừng nói đến chuyện đến trường còn hệ lụy liên quan đến cái máy tính bảng nữa. Các cháu nhỏ có một đôi khuyên tai trị giá vài trăm ngàn còn bị bắt cóc tống tiền huống chi một chiếc máy tính bảng 3 triệu liệu rằng sinh mạng các em có được bảo toàn khi trên đường từ nhà đến trường và ngược lại . Nếu là việc bắt buộc tôi nghĩ phương án này sẽ là 50 % con nhà nghèo, thiếu ăn ở nông thôn TP sẽ mù chữ thất học. Còn lại thì các em sẽ mù chữ viết ngay từ khi chập chững bước chân vào trường học. Cả một thế hệ học đọc nhưng không học viết thì sẽ ra sao đây ? 

[email protected] – 20:25 2/9

  Trả lời  | Thích   17

Với bài toán giáo dục việt nam, cách giải đưa công nghệ hiện đại vào giáo dục đại trà là cách giải thiển cận nhất

Quang – 12:14 2/9

  Trả lời  | Thích   17

Bao năm qua hết đổi sách tới ứng dụng này nọ, nhưng chỉ là lấy dầu nóng đau đâu xoa đó thôi, giáo dục VN vẫn sa sút trầm trọng với thế giới. Bởi vì vấn đề của giáo dục VN hiện nay nằm ở chính giáo viên chứ ko phải ở học sinh, đặc biệt lứa tuổi lớp 1, chúng là những tờ giấy trắng. Cải cách giáo dục phải bắt đầu từ cải cách giáo viên ! Nếu chúng ta không có những người thầy xuất sắc thì không công cụ hay thiết bị điện tử nào có thể cứu vãn nổi giáo dục. 

hoang linh – 20:39 2/9

  Trả lời  | Thích   12

Sao mọi cái lại đổ lên đầu giáo viên vậy bạn, bạn có ở trong nghành gd không, đã từng đi sâu tìm hiểu chưa vậy…

kien – 11:12 3/9

  Trả lời  | Thích   1

@kien: Ko phải đổ mọi thứ vào đầu giáo viên nhưng chúng ta cần đào tạo ra lực lượng giáo viên mới năng động hơn, tâm huyết hơn và theo kịp với thế giới hơn ! Còn với nguồn nhân lực hiện tại, chỉ có thể cải thiện chất lượng chứ ko làm cách mạng giáo dục được. Mình hiểu nỗi khổ của giáo viên, họ ko sợ gian khổ, họ khổ tâm nhất là bao nhiêu năm cứ cải cách mãi mà ko có một kết quả gì đáng kể ! Lỗi thuộc về những người hoạch định chính sách cải cách thiếu tầm nhìn ! 

hoanglinh – 14:38 3/9

  Trả lời  | Thích   5

cho trẻ dùng đồ công nghệ quá sớm là ko tốt cho việc phát triển não bộ đâu.

toan – 21:11 2/9

  Trả lời  | Thích   13

Tôi nghĩ Sẽ không có vấn đề xảy ra nếu bộ giáo dục ứng dụng điều này cho học sinh cấp 3, lứa tuổi mà học sinh đủ nhận thức để biết rõ lợi hại khi sử dụng mày tính bảng cho học tập. Còn ở cấp 1, trẻ chưa đủ nhận thức để sử dụng máy tính bảng cho học tập trong khi những tác hại xấu có thể xảy đến là quá hiển nhiên, nào là game, nào là những phim ảnh đen ảnh hưởng đến trẻ thì nhan nhản, ai sẽ kiểm soát được và đảm bảo những tác hại đó không xảy ra. Phụ huynh lo lắng là có lý do chứ không đơn giản là vấn đề tài chính eo hẹp. HY vọng Bộ giáo dục nên cẩn trọng với đề xuất này. 

HỒng Vân – 17:50 2/9

  Trả lời  | Thích   12

Vơi máy tính cầm tay đã triệt tiêu khả năng tính toán của đa số học sinh rồi. Nay dùng máy tính bảng thay tập và sách thì rồi đây học sinh còn biết viết chữ nữa khi không.

lanthuongtran – 18:35 2/9

  Trả lời  | Thích   9

Rất chí lí

Chinh Trần Bửu – 14:48 2/9

  Trả lời  | Thích   7

Nhiều dự án mang tính tích cực rất cao. Nhưng nó luôn bị phản ứng, hay khi thực hiện bị thất bại vì những người xây dựng lên chúng luôn mang hơi hám tiền. Một lần thất tín, vạn lần không tin.

Nguyễn Đình Thông – 18:46 2/9

  Trả lời  | Thích   6

Công cụ điện tử hoặc các ứng dụng trong lĩnh vực CNTT là rất có ích cho việc giảng dạy, học hành. NHƯNG, các nhà quản lý GD đừng sử dụng quá máy móc kẻo phải nhận lấy tác dụng tiêu cực từ chúng.

Quỳnh – 13:21 2/9

  Trả lời  | Thích   6

Ko ai phủ nhận những lợi ích và tiện lợi khi đưa KHCN vào giáo dục, nhưng quan trọng là vào lúc nào với đối tượng nào. Ngay cả các nc sản xuất ra máy tính bảng họ cũng ko có áp dụng dùng máy tính bảng cho hs tiểu …  

Tony Ngo – 13:42 3/9

  Trả lời  | Thích   3

Lơi ích và sự cần thiết của CNTT thì mọi người đều biết, nhưng đi vào cuộc sống thế nào cho hợp lý và hiệu quả thì lại là vấn đề khác. Đề án về sử dụng máy tính bảng cho học sinh lớp 1, 2, 3 không thể được xếp vào những lợi ích và cần thiết này, vì các cháu còn quá nhiều điều phải học trước khi biết dùng một cách hiệu quả máy tính bảng. Tôi thấy: 1/ việc này không so sánh được với đề án về chính phủ điện tử, hoặc đẩy mạnh công nghệ thông tin trong trường đại học, vì đối tượng áp dụng là người lớn rồi; 2/ việc đưa những tiến bộ của CNTT vào giảng dạy cho các cháu nhỏ có thể thực hiện nhẹ nhàng và hiệu quả khi có các giờ cho các cháu xem video về các hiện tượng thiên nhiên, nhận biết các loài động vật, thực vật… 

Nguoi biet it – 18:55 2/9

  Trả lời  | Thích   5

Lứa tuổi lớp 1-3 đi học dụng cụ học tập còn giữ không được, trang bị thường xuyên cho các bé cả niên học, xách cặp rớt lên rớt xuống, tập vở rớt còn sử dụng được chứ MTB mà rớt thì sao? T/c lớp học thông minh thì cũng cần nhưng giờ chúng ta nên T/c trường học đủ tiện nghi cho các bé sử dụng như nhà vệ sinh sạch sẽ, khu vực vui chơi an toàn …. thì tốt hơn. 

PH – 10:09 3/9

  Trả lời  | Thích   4

Nhất trí với ý kiến của bạn Toản LC. Đừng nên “kiếm chác” trong sự nghiệp giáo dục cho trẻ em nước nhà, khi mà phần lớn các phụ huynh còn gặp khó khăn trong việc đóng học phí, xây dựng trường, mua sách giáo khoa!

Đoàn Xuân Quý – 15:00 3/9

  Trả lời  | Thích   3

Vấn đề ở đây là nhóm lợi ích, chiết khấu bao nhiêu % ?

Chien Ho – 14:44 3/9

  Trả lời  | Thích   3

Nhìn trên thế giới có nước nào nghèo mà lại hoang như chúng ta không? Tôi chỉ tán thành việc trang bị thêm 1 màn hình tại lớp, giáo viên sử dụng máy tính bảng được đồng bộ qua màn hình tivi kia để làm sinh động bài giảng thôi.

atoz – 09:19 3/9

  Trả lời  | Thích   3

Không ai lên án CNTT, mà chỉ lên án nhóm lợi ích lợi dụng CNTT để làm khổ, làm hại các cháu học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 3 mà thôi cái chương trình sách giáo khoa điện tử đó là không đúng rồi

Le Vinh – 09:09 3/9

  Trả lời  | Thích   3

Bài viết rất hay! Cảm ơn Phạm Hồng Phước!

Thuy – 16:02 2/9

  Trả lời  | Thích   3

chưa cần thiết ! mới lớp 1,2,3 đang dạy cho các cháu vừa học vừa rèn luyện từ chữ viết, rèn luyện tính nết, xây dựng nhân các của từng con người, các cháu học cách quan sát, cách nhìn nhận… một cách khách quan thực tế hơn (ví dụ hiện nay nhiều em tả người mẹ có khuôn mặt trái xoan, mũi dọc dừa theo một bài văn mẫu các em chưa quan sát, chưa cảm nhận sự thật… rất nhiều vấn dề cần bàn về nền giáo dục nước ta! Không vì lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ thì không ai đưa ra cải cách kiểu này. 

ban dân vận – 14:29 3/9

  Trả lời  | Thích   2

Không phù hợp với VN

MTTG – 13:37 3/9

  Trả lời  | Thích   2

Các bác cứ thoải mái tranh luận ạ. Em thì rinh ngay một cái về cho con em dùng rồi. Kết luận là rất tiện ạ. Con em học lớp 8 nhưng khi cần tra sách lớp 7 đỡ phải lục tủ. Em tải luôn bộ sách dành cho giáo viên về giải ngố, đỡ lạc hậu khi hướng dẫn con. Còn con em hè rồi nó hí hớn vác cả sách lớp 9 lớp 10 ra đọc rồi ạ. Nói chung có thêm phương tiện là tốt ạ, còn cái mới ra bao giờ chả lắm người phản bác. 

Việt Hùng – 12:05 3/9

  Trả lời  | Thích   2

Con anh học lớp 8 thì nói chi, hơn nữa a mua về để tra cứu thì là vấn đề khác rồi. Còn đây mọi người đang phản đối việc đưa MTB vào lớp tiểu học.

dong quan – 14:12 3/9

  Trả lời  | Thích   5

Không thể phủ định rằng công nghệ mang tới những lợi ích không nhỏ cho con người nói chung và trong giáo dục nói riêng . Nhưng nói đi cũng nên nói lại rằng . Người sử dụng nó là ai , liệu có thể sử dụng nó vào đúng mục đích không Liệu có nhất thiết phải sử dụng máy tính bảng để thay thế sách vở bút viết không . Liệu có thể áp dụng và sử dụng một cách lâu dài ? hay chỉ là theo thời thế cho kịp với công nghệ Với tình hình học sinh và điều kiện sống của người dân , liệu có thể áp dụng cho tất cả , hay chỉ ở 1 số nơi ?. Và còn rất nhiều câu hỏi khác 

Vo Tuan – 22:27 2/9

  Trả lời  | Thích   2

Mọi việc đều có mặt ưu điểm và khuyết điểm, hãy suy xét theo quy luật Nhân – Quả mà làm.

paris – 16:55 2/9

  Trả lời  | Thích   2

Rat dong tinh voi quan diem va suy nghi cua bac, can phai co su manh dan doi moi cho giao duc va dung do toi cho cac chuong trinh; thiet bi dien tu

bangngoc2584 – 12:32 2/9

  Trả lời  | Thích   2

Phải nói rằng áp dụng công nghệ giáo dục điện tử vào nhà trường là tốt nhưng ở lớp nào, thời điểm nào. Lớp 1,2, 3 có cần không ? nhìn giáo dục đừng nhìn thiện cận quá, mà hãy nhìn với cái nhìn có tâm rộng và sâu; nếu sai lầm là hư cả một thế hệ, không phải vì khoa học tiên tiến mà cứ áp dụng vào đâu cũng được. 

BDV – 15:14 3/9

  Trả lời  | Thích   1

Nếu nghe công an nói về tội phạm có liên quan hoặc phụ huynh có con đam mê trò chơi điện tử, chắc thất kinh.

HOANGPHIHONG – 14:11 3/9

  Trả lời  | Thích   1

Công cụ là để dùng và phát huy công cụ một cách tốt nhất vào đúng thời điểm của nó. Trẻ em từ lớp 1 đến lớp 3 nhiều em ăn cơm còn bắt cha mẹ mốm cho thì chưa nói đến việc cầm được bút để viết được cái …  

me be ket – 10:51 3/9

  Trả lời  | Thích   1

Máy tính bảng cũng chỉ là một công cụ tiên tiến hỗ trợ cho công việc, học tập và giải trí, do vậy, nếu ai có điều kiện thì có thể mua sử dụng phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như nhu cầu của họ, điều đó tốt hơn là “bắt buộc phải” sử dụng nó để thay thế… 

Hung – 10:11 3/9

  Trả lời  | Thích   1

Giáo dục nhân cách một con người đâu muốn đi tắt là được??? Từ xa xưa các cụ lấy chữ “Nhẫn” để hun đúc và mài dũa tính cách, lòng kiên trì ” Có công mài sắt, có ngày nên kim” kg dễ gì cứ muốn là được? Vậy hỡi các nhà “Làm giáo dục” đừng nghĩ cứ có tiền là có tất cả??? 

nguyenhuu – 09:56 3/9

  Trả lời  | Thích   1

Muốn bán MTB với giá cắt cổ cũng được, nhưng trước tiên phải làm chương trình cho hay, phụ huynh thấy cần thiết, học sinh thấy hấp dẫn sẽ tự mua.

at – 09:12 3/9

  Trả lời  | Thích   1

Hãy để con trẻ được lựa chọn (lựa chọn MTB hay không) và người lớn hướng dẫn hỗ trợ thêm, người lớn không nên nghĩ mình có thể như thế nên lũ trẻ sẽ như thế, người lớn đừng làm như nhà nước mình là cái gì không kiểm soát được thì cấm!

hoang hoa – 22:51 2/9

  Trả lời  | Thích   1

Chỉ cần bộ giáo dục cấp phép mở: quyền được số hóa sách giáo khoa cho mọi đối tượng, mọi doanh nghiệp miễn là đảm bảo đúng nội dung của sách đã được biên soạn thì mọi vấn đề đều sáng tỏ.

Pham Cuong – 19:47 2/9

  Trả lời  | Thích   1

Tôi ủng hộ phương pháp hiện đại. Ở Xingapo người ta còn phát máy tính bảng cho HS và lap top cho GV. Còn ở VN GV phải bỏ ra 3-4 tháng lương ra để mua một cái lap top có thể dùng được. Đến ngày hội thi, làm chuyên đề hay dự giờ thì mới đưa ra trình chiếu. Còn lại vẫn dùng phương pháp truyền thống. Ôi chẳng qua là quản lí yếu nên mới không cho dùng thôi. Thế này thì GD mãi đì đẹt mà thôi. Còn cách kiểm tra đánh giá nữa, đặc biệt là môn tiếng Anh thì ở các nước tiên tiến họ kiểm tra bằng vấn đáp và có camera còn mình thì vẫn kiểm tra cái kiểu khoanh tròn. Bao giờ mới khá lên được. 

NHA GIAO TAM HUYET – 14:18 2/9

  Trả lời  | Thích   1

Bài viết hay

sumoloc – 14:12 2/9

  Trả lời  | Thích   1

Ở độ tuổi cấp 1 của trẻ là độ tuổi rất dễ bị cận thị, nhất là cho bọn trẻ tiếp xúc sớm với mtb sớm, chưa kể là bọn trẻ sẽ lười vận động.

nguyen quynh nhu – 16:33 3/9

  Trả lời  | Thích   0

NN có sẵn sàng tài trợ MTB cho con em đến lớp k? Nếu mấy chú bác tài trợ công cụ học tập và phụ huynh chỉ cần đóng tiền thuê/mượn như SGK trước đây thì họa may dân tình cũng ráng cho con em mình tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến…

Tuyen Nguyen – 15:53 3/9

  Trả lời  | Thích   0

Quan trọng nhất bây giờ là làm sao phá bỏ cái độc quyền của bộ sách giáo khoa điện tử kia, nhà nước mua lại một lần rồi cho toàn dân dùng miễn phí, hay ít nhất là bán rộng rãi cho bất cứ ai có nhu cầu, với giá thật rẻ vì ấn bản điện tử chỉ mất tiền làm một lần. Ở nước ngoài như Amazon, ấn bản điện thử thường rẻ hơn ấn bản giấy rất nhiều, có lúc tới 70-80%. Và khi đó PH nào có điều kiện, có nhu cầu sẽ mua cho con, ai không có điều kiện vẫn có thể dùng sách, thậm chí sách cũ, hài hoà giữa điều kiện của mỗi gia đình. Chứ còn cứ để các NXB độc quyền, rồi lấy cớ để bán phần cứng thì sẽ nảy sinh tiêu cực. Trong khi với bộ SGK hiện tại hoàn toàn có thể coi là tài sản chung, do được Việt ra bằng tiền ngân sách, các bên số hoá chỉ có thể tính công chuyển thể, mà nếu đấu thầu khâu số hoá này thì mọi người sẽ thấy giá trị thực là bao nhiêu. 

Tuấn Phạm – 15:39 3/9

  Trả lời  | Thích   0

Cam on bai viet cua ong Pham Hong Phuc. Nhung dieu ong neu ra chung to ong da tim hieu rat nhieu ve viec xu dung CNTT trong viec GD&DT cua VN.

Thanh Drummer – 11:34 3/9

  Trả lời  | Thích   0

Nen lam nhung phai lam cho thau dao

Nghệ Tôn Thất – 11:05 3/9

  Trả lời  | Thích   0

Tất cả cũng chi là dụng cụ hay phương tiện mà thôi… Vấn đề là con người sử dụng chúng…

Lộc – 22:34 2/9

  Trả lời  | Thích   0