Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2024

Chiếc lồng di động: người muốn trốn ra, kẻ đâm đầu vào

smartphones-in-life-00

 

Sống ở giữa thập niên thứ 2 của thế kỷ 21 này mà không tay smartphone, tay tablet thì quả là “người lạ”. Chẳng ai có thể bác bỏ được cái thực tế bây giờ là kỷ nguyên di động (era of mobility). Nói chính xác hơn, đây chính là kỷ nguyên của smartphone (điện thoại thông minh).

Theo số liệu do báo Business Insider (15-12-2013) công bố, vào cuối năm 2013, thế giới có 6% số dân sở hữu tablet, 20% sở hữu máy tính và 22% sở hữu smartphone. Cụ thể là bình quân cứ mỗi 9 người có 2 smartphone, và tổng số smartphone của toàn cầu là 1,4 tỷ chiếc. Bạn sẽ giật mình với tốc độ gia tăng tới 1,3 tỷ chiếc smartphone trong vòng 4 năm (vào năm 2009, chỉ có 5% số dân toàn cầu có smartphone).

Đó là chỉ nói riêng smartphone thôi. Đây là loại điện thoại di động (cell phone) có hệ điều hành cho phép chạy các ứng dụng của bên thứ ba. Còn nếu tính chung cả điện thoại chức năng (feature phone), tức điện thoại di động chỉ có chức năng đàm thoại, con số thiết bị sẽ còn nhiều hơn nữa. Theo số liệu thống kê, vào tháng 7-2013, smartphone chiếm 70% trên thị trường điện thoại di động toàn cầu. Hãng nghiên cứu thị trường Gartner (3-2014) báo cáo rằng trong năm 2013, thế giới có hơn 1,8 tỷ chiếc điện thoại di động được bán ra. Năm 2014 dự báo cũng ở mức 1,9 tỷ. Bạn thử hình dung xem, 1,9 tỷ chiếc điện thoại di động cho 7 tỷ dân già trẻ lớn bé.

smartphones-in-life-01

Gần như mỗi người trên hành tinh đều là một thuê bao nhà mạng di động. Theo báo cáo của Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU (tháng 5-2014), toàn thế giới hiện có gần 7 tỷ thuê bao di động (tức bằng 95,5% số dân toàn cầu). Theo số liệu của Informa (quý 2-2013), Việt Nam xếp thứ 8 trong tổng số 14 nước có số thuê bao di động từ 100 triệu người trở lên. Trong khi chỉ có gần 90 triệu dân, Việt Nam đã có tới 127,7 triệu thuê bao di động. Đừng có ngạc nhiên mà té ghế với số liệu mới ngó qua thấy kỳ cục này. Một người có tới mấy số điện thoại lận. Cũng không rõ có phải người ta thống kê trên đầu số đăng ký (mà Việt Nam thì SIM rác ngập tràn khắp mọi hóc bà tó).

Chưa có bao giờ thị trường có nhiều điện thoại (high-end) đắt như bây giờ. Nhưng giá điện thoại thông dụng cũng rẻ hơn bao giờ hết. Chỉ cần khoảng 300.000 đồng là bạn đã có trong tay một chiếc điện thoại chức năng màn hình màu mà alô. Một chiếc smartphone chạy Android cũng có thể mua với số tiền khoảng 1,2 triệu đồng. Trên thị trường hiện nay tràn ngập các mẫu smartphone hàng hiệu giá từ 2 triệu tới dưới 3 triệu đồng.

Có thể nói là giờ đây các điều kiện ắt có và đủ cho một chiếc smartphone hoạt động đã được đáp ứng đầy đủ. Sóng di động phủ từ một xóm nhỏ hẻo lánh tới một hải đảo xa xôi. Các nhà mạng đua nhau chiêu dụ và mở rộng lượng khách hàng. Các dịch vụ và nội dung số trên mạng di động ngày càng phong phú và sẵn sàng. Các chủng loại thiết bị đầu cuối bao la bát ngát với nhiều model, thương hiệu và mức giá. Và khi Internet đã có thể được kết nối thông qua sóng di động 3G, sắp tới là 4G (một số nước khác đã có), smartphone càng lên ngôi.

Ăn đứt Tề Thiên Đại thánh vốn chỉ có 72 phép thần thông biến hóa, smartphone hiện nay là một thiết bị số tổng hợp đa mục đích (multipurpose) – đặc biệt là thế hệ mới gọi là phablet có màn hình từ trên 5 inch tới dưới 7 inch, với sức mạnh phần cứng ngang ngửa một chiếc notebook, được tích hợp nhiều chức năng và chạy nhiều ứng dụng phần mềm. Không chỉ là một chiếc máy tính PC bỏ túi có tính năng điện thoại, smartphone còn là một máy chụp ảnh, quay phim chất lượng cao, cũng như là máy thu phát âm thanh, dẫn đường GPS, …

Một khi ngày càng quá dễ để có và để xài, đồng thời có quá nhiều tính năng phục vụ, chẳng ngạc nhiên khi smartphone là thiết bị công nghệ khiến con người bị lệ thuộc vào nó nhất. Nó thường trực trong túi khi bạn thức và nằm ngay đầu giường khi bạn ngủ. Ngay cả khi tắm rửa hay làm những chuyện “tế nhị” gì gì đó trong “tứ khoái”, người ta cũng phải kéo smartphone đi cùng. Ngày trước, những đôi yêu nhau tới “level con sam” luôn dính xà nẹo với nhau, khó lòng rời nhau nửa bước. Bây giờ, họ có thể rời xa nhau chứ không thể nào chịu nổi sự cách ly với chiếc smartphone. Nghĩ cũng phải, có smartphone, đôi người tình si vẫn có thể giữ được mối liên hệ với nhau, cho dù có cách cả một đại dương. Không có cái alô ở bên mình, người ta cảm thấy bất an, không được kết nối với những cái vòng cộng đồng của mình, đơn giản là sợ bở lỡ những cuộc gọi quan trọng.

Những ích lợi mà smartphone đem lại cho người dùng là vô cùng nhiều và đầy tính thuyết phục. Xin phép không liệt kê trong bài này. Nhưng tác dụng phụ của thiết bị di động này cũng chẳng hề ít.

Với chiếc smartphone có tính năng quay phim, chụp ảnh, ghi âm siêu đẳng và dễ che giấu, ai cũng có thể trở thánh những “paparazzi” (người chuyên chụp ảnh lén). Bởi vậy, những người có “tật”, đi tới đâu cũng phải đề phòng sợ bị lọt vô máy ảnh của smartphone. Tới nỗi hai người yêu nhau cũng phải cẩn thận mỗi khi hứa hẹn, thề thốt vì coi chừng “anh không cần nói gì, nhưng những lời anh nói có thể được dùng làm bằng chứng” bị ghi âm trong smartphone.

Người ta lâu nay đã cảnh báo rằng smartphone – đặc biệt khi có kết nối Internet – có thể giúp mở rộng các mối kết nối ảo nhưng lại giảm đi các sự nối kết thật. Bạn cứ vào bất cứ một quán cà phê nào đi sẽ thấy có những đôi tình nhân hay nhóm bạn ngồi cùng một bàn hay cùng một băng ghế mà mỗi người chúi mắt vào chiếc smartphone của mình. Có khi muốn tâm sự, nói với nhau chi đó cũng thông qua Viber, Zalo, Facebook,… chứ chẳng thèm mở miệng, cho dù đang ngồi bên cạnh nhau.

kids-on-smartphones smartphones-in-life-02 smartphones-in-life-04

Samartphone có gây nguy hiểm chết người không? Có. Vì thế, nhiều nước có luật phạt rất nặng những người vừa lái xe (bất luận xe hơi hay xe gắn máy), vừa sử dụng điện thoại (thậm chí có một số bang ở Mỹ cấm luôn việc sử dụng điện thoại bằng tai nghe trong lúc lái xe). Thật vậy, ngay cả việc vừa điều khiển xe, vừa trò chuyện điện thoại qua tai nghe có dây hay không dây cũng đều nguy hiểm cho mình và cho người, vì dễ làm mất sự tập trung. Nhiều bệnh viện, hãng xưởng cũng cấm người lao động sử dụng điện thoại di động trong khi làm việc.

Lâu nay trên thế giới, trào lưu về với thiên nhiên ngày càng được mở rộng và có nhiều người hưởng ứng. Bây giờ, trong cái trào lưu đó có thêm một đối tượng mới là những thiết bị di động. Thế giới đang cổ vũ mọi người cai bớt cái chứng “nghiện màn hình”, giảm bớt thời gian chúi mắt mũi vào những chiếc màn hình thiết bị di động mà dành thêm nhiều thời gian và tâm trí vun xới cho các mối quan hệ giữa người với người trong cuộc sống thật. Ở một số nước, người ta tổ chức những sự kiện “tắt màn hình” mà những người tham gia phải “ly khai” với các thiết bị di động. Có những nơi vui chơi, khách phải gửi lại những thiết bị di động bên ngoài cổng để có thể toàn tâm, toàn ý mà vui chơi. Ngay cả ở Mỹ, ngày càng có nhiều quán cà phê gỡ bỏ hệ thống Wi-Fi, yêu cầu khách không sử dụng thiết bị di động, máy tính trong quán mình. Hồi tháng 3-2014, quán cà phê và bánh August First Bakery & Café ở Burlington (bang Vermont) dán thông báo từ ngày 31-3-2014 sẽ không chấp nhận việc sử dụng laptop và các thiết bị có màn hình trong tiệm mình. Bà chủ Jodi Whalen nói với báo chí: “Khi bước vào một nơi và nhìn thấy mọi người chúi mắt vào các màn hình của họ, điều đó lấy mất cái khía cạnh cộng đồng của nơi đó – nơi lẽ ra bạn đến với những người khác.” Bà cho biết sau khi áp dụng quy định này, quán của mình còn đông khách hơn xưa. Bà Lulu de Carrone, chủ quán cà phê Lulu’s ở New Haven (bang Connecticut) cũng đã quyết định cấm sử dụng laptop, tablet trong quán để giúp các khách hàng kết nối lại với nhau.

photo1

Cũng ở Mỹ, nhóm CCFC (Campaign for a Commercial-Free Childhood, Cuộc vận động một tuổi thơ không bị thương mại) đã tổ chức sự kiện Tuần lễ Không Màn hình (Screen-free Week) trong tháng 5-2014 yêu cầu mọi người ở Mỹ và trên thế giới tắt (OFF) các thiết bị có màn hình trong một tuần để bật (ON) cả thế giới chung quanh mình lên.

2014-screen-free-week

Nói chung, bất luận thế nào, smartphone được con người phát minh ra để phục vụ cuộc sống con người. Nó chỉ đơn thuần là một thiết bị vô tri vô giác, được sử dụng ra sao là tùy ở mỗi con người. Mà sống ở trên đời này, hễ ta để cho mình bị quá sa đà hay phụ thuộc vào bất cứ thứ gì cũng đều lợi bất cập hại. A lô, a lô… lại mất sóng nữa rồi….

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 3-9-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bản in trên báo Thế Giới Tiếp Thị 3-9-2014

 

smartphones-in-life-03