Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Phương Tây cấm vận Nga, ai mới chịu thiệt hại?

vladimir-putin-eu

 

Lý lẽ mà phương Tây, chủ yếu là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra biện minh cho hành động cấm vận chống Nga là để trừng phạt Moscow đã can thiệp vào Ukraine khiến cho nước này càng thêm khủng hoảng chính trị, bùng nổ nội chiến khốc liệt hơn và không còn toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng ai cũng biết mục tiêu chính là nhằm vào Tổng thống Vladimir Putin, nhân vật từ khi lên cầm quyền ở nước Nga vào ngày cuối cùng của năm 1999 sau khi Tổng thống Boris Yeltsin đột ngột từ chức (lúc đó Putin vừa lên làm Thủ tướng), đã không ngừng gây khó chịu cho phương Tây. Thực sự là họ đã bao vây với ý định không chế, cô lập nhà lãnh đạo Nga khi ra tay cấm vận những nhân vật tài phiệt và chính trị gần gũi với ông Putin.

Chỉ có điều, càng ngày người ta càng thấy rõ sự bất cập, thậm chí có thể là phản tác dụng, của việc cấm vận đầy áp đặt này. Theo hãng tin Anh Reuters (5-11-2014), Thủ tướng Bohuslav Sobotka của Cộng hòa Séc, thành viên EU từ năm 2004, đã thừa nhận rằng biện pháp cấm vận của EU đang làm thiệt hại cho nền kinh tế Nga chứ chẳng thể nào thay đổi được cách hành xử của ông Putin như một nhà lãnh đạo Nga. Nhiều nhà chính trị cao cấp của Séc, bao gồm cả Tổng thống Milos Zeman, lâu nay cũng đã bày tỏ sự hoài nghi về các biện pháp cấm vận này.

Phương Tây đã quy cho Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine, mà nặng nề nhất là việc Bán đảo Crimea tách khỏi Ukraine để sáp nhập về lại Nga hồi tháng 3-2014 và việc hỗ trợ cho các lực lượng ly khai thân Nga đang chiến đấu ở miền đông Ukraine – khu vực cũng có nhiều khả năng theo vết xe đổ của Crimea.

Mặc dù ủng hộ hành động của EU, Thủ tướng Sobotka nói trong cuộc phỏng vấn dành cho Reuters ngày 5-11-2014 rằng: “Các biện pháp cấm vận ảnh hưởng lên nền kinh tế Nga, chúng ảnh hưởng một cách tiêu cực. Tuy nhiên, tôi không tin rằng chúng trong một cách nào đó có thể thay đổi được cách hành xử chính trị của nhà lãnh đạo Nga. Trạng thái tâm lý của xã hội Nga sau khi bị cấm vận là càng ủng hộ vững chắc hơn cho giới lãnh đạo Nga thay vì giảm sút sự ủng hộ đối với ông Putin và chính sách mà ông thực hiện.”

Một kết quả nhãn tiền sau nhiều vòng cấm vận mà phương Tây áp đặt lên Nga là cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine (gọi là Verkhovna Rada, Hội đồng Tối cao) ngày 26-10-2014 tuy đem lại chiến thắng lớn cho phe thân phương Tây, nhưng lại khoét sâu thêm sự chia rẽ của nước này. Khu vực phía Đông giáp Nga gồm Luhansk và Donetsk không tham gia cuộc bầu cử này mà quyết định tổ chức bầu cử riêng hôm 2-11-2014. Cho dù phương Tây không công nhận kết quả bầu cử của hai vùng lãnh thổ Luhansk và Donetsk đang nằm trong tay quân ly khai, Quốc hội mới của Ukraine rõ ràng chỉ đại diện cho một Ukraine không có Crimea và miền Đông.

Có những dấu hiệu căng thẳng mới xuất hiện. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 4-11-2014 cho biết quân đội Nga đang áp sát trở lại biên giới với Ukraine và Nga vẫn tiếp tục hỗ trợ cho lực lượng ly khai của Ukraine.

Có vẻ EU sẽ phải xem xét lại biện pháp cấm vận của mình. Hôm 4-11, Federica Mogherini, Ủy viên Đối ngoại mới của EU, cho biết các ngoại trưởng của khối gồm 28 nước thành viên này sẽ thảo luận về vấn đề cấm vận Nga vào ngày 17-11-2014.

Điều quá rõ là hơn 143 triệu người dân Nga mới chính là nạn nhân thật sự của các biện pháp cấm vận do phương Tây áp đặt lên Nga. Cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nặng nề.

Nhưng đồng thời ngay chính Mỹ và phương Tây cũng chịu cú hồi mã thương bị thiệt hại không nhỏ về ngoại thương với Nga. Từ nhiều năm nay, Nga là nước xuất khẩu lớn nhất dầu thô và khí thiên nhiên của EU. Năm 2007, Nga đã cung cấp cho EU 185 triệu tấn dầu thô (chiếm 32,6% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của EU) và 100,7 triệu tấn khí thiên nhiên quy đổi ra dầu (chiếm 38,7%). Nhiều nhà đầu tư Mỹ và phương Tây có mối quan hệ làm ăn với các đối tác Nga. Vậy là, vô hình trung, cấm vận của EU chống Nga cũng đã làm thiệt hại cho nền kinh tế các nước thành viên EU mà mấy năm nay đang khốn đốn vì suy thoái.

Rồi những năm tới đây, nếu Ukraine không sớm ổn định và kinh tế khá lên, EU sẽ phải gánh thêm một “cục nợ” chẳng nhẹ nhàng gì. Nếu không tìm được một giải pháp khả thi, Ukraine cho dù gia nhập EU, nhưng vẫn phải đối mặt với những bất ổn từ các khu vực ly khai thân Nga và trực tiếp với “người khổng lồ” Nga ở sát nách. Có tới 66% lượng khí thiên nhiên tiêu thụ của Ukraine là mua từ Nga.

Dự án đường ống dẫn khí mới South Stream để vận chuyển khí thiên nhiên từ Nga cung cấp cho châu Âu chạy vòng ra ngoài Ukraine thay cho hệ thống Nord Stream có từ năm 2011 chạy qua lãnh thổ Ukraine sẽ làm ngân sách Ukraine thất thu rất lớn khoản phí trung chuyển. Thủ tướng CH Séc nhấn mạnh: “Nếu châu Âu đang cố gắng giúp ổn định hóa nền kinh tế Ukraine, chúng ta không thể tay bên này cho Ukraine vay nợ, trong khi tay bên kia ủng hộ các dự án sẽ làm suy yếu nến kinh tế Ukraine về lâu dài.” Ngay chính dự án đường ống mới South Stream sẽ làm chia rẽ phương Tây. Một số nước vùng Balkan như Áo và Hungary (hai thành viên EU) rất thích dự án đường ống dẫn khí chạy qua nước mình và đang cố gắng tăng tốc độ xây dựng nó.

russia-gas-pipeline-nord-stream

Hệ thống Nord Stream.

russia-gas-pipeline-south-stream

Hệ thống South Stream.

Một khi cấm vận kinh tế Nga để làm thay đổi tình hình Ukraine mà vẫn không cứu được Ukraine khỏi tan đàn xẻ nghé, chắc chắn phương Tây sẽ phải sớm xem xét lại.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 9-11-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

russia-europe-agriculture

russia-europe-business

russia-europe-economy russia-europe-loses