Thứ Năm ngày 26 tháng 12 năm 2024

THẾ GIỚI 2015: Liệu có gì mới với mối quan hệ Mỹ – Nga và giá dầu lửa?

obama-vs-putin-01

 

Bất luận nhìn từ góc độ nào và muốn hay không muốn, Nga và Mỹ vẫn luôn là hai thế lực đối trọng với nhau trên bàn cờ quốc tế. Đó là sự đặt để của lịch sử.

Một trong những “di sản” nặng nề mà năm 2014 để lại cho năm 2015 là cuộc khủng hoảng Ukraine gắn với việc Mỹ và phương Tây cấm vận Nga. Do bị quy trách nhiệm can dự vào cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine, mà đỉnh điểm là việc Bán đảo Crimea ở miền nam Ukraine tách khỏi nước này để sáp nhập trở lại nước Nga, Moscow đã bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt hàng loạt biện pháp phong tỏa và cấm vận kinh tế. Hậu quả là quan hệ giữa Nga và phương Tây vốn căng thẳng càng thêm tồi tệ. Trong khi đó, không ai có thể phủ nhận được vai trò của Nga, cụ thể là của Tổng thống Vladimir Putin, trên bàn cờ quốc tế. Tất nhiên, giải pháp tốt cho tất cả là Ukraine không nghiêng ngả sang bên nào hết. Thực tế là Nga sẽ không thể chấp nhận có thêm một nước NATO nằm ngay sát nách mình. Nhưng mới đây, Nghị viện Ukraine đã hủy bỏ quy chế trung lập, mở đường cho nước này gia nhập EU và cả NATO. Chắc chắn rằng giới lãnh đạo mới được bầu của Ukraine nghiêng hẳn về phương Tây. Quả bóng vì thế nằm ở chân Mỹ và EU. Nga có thể chấp nhận việc Ukraine gia nhập EU, nhưng NATO lại là một câu chuyện khác.

Phải ghi nhận một điều là ông Putin tỏ rõ sự cứng rắn, nhưng không quá đáng. Có lẽ không ai hiểu rõ vị thế của ông bằng chính ông. Cho tới nay, tuy kịch liệt phản đối những biện pháp cấm vận áp đặt lên nền kinh tế Nga, Moscow vẫn khôn ngoan không trả đũa theo kiểu ăn miếng trả miếng, mà chắc chắn sẽ đẩy tình hình thêm tệ hại hơn.

Trong dịp Năm mới 2015, Tổng thống Putin đã gửi một thông điệp đầu năm cho Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong đó, Moscow cho thấy họ vẫn đang tìm kiếm một sự bình đẳng trong quan hệ song phương Nga – Mỹ trong năm mới này. Ông Putin nhắc ông Obama nhớ rằng năm 2015 là kỷ niệm 70 năm chiến thắng của quân đồng minh trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, đánh dấu sự hợp tác giữa Liên Xô thời đó và Mỹ trong sứ mạng cứu loài người khỏi hiểm họa phát xít Hitler. Ông Putin nhấn mạnh tới “trách nhiệm mà Nga và Mỹ phải gánh vác trong việc duy trì hòa bình và ổn định quốc tế”.

Năm 2015 cũng là năm đánh dấu 15 năm cầm quyền của ông Putin – người đã từ ghế Thủ tướng lên làm Tổng thống Nga từ năm 2000 sau khi Tổng thống Boris Yeltsin đột ngột từ chức. Trong khi đó, ông Obama bước vào 2 năm cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, cũng là cuối cùng.

barack-obama-and-vladimir-putin-meeting-at-the-g8

Sự đối đầu giữa Nga và Mỹ không hề có lợi cho thế giới. Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau trong một cuộc gặp Nhóm G8 vào cái thời hai nước ít căng thẳng. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

Tình hình giá dầu lửa rớt mạnh trong những ngày cuối năm 2014 sẽ có nhiều ảnh hưởng đối với kinh tế thế giới trong năm 2015. Loài người lâu nay quá phụ thuộc vào các nguồn năng lượng khai thác từ lòng đất. Giá dầu thô đã giảm 40% kể từ mùa hè 2014 tới nay. Điều này gây thiệt hại nặng cho các nước xuất khẩu dầu, đặc biệt là các nước lâu nay sống chủ yếu dựa trên nguồn thu từ dầu lửa. Nền kinh tế các nước như Nigeria, Nga, Venezuela,… bị ảnh hưởng nặng vì giá dầu giảm. Cứ mỗi USD giá dầu thô giảm đi, Venezuela bị mất khoảng 700 triệu USD trong tổng thu nhập kinh tế. Trong khi đó, giá dầu giảm mạnh lại có lợi cho sự phát triển kinh tế và cuộc sống của hầu hết thế giới còn lại. Quỹ Tiến tệ Quốc tế (IMF) đánh giá rằng giá dầu mỏ giảm mạnh giúp kinh tế thế giới tăng trưởng thêm gần 1%. Những người đi xe sẽ tiết kiệm được nhiều tiền xăng dầu. Chi phí và giá thành sản xuất và dịch vụ sẽ giảm.

Thế giới bước vào năm 2015 với ngổn ngang vấn đề kế thừa từ một năm 2014 đầy biến động và biến cố. Nhưng chúng ta vẫn tiếp tục hy vọng các thế lực có trách nhiệm sẽ thể hiện được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng thế giới.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 2-1-2015)

+ Có thể đọc bản in trên báo CA.TP.HCM 2-1-2015