THẢM KỊCH CHUYẾN BAY QZ8501 LÂM NẠN: Ngày thứ 15, phát hiện phần thân máy bay
Ngày 11-1-2015 là ngày thứ 15 sau khi chuyến bay AirAsia QZ8501 lâm nạn sáng Chủ nhật 28-12-2014 trên Biển Java (Indonesia) với 162 người trên chiếc máy bay Airbus A320-200.
Có hai thông tin đáng chú ý nhất trong ngày hôm nay.
– Lực lượng tìm kiếm Indonesia khẳng định đã phát hiện được phần thân chính của chiếc máy bay lâm nạn.
Ông Suryadi B. Supriyadi, Giám đốc các hoạt động của Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc gia Indonesia (BASARNAS), cho biết kết quả quét đáy biển bằng thiết bị sonar đã phát hiện được một vật thể lớn có kích thước dài 10 mét, ngang 4 mét và cao 2,5 mét ở vùng biển cách vị trí tìm thấy chiếc đuôi máy bay khoảng 4km. Ông Supriyadi nói: “Nếu đó là phần thân máy bay, việc đầu tiên là chúng tôi sẽ tìm thi thể các nạn nhân, và thứ hai là tìm kiếm chiếc hộp đen.”
– Các người nhái hy vọng trong ngày mai, 12-1, biển êm hơn để họ có thể thu hồi những chiếc hộp đen ghi lại toàn bộ dữ liệu của chuyến bay định mạng QZ8501 đó.
Ngày 10-1, sau khi trục được phần đuôi của máy bay lên, người ta đã kiểm tra nhưng không tìm thấy những chiếc hộp đen vốn gắn ở đó. Sau đó, phần đuôi này đã được tàu cứu hộ Crest Onyx chở về cảng Kumai Bay, không xa Pangkalan Bun, thị trấn đã trở thành căn cứ trên bờ của các hoạt động tìm kiếm chuyến bay QZ8501.
Ngày hôm nay, các đội tìm kiếm cho biết đã nghe thấy những tín hiệu âm thanh mạnh hơn mà họ tin là từ hai chiếc hộp đen ở vùng biển cách nơi tìm thấy phần đuôi khoảng 1km.
Theo ông Santoso Sayogo, nhà điều tra của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia, ba chiếc tàu đang tìm kiếm trong khu vực đều ghi nhận được các tín hiệu ping phát ra từ dưới đáy biển sâu 30 mét. Các kết quả khảo sát cho thấy vùng đáy biển này là cát nên người nhái có thể dễ dàng nhìn thấy những chiếc hộp đen. Sau khi được tìm thấy, những chiếc hộp đen sẽ được chuyển về thủ đô Jakarta để phân tích và có thể mất 2 tuần để xử lý dữ liệu. Tuy nhiên, các nhà điều tra có thể truy xuất thông tin ghi trong các hộp đen chỉ trong vòng 2 ngày nếu các hộp đen không bị hư hại nặng.
Việc xử lý các thông tin chứa trong các hộp đen sẽ cung cấp cho các nhà điều tra biết tình hình xảy ra trên máy bay và cho máy bay trước và khi lâm nạn. Điều này không chỉ giúp cho cuộc điều tra về tai nạn máy bay này, mà cái quan trọng nhất là giúp nhà chức trách hiểu được sự cố gì đã xảy ra để tìm cách không để xảy ra trong tương lai. Nó sẽ giúp cứu được vô số sinh mạng hành khách.
Trong hai ngày nay, các tàu không tìm thấy thêm được thi thể nạn nhân nào. Cho tới nay mới có 48 nạn nhân được tìm thấy. Trong số đó có 29 người đã xác định được danh tính. Riêng trong ngày 11-1, các nhà chuyên môn đã xác định được thêm 3 nạn nhân, gồm một đôi vợ chồng người Hàn Quốc và một người Indonesia. Người ta tin rằng có nhiều nạn nhân vẫn còn bị kẹt bên trong phần thân chính của máy bay. Tuy tránh nói ra, nhưng mọi người chỉ biết cầu nguyện để có thể tìm được càng nhiều thi thể bao nhiêu, càng đỡ đau lòng bấy nhiêu.
Một tin bên lề: Lúc 1g30ph chiều 11-1-2015, một chiếc máy bay DHC-6 Twin Otter của hãng hàng không Trigana Air (Indonesia) đã lâm nạn khi đang đáp xuống sân bay Enarotali Airport ở Paniai (Indonesia). Những luồng gió mạnh đã khiến chiếc máy bay bị trượt khỏi đường băng (hãng tin Reuters nói máy bay bị lăn tròn – roll over, trong khi báo Jakarta Post của Indonesia đưa tin máy bay bị slipped off the runway). May mắn là không có ai bị thương. Lúc đó trên máy bay chỉ có đội bay 3 người, không có hành khách. Đây là loại máy bay nhỏ twin-turbine do Canada chế tạo, có khả năng chở được 19 hành khách thuộc dòng máy bay STOL (Short Takeoff and Landing) có thể cất cánh và hạ cánh với đường băng ngắn. Chiếc máy bay này bay từ Timika đến để đón số hành khách tới đảo Enarotali du lịch trong mùa lễ Giáng sinh đến nay mới chịu về nhà.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 11-1-2015)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.