Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Tản mạn sau Tết

 20150205155326-don-tet-truyen-thong-giua-cali-travetimes-1

 

Những ngày “mùng” hay “mồng” đã qua hết rồi, luật lệ kiêng cữ cũng xách dép “biến” theo. Hôm nay nói thật những gì trông thấy… chắc được. Tuy vậy tôi vẫn rụt rè xin minh xác: đây là lời tản mạn về Tết nhìn từ chỗ tôi đang đứng ở bên kia đại dương, tức ở xứ Hoa Kỳ.

Có khá nhiều điều ngồ ngộ ở phía bên này đại dương. Ở nơi đây, người Việt tha hương đón Tết nhưng không bao giờ đúng vào ngày Tết. Họ phải mò tìm lịch “Ta” để biết Tết rơi vào ngày nào của lịch “Tây”, rồi chọn một cuối tuần gần ngày Tết mà “ăn”. Họ không quen gọi Tết bằng tên “Ta”, như nói “Tết Ất Mùi”, nhưng nói “Tết năm 2015”. Họ không chịu nhận Tết là ngày sinh nhật chung cho mọi người. Với “Ta” cứ Tết đến là mọi người tự động tăng lên một tuổi. Nhưng ở đây, các thiếu nữ Việt ưa mặc áo dài, kể cả những em bé chưa hề biết Việt Nam. Sự hồn nhiên của họ khiến nhiều cô bạn Mỹ cũng mặc áo dài “ăn theo”. Ở đây rất ít người đón giao thừa, vì chẳng lẽ nửa đêm mình rón rén thức dậy một mình, cười lên ba tiếng, rồi lên giường ngủ tiếp để sáng mai “đi cày”, hay đi học. Chưa hết, có nhiều vùng tuyết phủ ngập đầu, nhìn khắp nơi chẳng thấy một cành đào hay một nhánh mai. Trong khi ở bên nhà cả nước ăn Tết, ở chốn này, Tết chỉ có trong tư gia của những ai cố tình muốn ăn Tết.

Ở bên đây ai cũng nghĩ: Tết bên nhà tất nhiên là “hoành tráng” rồi. Những hình ảnh về phố hoa và chợ Tết tràn ngập trên “nét”. Nhưng vào ngày mùng 5 Tết, tôi nhận được email của anh bạn già ở quận Thủ Đức, Sàigòn. Anh viết, “Năm nay tự nhiên tôi không thấy hồ hởi phấn khởi”. Cứ tưởng bạn tôi mang nỗi “sầu riêng” nên mới có tâm trạng như vậy. Tôi tò mò đọc báo bên nhà, té ra mối cảm khái ấy chẳng phải chỉ cho riêng bạn. Một ký giả ghi lại cuộc đối thoại giữa hai ông già, có lẽ cũng bằng tuổi bạn tôi, ngồi ở quán vỉa hè. Ông thứ nhất nói, “Tết đến làm gì, chán quá.” Ông thứ hai góp lời, “Tui thấy 5 năm Tết một lần cũng được.” (Tuankhanh blog’s, “Xuân đến xuân đi”).

Tâm trạng thiếu hồ hởi lan ra rộng hơn. Tết là khởi điểm của chu kỳ Trái đất đổi mới. Hoa muôn sắc của Tết là biểu tượng cho phúc lộc. Người ta mua hoa về chưng ở nhà, vì gia cảnh rực rỡ là dấu chỉ hưng thịnh cho cả năm. Nhưng báo chí cho biết chợ hoa Saigòn năm nay ế khách thê thảm. Chẳng biết những nơi khác thì sao. Tết còn là ngày sum họp gia đình. Nhưng một số không nhỏ những người bỏ quê lên Sàigòn làm nhân công, năm nay không đủ tiền về quê ăn Tết. Họ đành hát bài “Xuân này con không về” với những ngậm ngùi.

Câu nói của ông già, “Tui thấy 5 năm Tết một lần cũng được”, thật độc đáo. Không phải ông không muốn có Tết, nhưng chỉ muốn lễ hội dời lại khoảng chu kỳ của nó. Ông thấy Tết là khối nặng của định chế hay phơi bày một hoàn cảnh nghịch ý nào đó. Nhưng ông ơi, “cũng được” thế nào đặng. Mỗi năm không có Tết làm sao hợp đạo trời. Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, cứ coi như có nhà được dê béo kéo xe hoa dừng lại trước cửa, có người du xuân bị dê say xỉn húc càn té ngửa. “Life is never fair.” (Oscar Wilde).

Tết đâu phải chỉ nhấn mạnh vào ngày hội thế tục. Sự cưỡng chế của tục lệ xã hội, như những vòng dây xiết chặt, khiến nhiều người ngạt thở. Nhưng nằm bên dưới cảnh tưng bừng của tục lệ là nền tảng tinh thần dân tộc. Như chợ Tết ở quận Sacramento, nơi tôi ở, tổ chức vào ngày 10 và 11 tháng giêng Ta. Vì Tết đã qua 10 ngày rồi, người ta còn mua sắm Tết làm gì. Tuy vậy không có ngày nào trong năm lại đông người Việt tụ lại như ở chợ Tết. Người ta không nhất thiết đến chợ để mua một cái gì. Người ta đến đó chỉ để thấy nhau là người Việt, những người có cùng một nguồn tổ.

Mặc dù trong ngày Tết vẫn có người mang nỗi “sầu riêng”, nguyên nhân chính vì vào lúc đó, trong vô thức họ có khoang trống vắng tâm hồn. Hơn ai hết, họ mong được nối kết với mọi người trong một tình tự thân thương để lấp đầy khoảng trống vắng ấy. Có thể đó là niềm mong ước về tình trạng kinh tế cá nhân, hay một ước vọng nào đó. Về trường hợp bạn tôi, một nhà giáo, anh có nỗi sầu trong phạm trù văn hóa. Bạn mong cho thế hệ trẻ có một tương lai tốt hơn để họ có thể đón Tết với những hành xử thanh nhã như hoa xuân. Nói chung, mỗi người có một lý do riêng kể ra không hết, nhưng vượt lên trên tất cả, Tết là thời gian duy nhất để tạo niềm hy vọng.

 

ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove, California 1-3-2015)

+ Ảnh: Tết ở California. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks)

Có lẽ chúng ta cũng nên cười một chút nhân Năm Dê.