Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

BPhone “mờ mờ nhân ảnh” trong mắt kẻ đang “trông vời áo tiểu thư”

150520-bkav-bphone-invitation-01_resize

 

Theo một quy luật bất thành văn, một sáng kiến PR đã thành tập quán, thư mời ra mắt những mẫu smartphone mới, đặc biệt là các “hot girl”, thường được nhà sản xuất mô phỏng theo hình dáng của sản phẩm sắp chiềng làng nước đó.

Vậy thì, với tấm thiệp mời quan khách dự sự kiện ra mắt BPhone tại Hà Nội ngày 26-5-2015, Bkav đã ngầm giới thiệu dáng vẻ của chiếc smartphone đầu tiên của mình. Đó chính là “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh” (bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, năm 1938) với người này hay là “Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ” (bài thơ Học Sinh của Huy Cận, năm 1940) với kẻ khác.

Xin được mô tả một chút nhé. Tấm thiệp này được làm bằng nhôm mỏng sắc như dao cạo mạ chrome vàng có hoa văn chạy xước dọc thật mảnh. Phải chăng điều này để thể hiện BPhone với chất liệu nhôm và mỏng? Các cạnh tấm thiệp được cắt bằng laser sắc sảo với 4 góc được bo tròn có góc bo nhỏ hơn cả Apple iPhone 6 hay Samsung Galaxy S6.

Mặt lưng của thiệp có các chi tiết được khắc nổi bằng laser và mạ chrome rất tinh tế và sang trọng. Chính giữa là chữ B và dòng chữ “Designed by Bkav – Made in Vietnam”. Phần bên phải có một đường chỉ hình chữ V và một chi tiết trông giống như chiếc loa nghe của smartphone. Cụm họa tiết bên phải này thoạt nhìn giống như cái nắp bì thư, nhưng nhìn lại thì giống như một phần phía trên mặt trước của chiếc smartphone được đặt gá lên lưng thiệp.

150520-bkav-bphone-invitation-03_resize

Mặt chính của tấm thiệp có các chi tiết được bắn bằng laser màu trắng nổi trên nền chrome. Đó là tên của khách mời, ngày giờ và địa điểm được đặt trong những cái khung tròn hay bo tròn gợi hình ảnh của những chiếc nút bấm trên mặt smartphone. Chính giữa là một mã code QR mà khi khách dùng ứng dụng QR scan trên thiết bị di động quét vào sẽ được dẫn tới trang web có thư mời chính thức ghi cụ thể tên và cơ quan của khách mời với người đứng tên mời là anh Nguyễn Tử Quảng, CEO và Chairman của Bkav. Điều đáng chú ý là trên tấm thiệp hardcopy lẫn trên web không thể hiện sản phẩm nào cụ thể. Đó chỉ là “B – Designed by Bkav – Made in Vietnam”.

150520-bkav-bphone-invitation-05_resize

150520-bkav-bphone-invitation-07_resize

 

Để có thể suy đoán kích thước của BPhone, ta thử đo tấm thiệp nhôm nhé. Dài 140mm và rộng 69mm. Trong khi đó Galaxy S6 edge màn hình 5.1 inch có kích thước 142,1 x 70,1 mm và Galaxy S6 cũng 5.1 inch có kích thước 143,4 x 70,5 mm, hay iPhone 6 màn hình 4.7 inch có kích thước 138,1 x 67 mm. Theo nhiều tin đồn, BPhone có kích thước màn hình 5 inch.

150520-bkav-bphone-invitation-06_resize

Bên phải là Galaxy S6 edge.

Có thể nói rằng trong đời hành hiệp giang hồ trên cõi võ lâm ICT của mình, tôi chưa từng thấy một tấm thiệp mời ra mắt sản phẩm nào ấn tượng như với BPhone. Đẹp, sang trọng và đầy chất công nghệ cao. Điều đó thể hiện sự tự tin và tình yêu thương của nhà sản xuất dành cho đứa con cưng, thậm chí là “cầu tự” của mình. Xin hãy tin tôi đi, không phụ huynh nào có thể làm như vậy nếu như không tự tin, yêu thương và dành nhiều kỳ vọng cho đứa con của mình. Ừ thì đại gia muốn khoe mẽ có thể tung tiền ra thuê thiên hạ chuyên nghiệp thực hiện ý đồ của mình. Nhưng ở đây, qua những tiếp xúc với những bộ phận có liên quan của Bkav, kể cả từ “sếp sòng” Nguyễn Tử Quảng, tôi đủ database để hiểu được họ yêu con mình tới chừng nào.

1.500 khách mời trong một sự kiện diễn ra ngay tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình cho thấy đâu phải dạng vừa.

Chỉ có các bạn đang làm cha mẹ mới hiểu được cái chân lý: con mình là Number One. Chẳng hề phải “ngạc nhiên chưa” khi có những ông cha bà mẹ chẳng hề ngượng miệng khi “tung hô” con mình, mà cũng chẳng hề chùn tay khi “ném đá” con hàng xóm.

Cho dù là fan của Bkav hay là những người khó chịu trước cách PR “bom tấn” của Bkav, đặc biệt là dám cả gan “khi quân, phạm thượng” khi so sánh với “hoàng đế i” và “nữ hoàng s”, tôi tin rằng mọi người đều đã được hay bị nhúng (embeded) cái chữ “B” trong đầu mình và đang dõi mắt chờ đợi ngày BPhone chính thức chào đời. Người thì để được tự sướng với cục cưng của mình, người thì để coi nó là “bom tấn” hay “bom xịt”.

Những người bình tâm, lão làng trên chốn mạng xã hội đầy ảo ảnh nhiều sung sướng và lắm thị phi, từng chằng chịt thẹo ngang thẹo dọc bởi dính những nhát “chém gió” của các “thánh Net” hễ mở mạng là gặp, chắc chắn luôn ủng hộ những nỗ lực vươn tới tương lai của những người con đất Việt. 4 năm trời chuẩn bị và nhiều triệu USD tiêu tốn của Bkav cho dự án BPhone chẳng phải là dạng vừa. Cũng chẳng nên quá kỳ vọng vào một sản phẩm làm dâu trăm họ nào, đặc biệt trong những phiên bản đầu tiên. Chỉ cần sản phẩm đó thể hiện sự nghiêm túc và trách nhiệm của nhà sản xuất là đáng để mừng rồi. Nhà sản xuất mà để cho bị thất bại thì chính họ lãnh đạn chứ đâu phải người tiêu dùng. Nguyễn Tử Quảng mà là “Những kẻ phiêu lưu” (tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Harold Robbins) hay là “Những người thích đùa” (tập truyện trào phúng của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Aziz Nesin) thì sau cú Big Bang này, giang hồ sẽ có thêm những đệ tử Cái Bang “Made by Bkav”. Cả núi tiền của chớ giỡn sao ta. Và trên hết chính là uy tín của thương hiệu Bkav dày công gầy dựng bao năm nay. Vì thế với Bkav, tôi hy vọng rằng họ sẽ có đủ khả năng và bản lĩnh thật sự để viết lên một câu chuyện mới, đáng để đọc, về những sản phẩm công nghệ “Made in Vietnam”. Làm được như vậy thì quả là “Ơn Giời, cậu đây rồi…”

Ờ hén, cho dù có ghét cay ghét đắng cách PR của Bkav thì sao tôi lại nhắm mắt nhắm mũi vùi dập BPhone, ngay cả khi nó còn trong trứng nước? Nó có tội tình chi đâu. Tại sao tôi không rộng lòng mở cho nó một cơ hội chào đời mà cứ lăm le áp giải nó tới bệnh viện phụ sản để “điều hòa xx”? Nó có làm nên chuyện thì mình mừng, nó chẳng ra gì thì mình cũng nên buồn cho nó và tiếc cho Bkav. Triết gia Mỹ Ralph Waldo Emerson (1803 – 1882) từng viết: “Sự vinh quang lớn nhất của chúng ta không nằm ở việc không bao giờ thất bại, mà nằm ở việc vươn dậy sau mọi lần thất bại.”

Tôi khép lại bài này bằng cách xin phép hai đại thi sĩ Hàn Mặc Tử và Huy Cận cho được mượn nguyên hai khổ thơ trong hai bài thơ nói trên để “thay lời muốn nói” gởi gấm những điều tâm sự:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa,

Áo em trắng quá nhìn không ra…

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?”

(Bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, 1938)

 

“Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn,

Tuổi hai mươi đến, có ai ngờ!

Một hôm trận gió tình yêu lại:

Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ.”

(Bài thơ Học Sinh của Huy Cận, 1940)

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 20-5-2015)