Kẻ đánh bom Boston và bản án tử hình
Sau khoảng 15 tiếng đồng hồ cân nhắc cẩn thận, một bồi thẩm đoàn gồm 12 thành viên tại một tòa án liên bang ở thành phố Boston (bang Massachusetts, Mỹ) chiều 15-5-2015 đã kết luận bị cáo Dzhokhar Tsarnaev, 21 tuổi, có tội và sẽ bị tử hình bằng tiêm thuốc độc. Dzhokhar và người anh Tamerlan bị buộc tội thực hiện vụ đánh bom tại mức đến của cuộc đua marathon Boston ngày 15-4-2013 giết chết 3 người và làm bị thương 264 người. 17 nạn nhân đã bị mất tay hay chân. Gã anh đã bị cảnh sát bắn chết 4 ngày sau vụ đánh bom trong khi hắn bị truy nã. Đây là vụ tấn công có ảnh hưởng lớn nhất kể từ sau vụ nước Mỹ bị khủng bố tấn công tại thành phố New York ngày 11-9-2001. Cả hai vụ đều do những kẻ cực đoan Hồi giáo tiến hành.
Dzhokhar bị tuyên là có tội trong tất cả 30 tội danh bị truy tố. Bồi thẩm đoàn kết luận rằng bị cáo đã không cho thấy sự ăn năn, hối hận cho vai trò của mình trong vụ đánh bom được cho là do người anh chủ mưu. Hai anh em hắn còn có biệt danh là những “kẻ đánh bom nồi áp suất (pressure-cooker bomber), do dùng nồi áp suất để chế tạo những quả bom. Trong số 30 tội danh đó có 17 tội danh có mức án tối đa là tử hình. Bồi thẩm đoàn đã kết án tử hình Dzhokhar với 6 tội danh. Chỉ có 3 trong 12 bồi thẩm tin rằng Dzhokhar bị anh mình lôi kéo. Ngày 13-5, trước khi bồi thẩm đoàn nghị án, Phụ tá công tố viên liên bang Steven Mellin đã thúc giục các thành viên bồi thẩm đoàn kết án tử hình Dzhokhar bằng cách vẽ cho các bồi thẩm nhân dân (gồm 7 nữ và 5 nam) hình ảnh bị cáo này là một tên khủng bố muốn trừng phạt nước Mỹ với một cuộc tấn công chết chóc. Dzhokhar là một người gốc dân tộc Chechen (Chechnya, ở khu vực Bắc Caucasus của Nga) đã di dân sang Mỹ sống cả chục năm trước khi tham gia cuộc tấn công đẫm máu đó. Hắn bị công tố viên chỉ trích là đã phản bội lại đất nước cưu mang mình.
Trong 10 tuần xét xử, bồi thẩm đoàn đã nghe hơn 150 nhân chứng và nhìn thấy một số chứng cứ tàn khốc nhất ghi nhận tại hiện trường trên đường Boylston Street.
Căn cứ biểu quyết của bồi thẩm đoàn, Dzhokhar sẽ bị quan tòa tuyên án chính thức vào mùa hè này. Theo các phóng viên dự phiên tòa, bị cáo ngồi trên ghế và không nói gì khi bản án tử hình được bồi thẩm đoàn đưa ra. Đội luật sư của Dzhokhar không có phản ứng gì ngay, nhưng người ta tin rằng họ sẽ nhanh chóng kháng cáo.
Thống đốc bang Massachusetts, Charlie Baker đã ủng hộ bản án tử hình này. Có lẽ để không lôi kéo người Hồi giáo vào cuộc, Công tố viên Liên bang ở Massachusetts, bà Carmen Ortiz nhấn mạnh rằng các hành động của Dzhokhar không phải là một tội ác Hồi giáo mà đúng hơn là một “tội ác chính trị được thiết kế để đe dọa và gây áp lực với nước Mỹ”. Bà quảng bá: “Vụ xét xử này đã cho thấy một tư tưởng quan trọng của Mỹ là ngay dù với tình hướng tệ hại nhất trong các điều tệ hại, chúng ta cũng tiến hành được một vụ xét xử tự do và tuân thủ các thủ tục pháp luật.” Thị trưởng thành phố Boston, Marty Walsh nói mình hy vọng phán quyết này sẽ xoa dịu phần nào những nỗi đau của những nạn nhân sống sót, nhửng gia đình nạn nhân và mọi người khác bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này. Trước nay, có những lời cáo buộc anh em nhà Tsarnaev đã làm tan nát cuộc sống của Boston, phá vỡ sự an bình của một thành phố vốn nổi tiếng học thuật với các trường đại học và cao đẳng nổi tiếng như Harvard, MIT,…
Vụ án được xét xử tại trụ sở tòa án John Joseph Moakley ở Nam Boston. Luật của bang Massachusetts không có án tử hình. Nhưng tuy bị xét xử ở đây, Dzhokhar lại là một bị cáo liên bang và do tòa án liên bang thụ lý.
Sau khi lãnh án, Dzhokhar có thể sẽ được chuyển tới nhà tù án tử hình liên bang tại Terre Haute (bang Indiana) và bắt đầu thời gian chờ đợi hành quyết có thể kéo dài nhiều năm tùy theo ý muốn chống án của tử tội. Như tên tử tội Timothy McVeigh, kẻ đánh bom thành phố Oklahoma, tuy đã từ bỏ kháng án nhưng 4 năm nay vẫn còn đợi ngày thi hành án. Hai tử tội Louis Jones và Juan Raul Garza cũng bị tuyên án tử hình bằng tiêm thuốc độc gần đây bị thi hành án sau 8 năm bị tuyên án.
Các tử tội bị tuyên áp dụng hình thức tiêm thuốc độc có thể kéo dài sự sống nhiều năm. Từ năm 2010, chính quyền liên bang không thể tiếp tục thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc do chưa quyết định được loại thuốc độc có thể sử dụng. Tình hình này cũng tương tự tại nhiều hệ thống tòa án tiểu bang.
Hồi năm 1993, bị cáo James Roane Jr. bị tuyên án tử hình về những tội giết người có liên quan tới một hoạt động buôn lậu lớn. Năm 2005, luật sư của tử tội này và nhiều người khác đã kiện chính quyền liên bang vì đã cho sử dụng hỗn hợp 3 loại thuốc độc gây ra “sự trừng phạt tàn bạo và bất thường”. Luật Mỹ và người Mỹ không cho phép gây đau đớn cho tử tội khi hành quyết. Cho tới năm 2011 vụ kiện này vẫn chưa thể giải quyết và các công tố viên liên bang nói với quan tòa thụ lý vụ án này rằng họ không còn sử dụng một trong 3 loại thuốc độc đó nữa (đó là sodium thiopental). Khi nào chưa quyết định được loại thuốc độc thay thế thì việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc phải đình hoãn. Mà dường như những người có trách nhiệm với vụ tìm thuốc độc thay thế này chẳng ai hào hứng cả.
Với hệ thống và mặt bằng pháp luật ở nước nào khác, có lẽ người ta cho rằng Dzhokhar phải nhận bản án cực kỳ nghiêm khắc để làm gương cho những kẻ cực đoan Hồi giáo khác mà trong những năm gần đây đang nổi lên nhiều hơn. Nhưng ở Mỹ thì cái nào ra cái nấy.
Chắc chắn bản án tử hình mà tòa án ở Boston tuyên phạt Dzhokhar sẽ gây nhiều tranh cãi và thậm chí chia rẽ ở Mỹ. Vốn là những người rất nhạy cảm, người Mỹ căm thù những kẻ gây tội ác, nhưng đồng thời cũng rất dễ khoan dung đối với những đối tượng mà họ nghĩ rằng cần nương tay. Thật ra, trước đây, nhiều người tin rằng Dzhokhar sẽ thoát bản án tử hình, cùng lắm là lãnh án tù chung thân không được ân xá. Hắn còn quá trẻ và là em của kẻ chủ mưu.
Trong một cuộc thăm dò dư luận do báo The Boston Globe thực hiện hồi tháng 4-2015, chỉ có 15% người dân thành phố Boston và 19% người dân bang Massachusetts muốn tử hình Dzhokhar. Kết quả này ngược hẳn với một cuộc thăm dò do hãng tin truyền hình CBS News thực hiện trước đó, cũng trong tháng 4-2015, cho thấy có 60% người Mỹ muốn bị cáo này lãnh án tử hình.
Có một điều cần hiểu rõ là không có ai bình thường ở Mỹ lại cảm thông cho hành động của Dzhokhar. Nhưng cảm thông và tha thứ là hai chuyện khác nhau. Cũng có nhiều người nghĩ rằng thà chết ngay bây giờ còn sướng hơn là phải chịu bản án suốt đời ngồi tù, đặc biệt là đối với những tử tội còn quá trẻ như Dzhokhar, thời gian còn lại quá dài. Không ít người khác lại nghĩ rằng việc tuyên án tử hình Dzhokhar đồng nghĩa với “phong thánh” cho hắn, biến hắn thành một người hùng cho những phần tử bất mãn với nước Mỹ và người Mỹ noi gương, đặc biệt là với những phần tử cực đoan Hồi giáo. Ngoài ra cũng có những người vì yếu tố tôn giáo nên phản đối án tử hình. Neil Maher, 66 tuổi, sống suốt thời thơ ấu tại Boston, hiện ở Frederick (bang Maryland), nói rằng: “Giết một đứa trẻ thì chẳng giải quyết được gì đâu. Tôi nghĩ phán quyết này giống như một sự báo thù thay vì trừng phạt. Tôi cho rằng chỉ nội trong 3 năm tới, người dân Boston và các thành viên bồi thẩm đoàn này sẽ cảm thấy tệ hại về quyết định này.”
Tội ác phải bị trừng phạt. Vấn đề nằm ở chỗ trừng phạt như thế nào cho không hổ danh là đệ tử chân truyền của Bao Thanh Thiên với nguyên tắc bất di bất dịch làm cho cả bị cáo, bị hại và bá tánh đều phải “tâm phục khẩu phục”. Ngó tới ngó lui, nhìn xuôi nhìn ngược, dòm gần dòm xa, Dzhokhar dù sao vẫn chỉ là một công cụ, thậm chí là một nạn nhân của cái chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Khá khen cho nó quá giỏi tài chiêu dụ, rù quến còn hơn yêu nữ động Bàn Tơ khiến một người trai trẻ có ăn học và là giai đẹp như Dzhokhar bị hạ gục và nhiễm nọc độc vào tận các neuron thần kinh. Khi phạm tội, Dzhokhar mới 19 tuổi (sinh ngày 22-7-1993).
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 21-5-2015)
+ Ảnh: Do luật pháp Mỹ cấm chụp ảnh khi tòa xét xử, báo chí phải nhờ các họa sĩ có mặt tại phiên tòa hay xem qua màn hình video vẽ phác họa các nhân vật và diễn biến. Đây là một số bản vẽ phác họa ghi trong quá trình xét xử bị cáo Dzhokhar từ đâu năm 2015 tới nay. Nguồn ảnh: Internet. Thanks.