Thứ Sáu ngày 15 tháng 11 năm 2024

Dậy mà đi các nhà báo ơi….

Superstar under attack of reporters.

Superstar under attack of reporters.

 

Có lẽ rất rất nhiều bạn đồng nghiệp của tôi sau ngày chánh kị lại nhằm ngày Chủ nhật và sau nhiều ngày tiên thường, sáng nay, thứ Hai 22-6-2015, trở dậy khó hơn thường ngày. Nhưng bàn phím đang chờ, máy ảnh đang đợi những người có sứ mạng đưa tin của thời đại. Cuộc sống cứ quay 24/7 theo vòng quay Trái đất nào có phút giây ngừng nghỉ cho người làm báo nghỉ xả hơi.

Nào, cứ coi mỗi ngày giỗ nghề là một cột km trên con đường nghề nghiệp (ở đây tôi không nói là sự nghiệp) của mình, vào ngày hậu giỗ như hôm nay (lại trùng ngay ngày đầu tuần), người làm báo có thấy mình trưởng thành thêm chút nào không và thấy gánh nặng trên vai mình trĩu thêm chút nào không?

Tôi tin rằng đại đa số các bạn đồng nghiệp mà mình quen biết trong ngày nhà báo đã không ngồi bảnh chọe thượng hưởng vinh quang nghề nghiệp, mà nằm vắt chân lên trán ôn cố tri tân, lắng lòng bình tâm lại rà soát coi mình đã sống ra sao và làm được những gì kể từ ngày giỗ nghề lần trước đến nay. Và để rồi, trong đầu họ chen kín những dự tính cho ngày mai sẽ là một nhà báo xứng đáng hơn nữa với cái nghề cao quý mà đầy thách thức của mình.

Hồi thập niên 1980, khi còn làm ở báo Long An, tôi rất mê truyện ngắn Bông Hồng Vàng trong tập truyện cùng tên của nhà văn Nga Konstantin Paustovsky (1892-1968). Đó là câu chuyện của chàng thợ quét rác Jean Chamet của Thành Paris bòn tích từng hạt bụi vàng quét được từ một hiệu kim hoàn cho tới khi đủ để nhờ ông thợ kim hoàn đánh thành một bông hồng vàng mang ý nghĩa hạnh phúc với ý định trao tặng cho cô gái Suzane mà mình yêu tới tận hơi thở cuối cùng. Nhân vật nhà văn trong truyện này ghi chép rằng: “Chúng ta, những nhà văn, chúng ta bòn đãi chúng trong hàng chục năm, hàng triệu những hạt cát đó, lặng lẽ thu góp lại cho mình, biến chúng thành một hợp kim rồi từ hợp kim đó ta đánh “Bông Hồng Vàng” của ta – truyện, tiểu thuyết hay là thơ.” Từ đó, tôi suy diễn: vinh quang của nghề báo chính là sự tích tụ của những hạt bụi vàng mà các nhà báo chân chính gom góp được trong cuộc đời làm báo của mình. Bản thân nghề báo cũng chỉ là một nghề như mọi nghề khác trong cuộc sống xã hội, nó được coi là quan trọng vì xã hội cần nó, nhưng nó chỉ được tôn vinh bởi những gì nó làm được cho cuộc đời ngày càng tốt đẹp hơn lên vì hạnh phúc của con người.

Hôm qua, ngày chánh kị, tôi đọc được trên trang Facebook của một đồng nghiệp trẻ mà mình đánh giá cao, nhất là về cái tầm: “Niềm vui trong cuộc sống và đặc biệt trong công việc là quan trọng nhất, vì không có gì đem theo được đến cuối đời, bon chen danh lợi chỉ là phù du, rồi cũng tàn như lá rụng… phân…hủy. Nhanh nhất và dễ thấy nhất là khi rời cuộc chơi sẽ còn những gì đọng lại, không còn làm công việc đó, không còn ở vị trí đó, những người xung quanh đối đãi với bạn ra sao, bạn còn lại bao nhiêu người là bạn?”

Đó cũng chính là điều mà tôi luôn lòng dặn lòng suốt gần 40 năm làm báo của mình. Người làm báo chân chính sẽ cố gắng tới mức tối đa để không làm hổ thẹn tới nghề, không khiến cho các đồng nghiệp của mình bị mang tiếng lây, làm sao để khi mình không còn có thể theo nghề nữa thì bản thân không hổ thẹn mỗi khi hồi tưởng mà còn được người đời nhắc tới như một “nhà báo chơi được”.

Có một chuyện này thiệt là nhạy cảm và tế nhị. Cách đây khá lâu, khi còn “rảnh rỗi sinh nông nỗi”, sau ngày 21-6, tôi thường chạy xe ngang qua những tòa soạn báo bạn để xem họ “xử lý” những lẵng hoa được người đọc và đối tác tặng ra sao. Có lần tôi xề vào đứng tào lao với một chị công nhân vệ sinh đang chất lên chiếc xe đẩy rác những lẵng hoa, giỏ hoa tàn từ một tòa soan. Chị than: “Mấy ông bà nhà báo sướng bao nhiêu, tụi tui cực bấy nhiêu.”

Thiệt sự cũng chính đáng thôi khi người ta đếm số lượng hoa tặng để đánh giá một tờ báo được lòng người đọc như thế nào. Và thực tế là cũng không tránh khỏi có những tờ báo tự coi nhau là đối thủ cạnh tranh chĩa những “đôi mắt mang hình viên đạn” dòm xem “đối thủ” có được tặng nhiều hoa hơn mình không. Chẳng ai trách các tòa soạn selfie với rừng hoa mà người ta đem tới tặng mình trong ngày nghề nghiệp.

Chỉ có điều đã có ai “kềm hãm cái sự sung sướng ấy lại” (xin lỗi nhân vật Chu Văn Quềnh của nghệ sĩ Hán Văn Tình) mà nhìn thấy ở đó một sự bất cập, thậm chí ngược đời không? Các báo luôn phê phán những hành vi lãng phí và không ngớt lời khen ngợi những đám tang sử dụng loại vòng hoa luân chuyển thay cho hoa tươi. Vậy mà chính mình lại… mềm lòng!

Ngày hôm qua lỡ bị dính mưa về bị cảm lạnh thê thảm, tống mấy viên thuốc dạng “Forte” vào, tôi gục đầu xuống bàn phím rồi mơ thấy rằng: Trước ngày giỗ nghề của mình, tòa soạn thông báo cho bạn đọc là mình không nhận hoa chúc mừng. Tòa soạn cho họa sĩ trình bày thiết kế tấm phông nền đầy ý nghĩa kỷ niệm giăng ngay phòng tiếp khách để ai có lòng tới chúc mừng thì cùng chụp ảnh lưu niệm cho cả đôi bên. Chỉ cần mấy chậu hoa, bình hoa do tòa soạn tự biên tự diễn là quá đẹp. Thay vì khệ nệ khuân vác những lẵng hoa, giỏ hoa, những người muốn thể hiện sự tôn vinh và cảm ơn người làm báo chỉ việc nhẹ nhàng cầm theo chiếc bao thư “của càng nhiều, lòng càng lớn” đem tới đóng góp vào quỹ xã hội của tòa soạn để phục vụ cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Thậm chí trong ngày nhà báo này, ta cũng nên mở một cái quỹ dành để chăm sóc cho các người làm báo về hưu đang gặp khó khăn hay các người làm báo đang gặp tai ương, cơ nhỡ. Như vậy là đẹp vô cùng cho tất cả mọi người.

Tôi giựt mình mở mắt ra khi có tiếng chuông điện thoại: tòa soạn nhắc nhớ gởi bài đúng hạn nghen! Một người làm báo xin chào một ngày bình thường như 364 ngày không phải ngày Nhà báo.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 22-6-2015)

+ Nguồn minh họa: Internet. Thanks.