Chúc mừng July 4, 2015 bạn bè
Chúc mừng các bạn bè bà con cô bác của tôi đang sống ở Mỹ nhân ngày Độc Lập 4-7 năm 2015. Ngày Independence Day này còn được dân Mỹ gọi là The Fourth of July hay July Fourth hoặc đơn giản chỉ là The Fourth. Cách đây 239 năm, vào ngày 4-7-1776, Quốc hội Liên bang đã thông qua bản Tuyên ngôn Độc lập (the Declaration of Independence) tuyên bố rằng 13 thuộc địa Mỹ đã tự mình kết hợp lại thành lập một nước mới, Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ (the United States of America), và không còn thuộc Đế quốc Anh nữa. Đây cũng chính là ngày Quốc khánh (National Day) của Hoa Kỳ.
Từ bên đây bờ Thái Bình Dương cách nửa vòng Trái đất, tôi gào lên “Congratulations” và giơ ly trà đá lên “Cheers” với các bạn của mình, cho dù đang giữ thẻ xanh (thường trú nhân) hay đã sở hữu sổ bìa đen (passport Hoa Kỳ có bìa màu đen). Tôi không phải “thấy người sang bắt quàng làm họ” hay ăn theo chi đâu. Mai kia mốt nọ, khi các nhà khảo cổ học khai quật các di chỉ ở Mỹ, chắc chắn họ sẽ tìm thấy có ADN của tôi ở khoảng 20 tiểu bang của Mỹ mà tôi từng ịn dấu chân qua những chuyến ta bà giang hồ lãng tử.
Ngày Độc Lập năm nay trùng vào dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam (chữ của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam) 1995-2015. Đại sứ quán Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng: “Quả thật, tương lai của mối quan hệ này hứa hẹn sự phồn vinh cho cả hai đất nước và cho một châu Á ổn định và an ninh hơn.”
Tôi hy vọng rằng bước qua tuổi 20, hai đất nước ở hai bên bờ Thái Bình Dương sẽ bù đắp lại những cơ duyên từng bị bỏ lỡ nhiều lần trong lịch sử hai nước. Vấn đề cốt lõi vẫn là phải thật tâm muốn kết bạn với nhau trên cơ sở hiểu thấu lẫn nhau, luôn đối xử với nhau như những người bạn bình đẳng, không tìm cách áp đặt cách mình nghĩ cho bạn bè. Có một câu lời hay ý đẹp của ai đó viết rằng: “Phần lớn sức sống của tình bạn nằm trong việc tôn trọng sự khác biệt, không chỉ đơn giản là thưởng thức sự tương đồng.” Không chơi thì thôi, đã chơi thì phải chơi hết mình, cấm có ngờ vực nhau. Anh em cùng cha cùng mẹ mà còn nhiều lúc không hiểu nhau, huống chi hai dân tộc có nhiều dị biệt về lịch sử và văn hóa. Nếu có tấm lòng, sẵn sàng tìm hiểu và hòa giải với nhau, mọi xung khắc, bất hòa sẽ bị nước Thái Bình Dương cuốn trôi đi.
Không dân tộc nào được quyền quên quá khứ, dù vui hay buồn. Nhưng các dân tộc thông minh và quảng đại luôn biết khép lại quá khứ để cùng nhìn về tương lai. Xem phim Hollywood suốt nửa thế kỷ qua, tôi khoái nhất là chơi theo kiểu Mỹ. Bạn bè có lúc có thể choảng nhau đổ máu đầu, nhưng xong rồi thì thôi, không hề lận lưng những cuốn sổ “thù vặt, hận dai”.
Ông bà mình dạy rằng: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Nhưng đó phải là loại láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau”. Nhà thơ Anh Robert Southey (1774 – 1843) từng viết: “Không sự cách biệt về không gian hay thời gian nào có thể làm yếu đi tình bạn của những người thực tâm bị thuyết phục bởi giá trị của nhau.” Cho dù không phải lúc nào cũng ở bên cạnh ta như nhạc sĩ Vinh Sử “Yêu Người Chung Vách” để có kẻ tếu táo biến tấu luôn muốn “khoét vách chun qua”, một người bạn tốt thật sự cho dù ở xa tới đâu vẫn luôn tạo cho ta cái cảm giác an tâm là bạn ấy như đang ở bên cạnh ta. Có những tên bạn suốt hơn 60 năm luôn miệng hữu hảo với ta trong khi đôi mắt lại hau háu canh me mảnh đất hương hỏa của ta và lòng tà ham muốn cô vợ của ta. Là người hiểu biết, ta không hề ngạc nhiên vì cái gì cũng có nguồn cơn, đôi khi vẫn còn gánh nặng của hàng ngàn năm xưa cũ mà ta thì bỏ qua, họ luôn găm gút. Âu cũng là cái sự đời, chỉ trong cơn hoạn nạn, cơ nhỡ ta mới biết đâu chính là bạn thật sự của mình. Lửa thử vàng, đàn bà đẹp thử đàn ông, và hoạn nạn thử bạn bè. Và tôi được Đời Sư Phụ dạy rằng: Muốn kết bạn lâu bền với nhau, trước tiên ta hãy chứng tỏ mình là một người bạn đáng để tin yêu. Hãy là bạn trước khi kết bạn.
Xin mời xem video của Đại sứ quán Hoa Kỳ về sự kiện kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt – Mỹ:
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 4-7-2015)