Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Sao lại “ném đá” các bạn sinh viên tiếp sức mùa thi?

150701-thitotnghiep-hcm-03_resize

 

Phải nói là bữa nay tôi buồn dữ lắm. Nhưng tôi không lâm cảnh bế tắc như thi sĩ Xuân Diệu phải insert vào bài thơ Chiều cái câu đầy khắc khoải: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Tôi buồn chuyện của các bạn sinh viên tình nguyện (SVTN) vừa tham gia chiến dịch Tiếp sức Mùa thi (TSMT) trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia hồi đầu tháng 7-2015.

Mà đó là là một nỗi buồn nhân đôi (không phải dual-core đâu). Tôi buồn thay cho các bạn trẻ tình nguyện. Tôi buồn cho tôi – một phụ huynh cảm thấy mắc nợ các bạn đã tận tình tiếp sức cho con trai tôi trong kỳ thi quan trọng nhất sau 12 năm học phổ thông này.

Chỉ vì hành động đem thân mình ra làm hàng rào sống để bảo vệ các đàn em thí sinh chống lại cái lối sống hễ lái xe ra đường là coi mình như bá chủ của phần lớn (tôi nhấn mạnh phần lớn) dân mình mà các bạn trẻ tình nguyện mấy hôm nay đang là cái đích cho không ít vụ hành quyết bằng “ném đá” trên Facebook và những trang mạng. Không phải chỉ là phê bình, không ít người đã sỉ nhục công cộng các bạn. Hầu hết là chửi các bạn trẻ “ngu”, “dại”, “não ngắn”, “kém suy nghĩ”,… Có người còn cho mình quyền thay phụ huynh để mắng các bạn là bất hiếu, làm uổng công sức tiền bạc của cha mẹ lo cho con ăn học. Nhưng “đệ nhất ác” phải nói là bạn so sánh những bạn gái sinh viên đang đứng giữa đường làm hàng rào sống với những cô gái đứng đường tối tối, thậm chí còn khoét rộng mũi dao bằng cách tính toán mỗi lần đi khách sẽ được bao nhiêu tiền.

150701-thitotnghiep-hcm-04_resize

Tôi xin nói ngay với các “stone-thrower” đó rằng: các bạn đã ném đá sai đối tượng rồi. Sao không ném vào những người chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động tiếp sức mùa thi?

Tôi cũng xin nói ngay cho các bạn an tâm là tôi cũng không hề ủng hộ việc làm hàng rào sống như vậy. Tôi xót và quan ngại cho các bạn trẻ ấy lắm. Chuyện đội nắng dầm mưa hay ô nhiễm khói xe là chuyện nhỏ như con thỏ đối với những người trẻ sục sôi máu tình nguyện (hơn nữa các bạn hầu hết chỉ làm hàng rào khoảng 20-30 phút lúc thí sinh ra về). Cái tôi lo nhất là sự an toàn tính mạng cho các bạn giữa thời buổi người ta lao ra đường như những kẻ “cướp đường”.

Phải nói điều này, trước đây, tôi từng xem qua hình và đọc trên mạng rồi lẩm bẩm “các bạn trẻ này liều và lì quá chừng”. Nhưng mãi cho tới kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, khi đưa con trai đi thi 2 ngày tại điểm thi trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Diệu trên đường Trần Quốc Toản (Q.3, TP.HCM), tận mặt chứng kiến tới 4 lần các bạn SVTN làm hàng rào sống, tôi mới hiểu vì sao các bạn lại phải làm như vậy.

Vì thế, tôi nghĩ, giá như các bạn “ném đá” SVTN trực tiếp ra hiện trường chứng kiến thực tế bây giờ ra sao, có lẽ sẽ có một số bạn đem những xô đá cất dưới gầm bàn chờ dịp khác. Tôi không nói là tất cả các bạn sẽ thay đổi quan niệm của mình đâu. Bởi tùy cách nhìn, góc nhìn và từ nền tảng của mình, mỗi người có nhận định khác nhau đối với cùng một vấn đề. Với những bạn nói rằng hồi xưa mình cũng từng làm SVTN mà đâu có vậy, tôi chỉ xin lưu ý rằng tình trạng giao thông ở các thành thị bây giờ đã khác (theo hướng tệ đi) so với chỉ 2 năm trước thôi. Cũng có bạn biện minh rằng mình dùng lối nói thậm xưng để khích tướng các bạn SVTN suy nghĩ lại và tự ái mà thay đổi cách làm. Xin thưa, các bạn SVTN thực tế chỉ có thể lựa chọn hoặc làm theo ý trên hoặc rời khỏi cuộc chơi. Mà chuyện phải làm hàng rào sống chỉ là một trong vô số các công việc của một SVTN đi TSMT. Và các bạn ấy buộc lòng phải liều và lì như vậy vì không có sự lựa chọn nào khác trong thực tế lúc đó để bảo vệ đàn em của mình.

150701-thitotnghiep-hcm-05_resize

Từ chính mình mà suy ra, tôi hiểu nỗi bức xúc của một số bạn. Ở đây tôi không nói tới những bạn ăn theo để câu view, câu like hay có cái thói xấu là không muốn ai khác làm được những việc mà mình không làm được. Nhưng tôi lặp lại, các bạn SVTN hoàn toàn không có lỗi gì trong việc này, mà hãy phê phán những người lớn quản lý hoạt động này. Thậm chí nhìn từ góc độ nào đó, các bạn SVTN cũng là những nạn nhân của cái thói làm việc tắc trách, vô trách nhiệm (không dám nói là vô cảm), chuộng hình thức, chạy đua thành tích của những người hữu trách. Càng giận hơn (giận đúng địa chỉ à nghen) khi chuyện này cứ lặp lại suốt nhiều năm nay mà chẳng ai chịu đưa ra giải pháp tốt hơn.

Có những bạn nói rằng các thí sinh 17, 18 tuổi rồi, đâu có như “Hai Lúa lên thành”. Điều đó đúng với các bạn đồng trang lứa ở nước ngoài, hay là ở miền nam trước 1975. Hồi đó, học xong tiểu học là học sinh đã có được những tri thức để đối nhân xử thế cơ bản của con người rồi, như phải kính trên nhường dưới, lễ phép với người lớn, giúp đỡ người già, ra đường phải tuân thủ luật lệ giao thông một cách rất cụ thể, phải biết nhường nhau trên đường, đang đi trên vỉa hè mà gặp xe tang chạy qua thì phải đứng ngả mũ kính cẩn chào tiễn biệt, đi qua nơi đang hát quốc ca chào cờ thì phải đứng nghiêm,… Học xong trung học đệ nhất cấp (tức trung học cơ sở ngày nay), chúng tôi đã lận lưng được vốn sống đủ để vào đời làm người tốt khi không thể tiếp tục học hành. Học xong trung học (lớp 12 ngày nay), học sinh đã sẵn sàng ra đời làm người với vốn tri thức có thể ứng dụng trong cuộc đời, thấu hiểu triết Đông triết Tây để có thể phân tích sự đời chuyển động, được trang bị 1 ngoại ngữ chính (học một cách bài bản suốt 7 năm trung học) và 1 ngoại ngữ phụ (học trong 3 năm trung học đệ nhị cấp). Còn bây giờ, ngay cả sinh viên tốt nghiệp vẫn còn lớ ngớ thì nói chi các em trung học. Các em chính là sản phẩm của một nền giáo dục loay hoay bế tắc mà 40 năm sau thống nhất đất nước vẫn chưa tìm ra được một chuẩn để định hình. Thế giới bao đời nay dành thời học phổ thông để dạy học sinh làm người và để chuyện dạy thành người cho bậc đại học. Còn chúng ta thì ngay từ lớp 1 kéo dài cho tới lớp 12 luôn tìm cách nhồi nhét vào đầu trẻ em những tri thức nếu không lạc hậu thì cũng vô bổ, mà tôi đoan chắc rằng có tới 90% kiến thức đó chẳng thể nào ứng dụng trong cuộc đời các em sau này.

150702-thitotnghiep-hcm-10_resize

Các bạn SVTN làm hàng rào mà người ta vẫn lấn đường chạy xe vào.

Có bạn ví chuyện các bạn SVTN làm hàng rào sống như chuyện lấy thân mình lấp lỗ châu mai hay chèn bánh pháo; nhưng là để chê ngu, chê dại chớ không coi đó là những hành động anh hùng. Những hành động đó hoàn toàn khác nhau cho dù có thể xuất phát từ bản chất tương tự nhau. Hành động anh hùng thật sự chỉ có thể xảy ra trong một chớp nhoáng của những người có tố chất anh hùng. Các bạn nào có cha anh từng đi lính có dự những trận đánh xin cứ hỏi họ vì sao lại có những người lính làm như vậy. Ở đây, tôi không nói tới chuyện dàn dựng, cuồng tín, có toan tính hay bị “đẩy làm anh hùng” như cái anh chàng bị ai đó đẩy xuống sông để cứu một cô gái nhảy cầu tự tử trong chuyện tiếu lâm thường nghe. Xem phim chiến tranh của Hollywood hay của Nhật Bản, Hàn Quốc, bạn ắt không ít lần nhìn thấy những hành động hi sinh như vậy của những người lính trên chiến trường. Liệu người lính nằm đè lên quả lựu đạn để cứu đồng đội hay người dân chung quanh có phải là “ngu dại” không? Hay người lính tình nguyện ở lại cản hậu cho đồng đội rút lui có phải là kẻ “tâm thần”?

Tôi hoàn toàn ủng hộ hoạt động tiếp sức mùa thi của các sinh viên tình nguyện. Tất nhiên, cách làm thì còn nhiều điều phải bàn. Không có sự tiếp sức của các bạn, nhiều thí sinh bị lên bờ xuống ruộng chẳng phải chơi. Mỗi điểm thi không chỉ có các thí sinh tại địa phương mà còn có những bạn từ những tỉnh hay quận huyện khác. Cả phụ huynh lẫn thí sinh lớ ngớ dữ lắm. Ngay cả tôi từ quận 5 đưa con ra quận 3 thi mà cũng nhiều phen lúng túng phải cầu viện các bạn SVTN. Rồi còn chuyện tâm lý của thí sinh nữa. Các em bị áp lực dữ lắm. Khi bước chân vào điểm thi, nhiều em rất căng thẳng. Lúc thi xong ra khỏi cổng, nhiều em thẫn thờ vì không biết kết quả làm bài ra sao. Trong khi đó, cổng trường nào cũng nằm ngay sát đường phố tấp nập xe cộ ào ào phóng qua vụt lại như đan cửi.

150702-thitotnghiep-hcm-11_resize

Trở lại chuyện hàng rào sống nghen. Liệu có cách nào tốt hơn không? Xin hãy ra xem thực tế thế nào rồi hãy có ý kiến giúp các bạn SVTN. Dây thừng, biển báo không có hiệu quả đâu. Tôi đã tận mắt chứng kiến 4 lần các SVTN làm như vậy trên đường Trần Quốc Toản Q.3. Các bạn đã nắm tay làm hàng rào mà vẫn có những người chạy xe tìm cách vượt rào hay chen lấn rồi nạt nộ. Hàng rào sắt cơ động (loại cảnh sát dùng để chống bạo động) làm sao có đủ mà dùng.

Tôi nghĩ như vầy: chỉ cần vài ba anh chị cảnh sát giao thông (CSGT) kết hợp thêm môt số thanh niên xung phong trật tự viên giao thông cùng đội viên dân phòng của phường là đúng người đúng việc và hiệu quả hơn. Tôi buồn khi thấy có những CSGT ngồi yên trên xe moto đậu trên lề thản nhiên nhìn các bạn SVTN loay hoay làm hàng rào sống. Có người nói rằng CSGT cũng là con người cũng có nguy cơ bị tai nạn giao thông chứ. Ai cãi đâu nè. Nhưng đó là nhiệm vụ của họ, các CSGT và trật tự viên giao thông được trả lương để làm công việc giữ gìn trật tự và an toàn giao thông, và chỉ có họ mới có tư cách được pháp luật công nhận để làm việc đó. Chỉ cần một CSGT là có uy lực gấp cả chục SVTN rồi. Còn nếu CSGT mà vẫn không thể giữ trật tự giao thông được thì lại là chuyện khác.

150702-thitotnghiep-hcm-12_resize

Cuối cùng, tôi lại lặp lại, xin đừng trách cứ các bạn SVTN trong cái chuyện họ buộc phải làm hàng rào sống để bảo vệ cho đàn em của mình. Tôi cũng lặp lại, với thực tế giao thông ở nước ta hiện nay, cần phải có những giải pháp bảo vệ an toàn cho các thí sinh.

Tôi hy vọng năm sau ta sẽ thấy những cách làm khác để bảo vệ an toàn cho thí sinh ở các điểm thi mà không cần các bạn SVTN phải liều và lì ra giữa đường làm hàng rào sống. Kệ nó, cá nhân chủ nghĩa chút đi, biết đâu chừng năm sau con trai tôi với cái gien “thổi tù và hàng tổng” và “Hiệp sĩ Don Quixote” của tía hắn lại không có mặt trong các đội SVTN đi TSMT.

Cảm ơn các bạn SVTN tham gia tiếp sức mùa thi năm nay đã nhiệt tình tiếp sức cho con trai tôi và bạn bè hắn trong mấy ngày thi vừa qua. Không có các bạn, tôi đã bị nhồi máu cơ tim vì lo và giờ này khó lòng ngồi gõ những dòng “tâm sự cuối mùa thi” này.

 

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 5-7-2015)