Gặp lại sư huynh đồng môn sau hơn 40 năm xa cách
HOA KỲ DU KÝ:
Sáng 5-9-2015, dự định là 8g khởi hành, nhưng xàng qua xê lại mãi tới 9g, anh Nguyễn Văn Nghĩa, sư huynh đồng môn Trung học Kiến Tường, và tôi mới rời khỏi nhà anh tại thành phố Naples (bang Florida, Hoa Kỳ).
Xe từ khu cộng đồng Royal Palm Golf Estates ở vùng Southwest Florida ra đường Tamiami Trail East (xa lộ liên bang US 41) ngược lên hướng đông rồi vào xa lộ liên bang US 75 North sau đó sang xa lộ liên bang US I-4 để tới thành phố Orlando ở miền trung bang này. Mất hơn 4 giờ, xe mới tới nơi, đường dài khoảng 240 mile (386km).
Sau khi ghé nhà ông anh kết nghĩa, anh Nghĩa và tôi chạy xe trong mưa tầm tã tới nhà anh Nguyễn Thanh Dương ở cách đó chừng 8 mile (12,8km). Dễ tới 44 năm, chúng tôi và anh Đương xa cách nhau. Bây giờ, sum họp cùng nhau sau hơn 4 thập niên, ai cũng khác xưa trong ký ức và tóc đều muối tiêu như nhau.
Nói chung đều là duyên kỳ ngộ. Anh Đương sống 36 năm tại bang Maryland sát bên Washington DC và làm trong ngành bưu chính Mỹ gần 30 năm. Những lần trước đến Washington DC, tôi lại không thể gặp anh do anh bận việc suốt, tréo giờ nhau. Nhớ lần qua Mỹ năm 2011, khi tôi tới thăm và ở nhà thầy cô Đỗ Ngọc Trang – Nguyễn Thị Bích Thủy (Sacramento, bang California) ở Bờ Tây, anh Đương ở tận Bờ Đông đã khai thác ưu thế làm trong ngành bưu điện để đăng ký cho tôi số phone và dịch vụ Internet để xài trong thời gian ở Mỹ. Cứ hết tiền cước, anh lại nạp thêm cho tôi xài. Hơn 1 năm nay, sau khi nghỉ hưu, anh chuyển về Orlando sinh sống bên cạnh những người thân của vợ mình.
Còn anh Nghĩa sống ở Boston (bang Massachusetts) và có lần tôi đã tới đó thăm anh. Gần đây, anh cũng từ Boston sang Florida làm ăn (chị Nghĩa vẫn ở Boston).
Còn tôi từ Việt Nam sang Mỹ có công chuyện.
Vậy là bỗng dưng cả hai “con cá lóc bự” lại chui vào chung một cái lưới, làm sao tôi không chớp cơ hội quăng một mẻ tóm cả hai ông anh. Sau khi dự họp mặt Đồng hương Kiến Tường và Gia đình Trung học Kiến Tường tại Wichita (bang Kansas), tôi đã bay ót một cái qua thành phố Naples (Florida) thăm anh Nghĩa, rồi sau đó hai anh em đi Orlando thăm anh Đương.
Hôm đó chị Đương đi làm, chỉ có anh Đương và hai cô con gái 13 tuổi và 10 tuổi ở nhà. Ba anh em gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi. Chuyện đời nay và chuyện đời xưa rôm rả giữa một buổi chiều mưa xứ… Mỹ. Hơn 40 năm chớ bộ giỡn chơi sao. Anh Đương tâm sự: anh sang Mỹ một mình và ở Orlando, anh chưa có bạn bè gì, ngày qua ngày lủi thủi một mình. Bởi vậy, có hai đàn em từ thời niên thiếu cùng tới thăm một lượt, anh rất hạnh phúc.
Anh Đương vào bếp làm món thịt bò beefsteak đãi hai đàn em. Sau đó, ba anh em “chứng” cho cái hộp bánh trung thu sớm (mỗi người ăn góc tư cái bánh là ngán). Đúng như nhiều người nói, bánh trung thu ở Mỹ làm có phần vỏ bánh không ngon bằng bánh ở Việt Nam. Chúng tôi ăn bánh Trung thu với nước trà dâu túi lọc mà anh Đương mua từ Canada về khi anh và con gái qua đó chơi trước đây ít tháng.
Ra thăm khu vườn nhỏ sau nhà anh Đương, nằm cạnh một chiếc ao khá lớn, anh Nghĩa và tôi có dịp thưởng thức trái mãng cầu dai (na) duy nhất vừa chín cây của anh Đương.
Tôi ngán ngẩm trước hình ảnh hai sư huynh ngồi so kè coi ai mỗi ngày uống nhiều thuốc hơn ai. Trong nhà bếp, anh Đương để sẵn chiếc máy đo huyết áp để khi khó chịu là có ngay “vũ khí”.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Orlando 5-9-2015)