Ăn phở Việt cùng thầy cô TTColo ở kế bên Washington DC
HOA KỲ DU KÝ:
Quả là duyên hạnh ngộ. Ngày 21 tới 25-8-2015, tôi có dịp tới thăm và ở lại nhà thầy Nguyễn Hữu Thành – cô Huỳnh Kim Thọ ở Denver (Colorado) lần thứ ba. Ngày 28-8, trên đường bay từ San Francisco (California) tới Wichita (Kansas) dự họp mặt Gia đình Trung học Kiến Tường (THKT), tôi lại transfer 1 stop tại sân bay Denver DEN. Do hãng máy bay United cố tình bỏ tôi lại Denver nên mém chút tôi lại có dịp trở về nhà thầy cô TTColo lần nữa (cuối cùng, dù khuya, hãng cũng kiếm vé cho tôi bay tiếp đi Wichita).
Sau Wichita, tôi kéo hành lý ngao du giang hồ lãng tử, để rồi cuối cùng gặp lại thầy cô TTColo ngay ở bờ Đông. Thầy cô có plan từ trước từ Denver bay sang Baltimore (Maryland) để thăm thủ đô Washington DC và bang Pennsylvania. Xế chiều 12-9, thầy cô tới Baltimore. Ngày hôm sau, tôi đã cùng thầy cô TTColo ngao du một vòng khu vực phụ cận Baltimore với tay lái lụa của bạn Hạ Anh – thổ công kiêm thổ địa ở đây.
Đây cũng là lần đầu hội ngộ giữa bạn Hạ Anh và thầy cô TTColo sau nhiều “kế hoạch gặp nhau” nơi này, nơi khác. Thì cứ có duyên với nhau cuối cùng cũng có dịp tay bắt mặt mừng với nhau thôi. Nhờ vậy mà tôi có dịp ăn ké tiệc mừng hạnh ngộ giữa 3 thầy trò.
Bạn thổ công Hạ Anh lái xe chở mọi người đi một vòng cỡi xe xem cảnh tại thành phố cố Elicott City. Thành phố nằm trong thung lũng Patapsco Valley này thuộc Hạt Howard County (bang Maryland), thuộc khu đô thị Baltimore–Washington Metropolitan Area. Diện tích 77,9km vuông và hiện có hơn 66.000 dân. Ellicott City được thành lập vào năm 1772 khi 4 anh em tín đồ phái Quaker năm 1971 tới đây mua đất xây dựng nhà máy chế biến bột mì mà sau đó đặt tên là Ellicott’s Mills – đó cũng là tên của thị trấn mà vào thời điểm đó là một trong những thị trấn sản xuất và nhà máy lớn nhất miền Đông Hoa Kỳ. Từ năm 1975, Ellicott được công nhận là di tích lịch sử của Mỹ, hiện được gọi bằng những cái tên như “Historic Ellicott City” hay “Old Ellicott City. Ở đây bây giờ nhà cửa vẫn giữ dáng vẻ và trang hoàng như nhiều trăm năm trước. Những ngôi nhà cổ nho nhỏ xây bằng đá nằm dọc hai bên con phố Main St. giờ chủ yếu bán hàng lưu niệm, quá ăn uống và một số dịch vụ phục vụ cho du khách từ mọi nơi đến. Ở phía đầu thành phố có nhà máy kiêm tổng hành dinh của hãng xay và chế biến bột mì và bắp Wilkins-Rogers. Hãng Wilkins Rogers Mills thành lập từ năm 1913 tại Washington DC và cuối thập niên 1960 đã dời trụ sở về Ellicott City, hiện vẫn tiếp tục sản xuất.
Do thầy cô TTColo có vẻ mệt và đói sau một ngày ngao du Washington DC, xe chỉ chạy qua lại thành phố Ellicott City rồi lo đi giải quyết cái “vấn nạn bao tử”.
Điểm đến là tiệm Phở Saigon (số 1116 N Rolling Rd, Catonsville, MD 21228). Buổi chiều Chủ nhật đông khách, thầy trò phải gia nhập hàng ngũ kẻ đứng người ngồi xếp hàng chờ bàn trống. Không chỉ có người Việt tới ăn đâu. Khách da trắng, da đen, da vàng, da xin xỉn ngồi hì hụp húp phở. Không phải người Việt mà giớ họ cầm đũa rất điệu nghệ. Ở đây nấu nước phở khá đậm đà. Chỉ có điều, cái tô phở dù là size small cũng quá bự so với cái bao tử của người từ Việt Nam sang. Còn cỡ large thì giống như cái… chậu nhỏ hơn là cái tô lớn. Quán này chỉ có 2 size như vậy thôi. Bún hay hủ tíu thì chỉ có 1 size. Cô Kim Thọ và bạn Hạ Anh gọi món hủ tíu Nam Vang. Thầy Hữu Thành ăn phở tái nạm gầu. Tôi thì trung thành với món phở tái chín. Tôi quen miệng gọi món phở nước trong. Anh bạn phục vụ tiệm, có lẽ là quản lý, “sửa lưng”: tiệm không bao giờ dùng nước phở để qua đêm. Thầy trò phải giải thích: nước trong đây là không phải nước béo. Thì ra nước phở để qua đêm sẽ bị đục. Bữa ở California, Colorado hay Kansas, tôi gọi phở nước trong là mấy bạn phục vụ hiểu ngay mà. Thầy cô TTColo ỷ mình là “thượng cấp” nên ép hai học trò ngồi bên trong để thầy cô giánh quyền… chủ chi. Cô Kim Thọ cho biết hôm qua thầy đã vào Internet tìm được một quán hải sản tính để mời học trò ăn, nhưng Chủ nhật, quán đóng cửa từ 5 giờ chiều.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(East Coast 13-9-2015)