Chuyện Chính phủ chơi Facebook
Điều làm tôi khoái nhứt trước tin từ tháng 10-2015, Cổng thông tin điện tử Chính phủ bắt đầu thử nghiệm đưa thông tin lên các mạng truyền thông xã hội như Facebook, YouTube,… chính là sức mạnh của truyền thông xã hội đã được thừa nhận. Và từ đó xin suy diễn chút đỉnh, Facebook sẽ không còn bị chặn, bị cấm nữa.
Trước nay tôi vẫn một lòng một dạ với tuyên bố: chuyện nhà nước tìm mọi cách để cấm đoán hay ngăn chặn những nguồn thông tin trên Internet là thất sách, là chuyện Don Quixote uýnh với cối xay gió. Vô ích thôi. Có chăng chỉ cho ai đó có cớ kiếm tiền. Bởi thực tế, những nỗ lực ngăn chặn bằng kỹ thuật chỉ gây thiệt thòi cho những người dùng bình thường, khiến họ không thể thụ hưởng được những mặt tích cực của công nghệ mới. Còn với những đối tượng mà các nhà cầm quyền nhắm vào, họ có đủ cách để “vượt lên chính mình”.
Thượng sách là chấp nhận thực tế và chủ động tham gia cuộc chơi. Ừ, tại sao nhà chức trách không khai thác sức mạnh của các mạng thông tin đó để phục vụ cho mình. Phê phán người ta chỉ đưa tin thất thiệt, cớ sao mình không cung cấp tin chính thức? Còn luật pháp, quy định đều có đủ cả rồi. Ai vi phạm pháp luật thì cứ chiếu theo pháp luật mà xử. Quốc có quốc pháp, nhà có gia quy. Đâu thể bắt đại đa số phải chịu thiệt thòi vì một thiểu số nào đó. Mà trời sinh ra người ta có cái đầu để suy nghĩ, con tim để cảm nhận, đôi mắt để nhìn, đôi tai để nghe, cái miệng để nói, hễ còn thở là còn như vậy. Cấm mà chi và cấm sao được mà cấm. Thuyết phục được người ta đồng thuận mới là kế trường tồn, bắt ép người ta chấp nhận chỉ là ăn xổi ở thì, ẩn chứa quá nhiều nguy cơ.
Thôi, xin mời các bạn đọc bài in trên báo Người Lao động Chủ nhật 25-10-2015.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 25-10-2015)