Thứ Năm ngày 26 tháng 12 năm 2024

Chuyến đi Singapore giông bão

Polaroid CUBE

Chuyến bay TR 2325 của hãng hàng không low-cost TigerAir từ Saigon đi Singapore rời sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN) lúc 15g chiều 10-12-2015, chậm 20 phút so với lịch bay.

151210-singapore-nvidia-ssn5-018_resize

Các hành khách không mua hành lý chỉ được đem theo một hành lý xách tay (carry-on) và một túi laptop hay túi xách tay, hai thứ nặng tổng cộng 10kg. Hành lý ký gửi hay xách tay lố 1kg thì có thể du di cho qua. Còn lố từ 2 kg trở lên thì phải nộp phạt mỗi kg 25 đôla Singapore (SGD). Tỷ giá hiện nay 1 SGD ăn 17.000 đồng.

Máy bay Airbus A320 được tận dụng không gian nên bố trí mỗi hàng tới 6 ghế ngồi chia làm hai với lối đi thật hẹp ở giữa (bình thường là 5 ghế, bên 3, bên 2).

Trên máy bay không có phục vụ nước uống chi hết. Nhưng ai cần ăn uống thì có thể đặt mua. Giá một lon Coca hay một chai nước đóng chai 4 SGD.

Khi tới gần Singapore thì trời đổ mưa gió. Nhìn đồng hồ thấy lố giờ (bình thường từ Saigon tới Singapore mất 1g45ph) mà chưa thấy máy bay hạ độ cao, tôi ngạc nhiên. Một anh bạn hành khách người Việt qua Singapore làm xây dựng thường đi lại nhìn qua cửa sổ rồi nói sao máy bay cứ bay xá quần lòng vòng không đáp xuống. Thì ra vì mưa bão nên máy bay không đáp được. Có những lúc máy bay nghiêng lắc. Với thời tiết xấu như vầy, không chỉ có trời mù mịt không thấy rõ đường băng, mà nếu hạ độ cao, giảm tốc độ – đồng nghĩa giảm sức nâng, máy bay sẽ nhồi lắc nguy hiểm. Cuối cùng sau hơn 30 phút bay lòng vòng, phi công cho máy bay hạ độ cao gắt, chúi máy bay xuống nhanh, và đáp xuống sân bay quốc tế Changi (SIN) lúc 18g10ph (giờ Singapore chạy trước giờ Việt Nam 1 giờ). Đường băng lênh láng nước. Chung quanh đường băng có những chiếc xe cứu hỏa, xe cứu thương chớp đèn túc trực.

Hãng TigerAir hoạt động ở Terminal 2, còn khách sạn Crowne Plaza Changi Airport – nơi chúng tôi ở và họp, nằm ngay bên trong sân bay ở Terminal 3. Do không có hành lý ký gửi, 4 anh em bèn leo lên xe điện Skytrain đưa khách qua lại giữa 3 terminal để qua Terminal 3 làm thủ nhập cảnh luôn cho tiện. Chia ra 2 tên một hàng. Bạn Nguyễn Tôn Bảo làm trước và sau khi phải trả lời một loạt câu hỏi gì đó đã được đóng dấu cho qua. Tới bạn Tân thì cô nàng nhân viên xuất nhập cảnh lật tới lật lui giấy tờ, sau đó đột ngột nhờ nhân viên trực gọi bạn Bảo đang đứng chờ trở lại. Cô nhân viên thu lại giấy tờ của bạn Bảo và đóng dấu hủy chồng lên các dấu nhập cảnh, kể cả trên hộ chiếu. Thậm chí trên tờ khai nhập cảnh, cô nàng còn ghi thêm là “No luggage” (không có hành lý). Sau đó thì bạn Bảo và bạn Tân bị từ chối cho nhập cảnh ở đây.

Còn bên hàng của tôi, do bạn Võ Hồng Quân mới đi Singapore lần đầu nên tôi nói bạn làm thủ tục trước, có gì còn có đồng bọn bên ngoài cùng chung xoay xở. Chỉ trong 3 nốt nhạc, bạn Quân cũng phải quay lại. Tôi hỏi sao vậy, bạn nói chẳng rõ, họ kêu trở lại Terminal 2. Tôi tới cô nhân viên xuất nhập cảnh làm thủ tục coi sao, cô nàng coi thẻ lên máy bay (boarding pass) và phiếu khai báo hải quan rồi kêu tôi trở lại Terminal 2 mà làm thủ tục. Tôi hỏi vì sao? Cô nàng giải thích hãng hàng không đó hoạt động ở Terminal 2 nên chỉ có thể làm tthủ tục ở đó.

Bảo cho biết lúc nãy cũng bị hỏi, nhưng nghe Bảo nói đi một mình nên cô nhân viên nói là linh động cho qua. Dè đâu sau đó tới Tân vào làm thủ tục thấy đi chung chuyến bay và ở chung khách sạn nên mới hủy dấu nhập cảnh của Bảo luôn. Ai biếu khai gian hén! Đi 2 mình mà dám nói mình ên!

Vậy là 4 anh em lại đi tới trạm Skytrain đáp tàu trở lại Terminal 2. Sau khi làm thủ tu5c nhập cảnh xong, anh em ra ngoài cửa terminal này đi một đoạn đường khá xa nữa (cũng bên trong sân bay và trong nhà có mái che) để sang Terminal 3.

Tôi thì có thêm nỗi niềm “đồng bào” khi không biết hai cô sinh viên năm thứ 3 khoa Thiết kế Nội thất của Đại học Văn Lang ngồi bên cạnh trên máy bay có qua lọt cái cửa xuất nhập cảnh quá khó chịu của Singapore để vào nước này du lịch không. Họ đi Singapore lần đầu mới kẹt chứ. Phụ nữ Việt Nam lâu nay qua cửa xuất nhập cảnh Singapore giống như qua cửa ải nghiệt ngã dữ nhiều lành ít. Nhiều người bị từ chối nhập cảnh rồi bị dẫn vào đồn cảnh sát sân bay để thẩm vấn. Sau khi chứng minh được mình qua Singapore du lịch hay công việc thật sự, du khách Việt mới được cho làm thủ tục nhập cảnh. Nhưng số đông là bị giữ lại 1 hay 2 ngày rồi đưa ra máy bay trả về Việt Nam. Các hãng hàng không rất sợ vụ này, vì theo quy định, họ phải trả tiền lưu trú cho hành khách mà mình chở qua nhưng bị từ chối nhập cảnh. Với khách mua vé round-trip (đi và về) thì còn đỡ. Còn với khách chỉ mua vé 1 chiều, hãng hàng không phải chịu chi phí chở về. (Hèn gì lúc nãy ở quầy check-in tại Tân Sơn Nhất, cô nhân viên TigerAir yêu cầu tôi cho xem vé chuyến bay trở về. Lúc đó, cô làm tôi lúng túng và ngượng vì chuyến về, tôi lại đi máy bay của một hãng đối thủ của hãng cô. Tôi phân bua người ta mua vé cho tôi, tôi vô can à nghen.)

Mấy năm trước, Singapore chỉ làm gắt với những cô gái Việt trẻ mà họ tình nghi qua đây hành nghề “nhạy cảm”. Sau này, chẳng biết là do tình hình các “con sâu” này tệ hại quá không hay có xx gì gì khác mà Singapore tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt hơn, mạnh tay từ chối nhập cảnh, giống như là theo chính sách “thà bắt lầm còn hơn tha lầm”.

Năm ba năm trở lại đây, mỗi lần đứng ở khu vực làm thủ tục nhập cảnh Singapore, tôi buồn và tủi khi phải chứng kiến những người đồng bào của mình gặp rắc rối tại cửa ngõ nhập cảnh vào nước láng giềng này. Những cô gái, những người phụ nữ Việt đó bị nhân viên nhập cảnh ngồi tại quầy từ chối cho nhập cảnh rồi bị nhân viên an ninh dẫn giải đi. Tất cả diễn ra trước mắt biết bao khách trên toàn thế giới. Hình ảnh đó cứ lặp đi lặp lại từ ngày này qua ngày khác. Liệu đã có đủ cơ sở dữ liệu để “nâng tầm quan ngại” lên là “nhục quốc thể” chăng?

Nhà chức trách Singapore có thể làm bất cứ điều gì theo luật pháp của họ để phục vụ và bảo vệ đất nước và người dân của mình. Có trách chăng là ở cách họ làm dễ làm tổn thương tình cảm và lòng tự tôn của người dân nước bạn bè. Tất nhiên với người Việt muôn đời cứ đúng với câu tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Nhưng để tốt cho tất cả, nhà chức trách Singapore có thể phối hợp chặt chẽ hơn với phía Việt Nam. Chẳng hạn đưa ra rõ ràng những quy định và điều kiện nào đó để được nhập cảnh (cho dù điều này rất phức tạp, nếu làm không khéo có thể dễ khiến Singapore bị cộng đồng quốc tế phê phán vì phân biệt đối xử hay đóng cửa biên giới). Tất cả những người đáp ứng các điều kiện thì đều được nhập cảnh. Còn chuyện sau đó họ có làm điều trái pháp luật thì cứ chiếu theo luật sở tại mà xử lý. Với cách làm như hiện nay, không thể nói khác hơn là Singapore quá nặng tay.

Thực tế là Singapore áp dụng biện pháp thắt chặt ở cửa nhập cảnh như vậy không phải chỉ với Việt Nam. Còn có Thái Lan, Malaysia, một số nước Nam Á,… Nghĩa là với công dân những nước có nhiều người sang Singapore làm các nghề nhạy cảm và lao động chui. Nhưng số lượng người dính lưới có lẽ Việt Nam là thiên hạ vô đối.

Hôm 10-12-2015, tại quầy nhập cảnh ở Terminal 2, tôi đã chứng kiến 2 phụ nữ bị từ chối nhập cảnh như vậy. Đáng nói là có 1 phụ nữ khoảng 40 tuổi, khi bị dẫn giải đi có một người đàn ông đứng kế tiếp la lên đó là vợ mình và đưa ra một số giấy tờ chi đó. Cuối cùng cả hai người cùng bị đưa vào đồn cảnh sát sân bay.

151211-singapore-nvidia-001_resize

Nhóm media Việt Nam và ban tổ chức NVIDA Regional Media Briefing.

Dường như vận đen vẫn đeo đuổi 4 anh em chúng tôi chuyến này. Hôm về, đang ở trên Skytrain đi từ Terminal 3 sang Terminal 1 (nơi hoạt động của hãng máy bay low-cost JetStar mà chúng tôi sẽ bay về Saigon), bạn Phan Tân kiểm tra balô rồi hốt hoảng báo mất ví. May mắn là passport để riêng nên còn trong balô. Tìm kỹ vẫn không thấy, mọi người hiểu là đã rơi hay quên ở khách sạn. Vậy là tất cả quyết định trở lại khách sạn, tàu tới Terminal 1, không thèm xuống, và được chở về lại Terminal 3. Nhân viên khách sạn báo rằng không thấy chiếc ví trong phòng. Anh em tới phòng họp để tìm. Vẫn không thấy. Sau đó nghĩ là phải trở lên phòng tìm coi sao, anh em mới nhờ người của ban tổ chức can thiệp để được lên phòng cũ tìm. Bạn Tân vừa lên tới phòng cũng là lúc nhân viên khách sạn tới để dọn dẹp. Bạn gặp may là chiếc ví còn nằm trong phòng.

Có lẽ 3 bạn trẻ kia trách tôi là niên trưởng sao không chịu làm nghi thức “xả xui” để “đốt phong long”. Tôi tự kiểm, thành khẩn nhận lỗi thiếu tinh thần trách nhiệm, và xin được rút kinh nghiệm sâu sắc.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 12-12-2015)

151210-singapore-nvidia-ssn5-020_resize

Tại quầy check-in của hãng TigerAir ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Polaroid CUBE

Trên chuyến bay TR 2325 của TigerAir từ TP.HCM tới Singapore.

Polaroid CUBE

Trên chuyến bay TR 2325 của TigerAir từ TP.HCM tới Singapore.

151210-singapore-nvidia-ssn5-025_resize

Viết tờ khai hải quan tại Terminal 3 của sân bay Changi.

151210-singapore-nvidia-ssn5-027_resize

Cuối cùng cũng được nhập cảnh vào tới Terminal 3.

151210-singapore-nvidia-ssn5-028_resize

Khách sạn Crowne Plaza Changi Airport – nơi chúng tôi ở và họp, nằm ngay bên trong sân bay ở Terminal 3.

151210-singapore-nvidia-ssn5-001_resize

Welcome Dinner của NVIDIA.

151210-singapore-nvidia-ssn5-006_resize

Hai anh em mua vé đi metro (tàu điện ngầm) tại ga Changi Airport.

151210-singapore-nvidia-ssn5-007_resize

Trên tàu điện ngầm.

151210-singapore-nvidia-ssn5-010_resize

151210-singapore-nvidia-ssn5-011_resize

151210-singapore-nvidia-ssn5-012_resize

Chỉ có trung tâm mua sắm bình dân Mustafa Center là hoạt động 24 giờ mỗi ngày.

151210-singapore-nvidia-ssn5-013_resize

151210-singapore-nvidia-ssn5-014_resize

151210-singapore-nvidia-ssn5-015_resize