Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Ngồi quởn nghĩ về thẻ căn cước công dân

 

Theo Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ 1-1-2016, kể từ đầu năm 2016, tất cả công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước công dân với số thẻ chính là số định danh cá nhân (mã số công dân) gồm 12 số. Đây là số độc nhất của từng người trong suốt cuộc đời của người đó và được lưu vào cơ sở dữ liệu quốc gia.

the-cancuoc-congdan-mau-02

Mẫu thẻ căn cước công dân do Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến. Nhưng mục Dân tộc bây giờ đã đổi thành mục Quốc tịch.

Trên mặt trước của thẻ có các thông tin căn bản về nhân thân của người được cấp. Trong đó có 2 chi tiết mà tôi nghĩ có thể cân nhắc lại.

  1. Trong mẫu thẻ cuối cùng được duyệt sử dụng, mục “Dân tộc” trong mẫu do Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến được thay bằng mục “Quốc tịch” cho đúng với Luật Căn cước công dân 2014. Việc không thể hiện thông tin “dân tộc” trên thẻ căn cước cũng có thể coi là một tiến bộ, giúp tránh bị ngộ nhận là tạo sự phân biệt giữa các dân tộc và tôn trọng quyền tự do riêng tự của từng người. Tất nhiên cũng có những người nghĩ rằng mục Dân tộc sẽ giúp ích cho những nỗ lực bảo tồn dân tộc. Nhưng mục “Quốc tịch” ở đây là bị thừa. Thẻ căn cước công dân của một nước là do nhà nước đó cấp cho công dân nước mình chứ đâu thể cấp cho công dân nước nào khác. Vì thế, tất nhiên tất cả mọi người được cấp thẻ đều có quốc tịch Việt Nam rồi.

Điều 19, Chương 3, Mục 1 của Luật Căn cước công dân (năm 2014) quy định: “Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân.” Điều 20, Chương 3, Mục 1 quy định: “Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.”

Điều 17, Chương 2 của Hiến pháp Việt Nam 2013 ghi rõ: “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam.”

Vậy thì thẻ căn cước công dân chỉ được cấp cho công dân Việt Nam, mà công dân Việt Nam phải là người có quốc tịch Việt Nam.

Thú thật, tôi không có đủ kiến thức pháp luật để có thể giải thích có trường hợp nào công dân một nước lại không có quốc tịch của nước đó hay có quốc tịch của nước khác (không tính trường hợp 2 quốc tịch được thừa nhận).

Ở đây cần phân biệt giữa thẻ căn cước công dân (citizen identity card) cấp cho công dân một nước với thẻ căn cước (identity card hay identification card) cấp làm giấy tùy thân cho người sống ở nước nào đó, cũng như với thẻ căn cước của một khối nước như của Liên minh châu Âu (EU) hay sau này có thể là của ASEAN. Chi tiết Quốc tịch chỉ cần thiết ở 2 loại thẻ căn cước sau.

Tham khảo trên Internet, tôi thấy việc đưa thêm mục Quốc tịch vào thẻ căn cước chỉ phổ biến ở các nước Đông Âu và thuộc Liên Xô cũ. Nhưng họ gọi đó là thẻ căn cước (identity card) do nước họ cấp (có khi ghi đầy đủ là thẻ căn cước quốc gia – national identity card). Ngay như nước Đức cũng có mục Quốc tịch trên thẻ căn cước, nhưng họ ghi rõ là thẻ căn cước của Cộng hòa Liên bang Đức. Các loại thẻ này chỉ là chứng minh thư cá nhân, hay gọi gọn là giấy tùy thân.

  1. Mục “Quê quán” (trước đây còn được gọi là “Nguyên quán”) luôn gây nhiều rối rắm. Hình như chưa có văn bản pháp lý nào định nghĩa quê quán là gì. Theo nhiều nguồn giải thích, “quê quán” của tôi là nơi cha tôi sinh trưởng (sinh ra và lớn lên). Trong trường hợp, cha tôi sinh ở tỉnh X nhưng lại trưởng thành ở tỉnh Y thì quê quán của tôi phải là quê quán của cha tôi (có thể là một tỉnh Z nào đó). Cụ thể, cha tôi sinh trưởng ở Nam Định. Vì thế, tôi có quê quán là Nam Định trong khi tôi sinh ra tại Bình Định và cho tới nay chưa từng một lần tới Nam Định. Tuy cũng là Định, nhưng giữa Nam và Bình lại cách nhau một trời thương nhớ. Thế nhưng, do tôi chỉ “rơi khỏi bụng mẹ” ở Bình Định còn lớn lên ở miền Tây Nam bộ, nên con tôi không thể có quê quán là Bình Định mà phải xài luôn cái quê quán Nam Định của ông già tía nó. Tới thế hệ này thì khoảng cách xa càng xa – xa cả một đời.

Trước nay đã có nhiều ý kiến đề nghị bỏ cái vụ nguyên quán, quê quán đó đi. Bởi lẽ, trên giấy tờ cá nhân của một người, chi tiết này chẳng có giá trị thực tế. Thiệt tình là bây giờ có ai về quê quán của tôi mà hỏi tôi hay con tôi là ai, ai biết được chết liền. Mà giấy tờ cá nhân đâu có phải là gia phả.

Tôi nghĩ là mục “Quê quán” nên thay bằng “Nơi sinh” như thẻ căn cước của nhiều nước khác trên thế giới. Điều này đã được thể hiện trên hộ chiếu của Việt Nam từ lâu rồi.

Theo ý riêng của tôi, trên thẻ căn cước công dân thừa mục “Quốc tịch”, nhưng lại thiếu mục “Nơi sinh”. Còn mục “Quê quán” thì tùy lòng hảo tâm của nhà chức trách.

Tất nhiên đây chỉ là ý kiến riêng theo suy nghĩ và mức độ hiểu biết của tôi. Biết đâu sau này có thể là một tham khảo.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 21-12-2015)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

Thẻ căn cước công dân được cấp cho công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên. Nó sẽ được đổi lại khi người ta đủ 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.

Theo Thông tư 170 của Bộ Tài chính, cơ quan cấp thẻ căn cước công dân không thu phí đối với các trường hợp làm thẻ lần đầu, đổi thẻ khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi, cũng như những trường hợp đổi lại thẻ do lỗi kỹ thuật hay sai sót của cơ quan cấp thẻ. Còn trong các trường hợp khác, mức phí là 50.000 đồng cho việc đổi thẻ và 70.000 đồng cho việc cấp lại thẻ.

Như vậy từ ngày 1-1-2016, ở Việt Nam sẽ tồn tại song song 3 loại giấy chứng minh thư công dân có giá trị như nhau là giấy chứng minh nhân dân 9 số (cấp thủ công, bằng giấy), giấy chứng minh nhân dân 12 số (theo công nghệ mới, thẻ nhựa), và thẻ căn cước công dân. Hai loại CMND cấp trước ngày 1-1-2016 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Khi có yêu cầu, công dân có thể được đổi từ giấy CMND sang thẻ căn cước công dân.