Thứ Năm ngày 26 tháng 12 năm 2024

Sống sót giữa nhan nhản các Sơ-lốc Hôm

smallest-camera-8-16-32GB

 

Trong kho tàng chuyện đàn ông tự kỷ với nhau có chuyện kể một anh chàng đang ngồi trong quán uống bia “có gác tay” với nhóm bạn thì cô vợ gọi điện kiểm tra. Anh ta nói với vợ là mình đi dự sinh nhật bạn bè. Cô vợ bèn kêu chồng chụp một tấm ảnh selfie gửi ngay về. Anh chồng trớ là nơi này mạng Wi-Fi yếu mà sóng 3G lại chập chờn. Cô vợ chẳng phải dạng vừa đã yêu cầu cứ chụp đi, lát về nhà cho cô coi sau. Vậy là bia trở nên đắng nghét!

Chức năng GPS cũng giống như con dao hai lưỡi lạy ông con ở bụi này. Cũng có người chụp ảnh selfie hay viết status rồi post lên Facebook mà mất cảnh giác để cho nó hiển thị luôn vị trí đang có mặt mà đó lại là nơi “nhạy cảm” sống để bụng, chết mang theo.

Có lần tôi đọc trên báo New Straits Times của Malaysia thông tin về một gia đình suýt tan nhà nát cửa vì một tấm ảnh phạt nguội của cảnh sát giao thông. Người vợ ở nhà nhận được giấy phạt anh chồng chạy xe vượt đèn đỏ có kèm theo ảnh chụp chứng cứ với đầy đủ ngày giờ và nơi vi phạm. Vấn đề nằm ở chỗ bữa đó vợ nhờ chồng chở đi công việc nhưng anh ta thoái thác nói là công ty có cuộc họp, rồi bây giờ nhìn trong ảnh giám sát giao thông thấy chồng đang chở một phụ nữ.

Các phương tiện truyền thông lâu nay vẫn thường xuyên đưa tin những vụ nhân viên công quyền vòi vĩnh, đòi hay nhận hối lộ bị người ta bí mật ghi âm, ghi hình làm chứng cứ vô phương chối bỏ. Theo bộ Luật Tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011, nội dung ghi âm, thu hình được có thể được dùng làm chứng cứu tại tòa nếu như hội đủ một số điều kiện; còn nếu không thì nó vẫn làm một tư liệu tham khảo “nguy hiểm” để đấu tranh với đối tượng. Không hiếm chuyện ai làm chuyện gì đó ở bất cứ nơi đâu bị chụp ảnh đưa lên mạng. Truyền thông từng lên cơn sốt nóng với hình ảnh chụp một cô ca sĩ cũng có tên tuổi ở trên máy bay đã dùng túi nôn dành cho hành khách để cho con trai “xả nước”.

Cách đây ít năm thôi, phóng viên muốn quay phim bí mật một nơi nào đó phải giấu chiếc máy quay trong túi xách có khoét lỗ. Muốn ghi âm lén phải dùng máy chạy băng từ thường là loại tương tự máy nghe nhạc Walkman, ngon lành hơn là máy ghi âm chuyên dụng. Coi phim trinh thám, người ta mới thấy mấy điệp viên sử dụng những chiếc máy ghi âm, máy ảnh tí hon.

Có một dạo, tại nhiều cửa hàng máy tính, linh kiện ở Việt Nam bán đầy những cây viết có cả chức năng ghi âm, quay phim bí mật. Máy ghi âm, máy ghi hình nhỏ tới mức có thể được giấu ở bất cứ đâu hay tích hợp những những món đồ dùng, đồ trang sức. Hồi năm 2013, Samsung tung ra thế hệ đồng hồ thông minh Galaxy Gear đầu tiên có tích hợp cả camera có thể ghi hình, ghi âm ở bất cứ đâu. Hãng Polaroid từng “chết tên” với máy ảnh “mì ăn liền” chụp cái là có ảnh ngay tận hời thập niên 1940, bây giờ đang có dòng máy ảnh hành động Polaroid Cube hình khối vuông mỗi cạnh chỉ 35mm như một món đồ chơi cầm trên tay với camera 6MP có thể quay được cả video Full HD.

Bây giờ, không cần phải tậu những công cụ nghiệp vụ chuyên dụng đâu; cũng chẳng cần phải có những tay máy chụp ảnh lén paparazzi. Chỉ cần một chiếc điện thoại di động là người ta có thể mặc sức mà ghi âm, ghi hình mọi thứ chung quanh mình. Có thể nói rằng bất cứ ai cũng có thể trở thành một thám tử Sơ-lốc Hôm (Sherlock Holmes). Tình hình càng tệ hại hơn khi giữa thời của mạng truyền thông xã hội chi phối mọi ngõ ngách cuộc sống trên toàn cầu, ai cũng có thể trở thành những người đưa tin, những “nhà báo công dân” (theo cách gọi nghiêm túc).

Làm ngơ, coi đó là chuyện bình thường hay chấp nhận sống chung với lũ, thì cứ vậy mà sống. Chứ nghĩ lại, mọi người ắt giật mình khi hiểu rằng nhất cử, nhất động, mọi lời nói và việc làm của mình đều có thể bị ai đó chung quanh hoặc vô tình hay cố ý ghi lại bằng điện thoại di động. Khi những chiếc smartphone được trang bị hệ thống camera siêu sắc nét, có khả năng ghi hình rõ nét từ xa trong ánh sáng yếu, cũng như hệ thống microphone định hướng, siêu nhạy và có tính năng lọc nhiễu, nguy cơ bị ghi âm, ghi hình lén càng cao hơn bội lần.

Bạn cứ truy cập vào dịch vụ Google Maps đi rồi dùng tính năng Street View để xem những hình ảnh được hệ thống máy ảnh 360 độ của Google ghi được thì sẽ thấy có những người tình cờ lọt vào ống kính với những tư thế, hành vi thiệt là “khó đỡ”. Nào có ai dè mình lại bị ghi hình cho cả thế giới cùng coi như vậy đâu.

Trên Internet, người ta không khó tìm thấy những tấm ảnh gọi là ảnh webcam của những kẻ có đầu óc “có vấn đề” canh me rình chụp ảnh những khoảnh khắc “hớ hênh” của các phụ nữ rồi tung lên mạng.

Những kẻ xấu, bọn tội phạm cũng dễ bị “dính hình” hơn. Những ai mê thể loại phim truyền hình nhiều tập nói về những đội điều tra hiện trường CSI (Crime Scene Investigation) của Mỹ vẫn chiếu trên kênh truyền hình cáp AXN chắc chẳng xa lạ gì trước việc những nhà điều tra truy lùng tội phạm qua những hệ thống camera an ninh, camera giám sát giao thông, cũng như những hình ảnh do người dân tình cờ ghi được.

Tất nhiên ở các nước có hệ thống luật pháp nghiêm túc và chặt chẽ, người ta có những quy định nghiêm ngặt bảo vệ quyền tự do và bí mật cá nhân của từng công dân. Ai vi phạm là bị kiện bồi thường mệt mỏi luôn. Trong thời gian gần đây, khi cảnh sát Mỹ và nhiều nước khác bắt đầu được trang bị máy ảnh cá nhân gắn trên người trong lúc tuần tra, các quy định bảo mật hình ảnh cá nhân đã được áp dụng nghiêm ngặt hơn cho nhân viên công lực. Một trong những nguyên nhân chính khiến những thiết bị bay điều khiển từ xa (drone) bị chống đối hay thắt chặt kiểm soát vì người ta lo ngại chúng bị kẻ xấu lợi dụng để chụp ảnh, quay phim lén. Ngay cả loại kính thông minh Google Glass từng là hàng công nghệ thời thượng cực hot cũng vấp phải sự phản đối vì chúng quá dễ dàng xâm phạm đời tư người khác. Thậm chí, nhiều nơi đã phải treo biển cấm không sử dụng kính Google này. Chức năng máy ảnh trên smartphone phát ra tiếng động như tiếng đóng mở màn trập của máy ảnh bình thường mỗi khi chụp còn để cảnh báo cho ai đó “hình như tui mới bị chụp ảnh”.

Bạn phải làm gì khi phải chung sống giữa vô vàn thám tử Sơ-lốc Hôm như vậy? Tất nhiên, về lý thuyết, khi hình ảnh của mình bị chụp và phát tán với động cơ xấu gây tổn hại cho mình, bạn có thể thưa kiện. Còn trong thực tế thì với hình ảnh phát tán trên mạng, bạn biết kiện ai đây? Bởi vậy, thôi thì hễ ra khỏi nhà là hãy luôn dặn mình phải ý tứ trong từng lời nói và việc làm. Tự nhiên ở đây lại phát sinh ra những yếu tố tích cực là nguy cơ ghi âm, ghi hình lén làm cho người ta trở nên tốt hơn, sống chừng mực hơn. Sáng sớm đi làm, sếp tổng ở nhà chỉ cần nhắc tía sắp nhỏ: “Coi chừng bị ghi hình, ghi âm lên “phây”.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Một loại camera tí hon. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 10-1-2016 hay trên báo Pháp Luật TP Online

160110-baibao-phapluattp-01_resize

160110-baibao-phapluattp-02_resize