Đá granite tức đá hoa cương
PHP RỦ RỈ RÙ RÌ TẬP 1:
Từ điển bách khoa Wikipedia giải thích granite, hay còn gọi là đá hoa cương, là một dạng phổ biến của đá macma xâm nhập (felsic intrusive igneous rock) có hoa văn dạng hột. Chữ “granite” có gốc tiếng Latin là “granum” (hột). Đá granite rất bền, và hiện nay nó được dùng để thay cho đá cẩm thạch (marble) trong những công trình ngoài trời. Đó là nhờ đá granite có khả năng chịu đựng tốt hơn đá cẩm thạch đối với loại mưa acid vốn đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên thế giới như một hậu quả của tình trạng ô nhiễm không khí.
Ở những nước khác, đã granite có thể được dùng lát nền những nơi công cộng. như những quảng trường, đài tưởng niệm. Tất nhiên, với loại đá lát nền này, chẳng ai xâm mình cho mài mặt đá bòng loáng dễ gây trơn trợt cho người đi trên đó, nhất là khi mưa và có tuyết.
Thú thiệt là đi ta bà thế giới nhiều rồi, nhưng tôi chưa có diễm phúc (cho dù tên cúng cơm mình là Hồng Phước) được bước chân trên những đường phố nào ở xứ người có vỉa hè được lát bằng đá granite. Thiên hạ là những nước giàu, đâu thiếu tiền để dùng đá granite lát vỉa hè; chỉ có điều, họ giàu nhưng không có cái máu xài sang xả láng sáng về sớm, đã chơi rồi thì còn cái quần tà lỏn cũng sẵn lòng cho nó ra đi. Và chỉ nói ở óc thực tế thôi, họ hiểu rằng đá granite chẳng phải là loại vật liệu để lát vỉa hè, chớ đừng nói chi là lát đại trà, lát cả những con đường dài, đường nào cũng lát.
Tôi đã từng có cái cảm giác bềnh bồng chếnh choáng không phải vì say sóng biển mà bởi đứng trên cái vỉa hè lát đá granite sang trọng chạy dài suốt con đường Hạ Long cặp biển dài tới hơn 4 cây số ở thành phố Vũng Tàu. Có lẽ đây là địa phương thiên hạ vô đối về cái level xài sang.
Tất nhiên, nếu dư ăn dư để và muốn cho sang, địa phương nào đó có thể dùng đá granite lát một số đoạn vỉa hè ở những nơi trung tâm chủ yếu dành cho người đi bộ qua lại. Nhưng đó phải là loại đá có độ nhám đúng chuẩn để tránh tình trạng trơn trợt gây nguy hiểm khôn lường cho người đi bộ.
Tình cờ tôi lục tàng thư… Internet thấy báo Tuổi Trẻ (29-6-2006) từng đăng một chia sẻ của bạn Anh Tuấn (TP.HCM) với tựa đề: “Bi kịch vỉa hè lát đá hoa cương!” Bạn đề cập tới nỗi khổ sở và nguy hiểm của khách bộ hành khi đi trên cái vỉa hè đường Hạ Long ở Vũng Tàu. Bạn Anh Tuấn viết như vầy: “Vì vỉa hè được lát đá hoa cương nên nó quá trơn, đặc biệt là những lúc có mưa. Khách du lịch không dám (hoặc không thể) đi trên vỉa hè. Họ đành đi xuống lòng đường mặc dù khá nguy hiểm do xe qua lại luôn chạy với tốc độ khá cao.” Và để chứng minh điều mình chia sẻ, bạn đã kèm theo tấm ảnh chụp cảnh người ta xuống đường đi “bên cạnh” vỉa hè bóng loáng nước mưa.
Chẳng phải là nâng tầm quan điểm lên đâu, nhưng chuyện xài sang còn mang phạm trù đạo lý nữa. Liệu có công bằng và phải đạo không khi ta vung tiền ra xài sang hơn những nước đã dùng tiền thuế của dân nước họ đem viện trợ ODA cho mình. Nước họ giàu là vì biết làm ăn. Mà dân làm ăn thứ thiệt thì biết chắt chiu từng đồng lãi kiếm được để đầu tư phát triển. Trong từ điển của dân làm ăn không có từ “hoang phí”.
Chính quyền địa phương cũng không thể ỷ lại là vay được tiền của doanh nghiệp vừa không bị tính lãi, vừa có thời gian nợ dài để vô tư mà chi xài, cho dù là xài việc chung. Bởi lẽ, có vay thì phải có trả. Ngay cả trong trường hợp có những doanh nghiệp tài trợ đi nữa thì thực tế cho thấy chẳng doanh nghiệp nào dùng tiền quỹ của mình, dẫu cho đó là quỹ phúc lợi xã hội, làm chuyện gì đó mà không mưu tính có được những lợi ích gì. Bánh sáp đi thì bánh quy lại mới toại lòng nhau.
Ờ hén, nếu như có những doanh nghiệp hào hứng (trong vụ này không phải là hào hiệp) hùn nhau bỏ ra cả ngàn tỉ chỉ để làm vỉa hè thì sao địa phương không vận động họ dùng khoản tiền đó là những dự án quốc kế dân sinh thật sự làm cho cuộc sống người dân tốt hơn.
Thử hỏi bâng quơ, địa phương có thể dành ra cả ngàn tỷ đồng lát đá vỉa hè liệu có bao nhiêu người dân vẫn đang phải sống trong những điều kiện dưới chuẩn?
Nếu ai hỏi tôi việc dùng đá granite lát vỉa hè một cách đại trà có lãng phí không, chẳng cần tới 1 nốt nhạc, tôi cũng có thể tự tin trả lời là lãng phí đứt đuôi con nòng nọc đó chớ. Thứ nhất, loại đá này không phải là vật liệu phổ biến cho vỉa hè. Thứ hai là cái vỉa hè ở ta vẫn nằm trong cái vòng tư duy nhiệm kỳ. Thử hỏi chỉ trong vòng 10 năm nay, người ta đã chứng kiến cảnh vỉa hè bị lột lên làm mới lại mấy lần? Thứ ba và quan trọng nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng của ta chưa hoàn thiện. Vỉa hè lát bằng gạch mà còn bị cưa ra đào lên cho những công trình hạ tầng (cống, cáp, đường ống,…) thì với đá granite sẽ lãng phí biết chừng nào.
Từ sau con đường siêu sang Hạ Long ở Vũng Tàu cách đây cả chục năm và những đoạn vỉa hè tại TP.HCM được lát đá granite, đã có nhiều bài viết, góp ý về cái lợi bất cập hại và lãng phí của việc cho đá granite xuống đường này. Điều đáng ngạc nhiên là vì sao cho tới nay vẫn có những nơi muốn dùng đá granite lát vỉa hè một cách đại trà.
Chuyện nói rằng lát đá granite sẽ giúp cho vỉa hè sạch đẹp hơn thì không sai nhưng chưa đúng (!). Bởi ai cũng hiểu chỉ có ai đó cố tình không hiểu là chuyện đường phố, vỉa hè sạch đẹp và văn minh không hề phụ thuộc vào loại vật liệu xây dựng chúng. Cho dù có dùng vàng Thụy Sĩ để lát vỉa hè thì với nếp ăn thói ở, ý thức của người dân và năng lực quản lý của nhà chức trách như hiện nay, đường phố, vỉa hè mà không nhếch nhác mới là chuyện “kỷ lục Việt Nam”.
Cái chuyện sang thì nhiệm kỳ này chưa hợp, để vài ba nhiệm kỳ sau vậy. Nhưng sạch đẹp và văn minh thì lại là nhiệm vụ của bất cứ nhiệm kỳ nào, cần làm và phải làm ngay và luôn. Bên cạnh việc nhà chức trách thực thi nghiêm minh các quy định (vốn chẳng hề thiếu, chưa nói là dư) có liên quan tới cái vỉa hè và đường phố, ta có lẽ cũng chỉ tốn ít tỷ đồng cho những chiến dịch tuyên truyền, quảng bá xây dựng nếp sống văn minh từ cái vỉa hè, đường phố. Vải kate mà sạch sẽ thơm tho vẫn “xếch-xi” hơn lụa là mà nhăn nhúm dơ bẩn.
Cũng còn may cho bá tánh là cái địa phương “vỉa hè nghìn tỷ đồng” kia đã công bố dự án này cho bàn dân thiên hạ hay trước khi động thủ. Hy vọng những người có trách nhiệm sẽ thận trọng cân nhắc thiệt hơn một cách cầu thị và cầu tiến, biết lắng nghe các góp ý chân tình và hợp lý của cộng đồng xã hội – tức những người đóng thuế nuôi bộ máy nhà nước.
PHP nghe rủ rỉ rù rì như vậy!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 29-3-2016)