Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Selfie đại pháp

 Selfie

 

Hầu hết người ta đều thích chụp ảnh. Không phải chụp ảnh người khác đâu (bao nhiêu người quảng đại tới như vậy), mà là chụp ảnh của mình kia. Cái rắc rối khiến người ta luôn bị “kềm hãm cái sự sung sướng” ấy lại chính là để chụp ảnh mình, bạn phải nhờ ai đó (nếu như không muốn sử dụng chức năng chụp ảnh hẹn giờ Timer của máy ảnh). Chính vì vậy mà chiếc smartphone – vật bất ly thân thế kỷ 21 của số đông thần dân di động – càng được cưng biết chừng nào nhờ cái chức năng selfie – chụp ảnh tự sướng của nó.

Nhưng cũng chỉ trên dưới 2 năm gần đây thôi, selfie mới thật sự được các hãng sản xuất smartphone coi như một trong những chức năng cơ bản, thậm chí ăn khách, của thiết bị di động. Họ bắt đầu đầu tư vào chiếc camera phía trước của smartphone mà bấy lâu nay chỉ trang bị cho có, và chủ yếu phục vụ cho tác vụ gọi điện thoại có hình – video call hay các dịch vụ Skype,…

Trước đây, camera phía trước của smartphone chỉ có độ phân giải video chuẩn là VGA (khoảng 0.3MP, tức còn xa mới tới 1MP, cho kích thước hình ảnh 640 x 480 pixel). Tất nhiên là chẳng nhà sản xuất nào chịu tốn chi phí tích hợp cho nó những công nghệ, tính năng chụp ảnh nâng cao.

Sau đó, khi công nghệ camera trên smartphone liên tục phát triển, chủ yếu là camera sau, chiếc camera trước cũng được “ăn theo” nâng độ phân giải lên trên dưới 1MP, sau đó dừng chân ở 2MP, cầm bằng coi như “an bài số phận”.

Có lẽ cuộc cách mạng selfie và cũng mở đầu cho cuộc cạnh tranh về chức năng selfie trong thế giới di động bùng nổ vào năm 2014. Tháng 3-2014, HTC đưa ra smartphone HTC One M8 có camera trước 5MP (f/2.0). Tới tháng 9-2014, Microsoft tung ra chiếc smartphone Lumia 730 có camera trước có độ phân giải 5MP, cao nhất trong gia đình Lumia cho tới lúc đó. Và họ chẳng ngần ngại gì khi nhấn mạnh trên quảng cáo đây là một chiếc “selfie phone”. Nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới là Samsung vào tháng 10-2014 đã ra mắt dòng smartphone selfie đầu tiên của mình với dòng Galaxy A series (gồm A3, A5 và  A7) trang bị camera trước có độ phân giải 5MP, nghĩa là vượt qua ngưỡng 3.7MP có trên Galaxy Note 4 và Note Edge công bố đầu tháng 9-2014. Nhưng ấn tượng nhất là vào tháng 10-2014, hãng HTC gây choáng cho giới mê selfie với chiếc smartphone HTC Desire Eye có camera trước “tuyệt đỉnh công phu”. Nó có độ phân giải tới 13MP (f/2.2), autofocus, dual-LED (dual tone), HDR.

Ngay cả hãng Apple, nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới với dòng iPhone thần thánh, cũng không thể đứng ngoài cuộc đua selfie. Tháng 9-2015, Apple chiềng làng chiếc iPhone 6s có camera trước 5MP (f/2.2), một bước tiến nhảy vọt so với camera 1.2MP (f/2.2) có trên iPhone 6 ra đời trước đó một năm.

Selfie-trio_resize

Bây giờ, camera selfie đã có chuẩn được đẩy lên ở mức 5MP. Tất nhiên, cũng có những hãng lâu lâu giựt gân tung ra những mẫu smartphone có camera selfie “khủng”. Không nói chi xa xôi, hồi trung tuần tháng 3-2016, hãng Oppo trình làng chiếc Oppo R9 có camera trước 16MP (f/2.0), trong khi camera sau là 13MP (f/2.2). Thiệt là chơi khác người khi thiên hạ bao giờ cũng dành cấu hình ngon nhất cho thành phần camera chính phía sau. Trước đó, hồi tháng 8-2015, hãng Asus đã đưa ra thị trường một chiếc smartphone chuyên trị selfie gọi là Zenfone Selfie. Smartphone này có cả hai camera trước và sau đều cùng độ phân giải 13MP, chỉ khác nhau cái khẩu độ (f/2.0 cho camera sau và f/2.2 cho camera trước).

Điều thú vị và làm cho người dùng khoái chí là các hãng không chỉ đua về độ phân giải của camera trước mà còn đầu tư chăm chút cả về công nghệ, cấu hình, cả phần cứng lẫn phần mềm cho nó.

Góc chụp ảnh của camera trước ngày càng rộng để bạn có thể thu được ảnh mình với toàn cảnh, ghi vào tấm ảnh nhiều chi tiết hơn và đặc biệt là hữu dụng khi muốn chụp selfie cả nhóm bạn bè. Khi mới ra mắt Lumia 730, Microsoft đã tổ chức một cuộc thi toàn thế giới coi ai có thể “nhét” nhiều người nhất vào trong một tấm ảnh selfie. Kết quả vào tháng 11-2014, nhóm ở Bangladesh đã ghi được tấm ảnh selfie lớn nhất thế giới với hơn 1.151 người cùng có mặt trên một tấm ảnh selfie bằng camera 5MP của Lumia 730. Chính Microsoft đã chế ra cái thuật ngữ “Wefie” để chỉ việc chụp ảnh tự sướng nhiều người. Một số hãng bây giờ gọi tính năng này là Panorama Selfie.

Khẩu độ ống kính càng rộng thì càng có thể thu được nhiều ánh sáng hơn, một trong những yếu tố tăng cường khả năng chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu hay trong tối hoặc chụp ngược sáng. Phần lớn camera trước hiện có khẩu độ f/2.0. Hãng Samsung hồi tháng 2-2016 đã trang bị khẩu độ khủng tới f/1.7 cho camera trước trên bộ đôi Galaxy S7 và S7 edge. Đây là khẩu độ lớn nhất mà một chiếc camera trên smartphone có được cho tới hiện nay.

Ngày càng có thêm nhiều camera trước của smartphone được trang bị công nghệ HDR vốn chỉ có trên các camera chuyên dụng DSLR (máy ảnh số ống kính rời). HDR viết tắt của High Dynamic Range (dải tương phản động mở rộng). Công nghệ này giúp máy ảnh tăng cường khả năng ghi nhận sự chênh lệch giữa vùng sáng và vùng tối của nơi được chụp. Nhờ vậy, hình sẽ không bị quá tối khi chụp ngược sáng hay trong ánh sáng yếu, cũng đồng nghĩa với việc ghi được nhiều chi tiết hơn và màu sắc trông giống như mắt bạn thấy hơn. Trước đây HDR chỉ được trang bị cho những camera chính trên smartphone cao cấp. Bây giờ, công nghệ này được tích hợp cả cho camera chụp ảnh selfie.

Một số smartphone còn được trang bị cả đèn flash cho camera trước. Thậm chí có cả loại đèn kép dual-LED flash và dual-tone với 2 màu đèn khác nhau giúp tái tạo màu sắc thật hơn, đặc biệt là màu da người.

Camera trước còn có những yếu tố phần cứng đáng giá khác như ống kính nhiều thành phần với nhiều lớp thấu kính (thường là 5P Largan), thấu kính của các hãng chuyên nghiệp nổi tiếng (như Carl Zeiss),…

Trong khi đó, phần mềm chụp ảnh cho camera trước cũng đã được tăng cường để có thể khai thác tối ưu cấu hình phần cứng của camera trước. Có lẽ được nhiều người, đặc biệt là giới nữ, thích nhất là bộ công cụ “trang điểm” làm đẹp. Với bộ Kit này, bạn có thể điều chỉnh các tùy chọn như làm cho màu da sáng hồng hơn, làn da mềm mại hơn, khuôn mặt thon thả hơn, gò má không bị nhọn, đôi mắt to hơn,…

Hầu hết smartphone không được trang bị nút chụp ảnh cơ. Vì thế, để tạo tiện dụng cho người dùng, sau này nhiều hãng tích hợp thêm tính năng chụp ảnh theo lệnh bằng cử chỉ. Chẳng hạn với tính năng Palm Selfie, camera trước sẽ tự động chụp ảnh vài giây sau khi bạn giơ lòng bàn tay ra trước ống kính máy ảnh cho nó ghi nhận.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

+ Bài đã in trên tạp chí e-CHIP.

160413-echip-1_resize