Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Đồng bào con cháu Hùng Vương

 

icon-talk-100 PHP RỦ RỈ RÙ RÌ – TẬP 4:

 

 Hôm nay ngày 10 tháng 3 năm Bính Thân (16-4-2016), ngày ứng với câu ca dao:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”.

Vậy là hôm nay, toàn bộ người Việt trên toàn cõi địa cầu (gồm 92 triệu người Việt ở Việt Nam và hơn 4 triệu người Việt đang định cư ở hơn 100 nước thuộc 5 châu lục) cùng có một đám giỗ chung: Giỗ quốc tổ Hùng Vương.

Trong lúc ngồi xếp hàng chờ ăn đám giỗ lớn nhất của người Việt, tôi ngẫm nghĩ lan man, xin đồng bào cùng “nâng tầm nhận thức” mà “nhất trí thống nhất” với nhau 2 điều cơ bản:

1.18 đời Hùng Vương chứ không phải là 18 vị vua Hùng Vương. Mỗi đời Hùng Vương có một niên hiệu khác nhau (như Hùng Hiền Vương, Hùng Lân Vương, Hùng Duệ Vương,…) và gồm nhiều vị vua khác nhau.

Theo từ điển bách khoa Wikipedia: Hùng Vương hay vua Hùng (2879 TCN – 258 TCN), là tên gọi các vị vua của nhà nước Văn Lang của người Lạc Việt. Đại Việt Sử ký toàn thư (do sử gia Ngô Sĩ Liên khởi thảo và chủ biên, phát hành năm 1697 vào đời vua Lê Gia Tông của thời Hậu Lê) ghi chép rằng: Nhà nước Văn Lang tồn tại đến năm 258 TCN thì bị Thục Phán (tức An Dương Vương) thôn tính. Như vậy triều đại Hùng Vương tính từ thời Kinh Dương Vương (2879 TCN) cho đến hết thời Hùng Duệ Vương – đời Hùng Vương thứ 18 (408 – 258 TCN) kéo dài 2.622 năm. Chính xác thì theo Đại Việt Sử ký toàn thư, toàn bộ các triều đại trị vì suốt 2.622 năm này thuộc họ Hồng Bàng.

Thật ra tên gọi Hùng Vương cho tới nay vẫn còn có những giải thích khác nhau. Nhà sử học đương thời Nguyễn Khắc Thuần cho rằng Hùng Vương là một chức danh được hình thành do phiên âm một từ Việt cổ nào đó. Đại Việt Sử ký toàn thư ghi rằng: Lạc Long Quân đã phong cho con trai trưởng là Hùng Vương nối ngôi vua. Chính Hùng Vương đầu tiên này đã đặt quốc hiệu là Văn Lang, đóng đô tại Phong Châu.

Còn theo danh sách trong cuốn “Thế thứ các triều vua Việt Nam” của nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần (tái bản lần thứ 10 năm 2004), họ Hồng Bàng được truyền qua 18 đời, từ đời đầu tiên Hùng Dương (tức Kinh Dương Vương Lộc Tục trị vì 85 năm, từ 2879 – 2794 TCN). Tất nhiên các con số niên đại trị vì chỉ là ước đoán theo dã sử. Kinh Dương Vương là con của vua Đế Minh, cháu 3 đời của Viêm Đế họ Thần Nông. Sau khi có con trưởng là Đế Nghi, vua Đế Minh trong một chuyến đi tuần phương Nam đã “cải thiện” với một phụ nữ ở đây sinh ra Kinh Dương Vương – người được vua cha trao cai quản phương nam, gọi là nước Xích Quỷ, trong khi ông anh cùng cha khác mẹ là Đế Nghi được nối ngôi cha cai trị phương bắc.

gio-to-hung-vuong-10-3

Nhưng người được coi là ông tổ của người Việt (lúc đó gọi là Bách Việt) lại là con trai của Kinh Dương Vương hiệu là Hùng Hiền Vương, tức Lạc Long Quân Sùng Lãm, hay đời Hồng Bàng thứ 2, trị vì 268 năm (2793 – 2525 TCN). Lạc Long Quân lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ sinh ra một bào thai 100 trứng nở thành 100 người con trai. Sau đó hai ông bà chia tay nhau (với lý do xung khắc giống rồng và tiên, kỵ mạng thủy và hỏa), bà Âu Cơ đem 50 người con lên núi, còn ông Lạc Long Quân đem 50 người con xuống vùng biển. (Xin mạn phép tạt ngang và mạo muội với ý này: phải chăng người Việt có cái gien ly hôn từ đó?. Cũng xin nhiều chuyện thêm vụ nữa. Khi chép lại cuốn sử Việt này, sử thần Ngô Sĩ Liên có ghi chú rằng: Đế Lai là con của Đế Nghi, anh ruột của cha của Lạc Long Quân. Suy ra Đế Lai là anh họ của Lạc Long Quân, còn Âu Cơ là cháu họ của Lạc Long Quân. Sử thần Ngô Sĩ Liên chỉ dám bàn rằng: “có lẽ vì đời ấy còn hoang sơ, lễ nhạc chưa đặt ra mà như thế chăng?”).

Sau khi đôi ngã chia ly, Lạc Long Quân bèn phong cho con trai trưởng làm Hùng Vương, tên hiệu là Hùng Lân Vương, chính thức bắt đầu triều đại Hùng Vương. Hùng Lân Vương trị vì 271 năm (2524 – 2253 TCN).

Như vậy, ông tổ của người Việt là Lạc Long Quân, còn Hùng Vương là quốc tổ (người lập nước).

Nếu đem tổng số năm trị vì của họ Hồng Bàng là 2.622 năm chia cho 18 đời thì bình quân mỗi đời kéo dài tới hơn 145 năm. Như vậy thì không thể là một vị vua được rồi.

Do thời Hùng Vương thuộc sơ sử, mang nặng tính truyền thuyết, nên không có gì là rõ ràng. Lòng tin là chính. Nhưng bất luận thế nào, để lòng tin được bền lâu và không bị coi là mông muội, mù quáng, dữ liệu vẫn phải được các nhà chuyên môn công bố và giải thích với những chuẩn mực nhất định.

Có lẽ chính vì lẫn lộn giữa hai khái niệm “đời vua” và “vị vua” mà những người làm ra khu du lịch Đồng Xanh ở tỉnh Gia Lai mới cho khắc những tấm biển đồng “lý lịch trích ngang” của các “vua Hùng” khiến ai cũng phải “té ngửa” và “á khẩu” không biết dịch ra sao cho khách nước ngoài và giải thích thế nào cho con cháu. Chẳng hạn một tấm biển ghi vua Hùng Chiêu Vương, đời thứ 7, (húy là Lang Liêu Lang) thọ đến 692 tuổi, làm vua 200 năm, có 60 vợ, sinh 23 con trai và 36 con gái.

 vuahung-bien-dongxanh

2. Chỉ có người Việt mới gọi nhau là “đồng bào”. Thú thiệt, tôi không rõ trên thế giới có dân tộc nào có truyền thuyết tương tự không, nhưng chỉ từ truyền truyết “bọc 100 trứng” của mẫu tổ Âu Cơ nên mới phát sinh ra từ “đồng bào” – có nghĩa là cùng một bào thai.

Vì thế, không nên dùng từ “đồng bào” để gọi người của các nước khác. Chẳng hạn, ai lại đi gọi là “bớ nè đồng bào Mỹ”. Cũng chẳng ai nói “Sir Obama và đồng bào Mỹ của mình”.

Ôi, đúng Ngọ rồi, tới giờ vào ăn đám giỗ quốc tổ Hùng Vương rồi. Tôi thoát Facebook đây. Chúc các đồng bào cùng là hậu duệ quốc tổ Hùng Vương ngon miệng hén.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.