Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Chia sẻ trên mạng một cách có trách nhiệm

Social Media Connection

Social Media Connection

 

Theo tôi nghĩ, có lẽ các bạn VTV khi làm chương trình “60 phút mở” gây nhiều tranh cãi vừa rồi là với “động cơ” để truyền đi thông điệp “Chia sẻ trên mạng một cách có trách nhiệm”. Và giá như họ dừng lại ở đó hay làm được điều đó.

Sáng nay, có anh bạn đồng nghiệp đưa ra một cuộc thăm dò bỏ túi là bạn sẽ làm như thế nào nếu như mình lỡ chia sẻ một thông tin mà sau đó phát hiện nó không chính xác? Nếu là tôi, tôi sẽ lập tức xóa bỏ chia sẻ đó, mặc dù hiểu rằng đó chỉ là một hành động chữa cháy, giảm nhẹ nguy tai, vì hầu như thứ gì đã đưa lên mạng thì đều bị các cache lưu giữ lại ở đâu đó hay tệ nhất là đã bị ai đó sao chép lại. Và cũng vì thế, tôi phải viết ngay một bài mới để xin lỗi và giải thích rõ ràng, minh bạch, cũng như nói rõ cho mọi người biết thông tin trước đó là sai. Tất nhiên, tôi sẽ chia sẻ lại thông tin chính xác mà mình vừa có được. Sẽ tuyệt vời ông mặt trời là tôi có thể chia sẻ thông tin chính xác.

Từ bao lâu nay, các nhà chuyên môn trên thế giới đều đã tốn nhiều tâm sức để tìm hiểu, giải mã và phân tích những mặt tốt và xấu của thể loại mạng truyền thông xã hội và hội chứng lậm nó. Cho dù có thể còn phải tranh luận với nhau về điểm này, điều nọ, nhưng hầu như ai cũng đều đồng ý với nhau là khuyến cáo người dùng các mạng xã hội phải chơi mạng một cách có trách nhiệm. Đặc biệt là đưa lên hoặc chia sẻ bất cứ cái gì trên mạng cũng đều phải có trách nhiệm. Trách nhiệm với mình và trách nhiệm với cộng đồng.

Những người càng có nhiều Friend, nhiều Follower, những người càng có địa vị xã hội cao, nói chung là những người của công chúng, lại càng cần phải cẩn trọng gấp bội lần người thường. Bởi nó dính líu tới uy tín, hình ảnh của bản thân, đồng thời tầm ảnh hưởng lan tỏa rộng hơn.

truockhi-noigi

Người xưa dạy ta: uốn lưỡi 7 lần trước khi nói. Giá như Facebook bổ sung thêm tính năng cho xuất hiện một menu hỏi lại người dùng xem mình có chắc chắn muốn post hay chia sẻ điều này không? Thao tác này xưa nay vẫn được nhiều phần mềm, ứng dụng sử dụng để giúp người dùng tránh những lầm lẫn, vội vàng. Chỉ cần chậm lại một nhịp phím thôi cũng đủ giúp nhiều “anh hùng bàn phím”, đặc biệt là những người có cái tật “gõ phím nhanh hơn suy nghĩ”, nghĩ lại mà… đình thủ.

before-talking

Trong khi chờ Facebook xem xét bổ sung tính năng hỏi lại (confirm) như vậy, tôi chọn cách là sau khi viết xong một cái gì hay trước khi share một thứ gì, tôi dừng lại một chút cho cái dòng hào hứng nó chảy qua, sau đó tôi mới quyết định có nên “lên mạng” hay không.

Một cô bạn mần nhà giáo, nhà văn, nhà họa cũng sáng nay chia sẻ với tôi phàm thì là mà rằng ai làm cái gì cũng đều có động cơ riêng của mình. Tôi cũng tám thêm rằng cái sự nhạy cảm là rất tình hình ở chỗ lâu nay người ta thường dùng cái từ “động cơ” với ý xấu. Vì vậy, để cho Biển Đông không dậy sóng, thế giới hòa bình, ta không nên cật vấn động cơ của nhau làm gì – thực tế là chẳng đi tới đâu, chỉ tổ gây nên căng thẳng. Những kẻ có ý đồ xấu thì làm gì mà họ khai báo thật thà cái động cơ của mình. Chẳng hạn như tôi thà sống để bụng, chết mang theo chớ dại gì khai ra cái động cơ tôi hay vào Like cô bạn kia. Nói thêm một chút cho hạ hỏa, tôi thường cảm thấy tủi thân (tôi cầm tinh con gà chọi chớ không phải con khỉ khọt) mỗi khi có ai đó hỏi động cơ của mình. Tôi cỡi con ngựa sắt cổ lai hy nên động cơ thua xa một trời một vực với các bạn chạy xe hơi. Thử hỏi làm sao tôi không chạnh lòng cho được khi mình giống như Thị Nở mà bị đem so với Ngọc Trinh!

Vậy đó, vấn đề của mọi vấn đề gom lại một câu “Chia sẻ trên mạng một cách có trách nhiệm”.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.