Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Mở với bên này, đóng với bên kia

 

Thú thiệt là trong những ngày cuối tháng 5-2016 này, tôi đang phải dồn hết tâm trí cho cuộc Triển lãm công nghệ máy tính lớn nhất châu Á COMPUTEX 2016 diễn ra từ ngày 31-5 tới 4-6-2016 tại Taipei (Đài Loan). Tuy năm nay không trực tiếp tham dự COMPUTEX Taipei được, vì có chút việc, nhưng tôi vẫn phải kết nối với sự kiện này do có nhiều bạn bè, đối tác ở Đài Loan tham dự cuộc triển lãm đang cần thông tin cho cộng đồng.

Đó là lý do mà mãi tới khi có bạn link cho hay vụ chương trình truyền hình 60 Phút Mở do VTV thực hiện, tôi mới để ý. Tuy nhà đài đã block link dẫn tới video của chương trình, cả trên website của VTV lẫn trên kênh YouTube, nhưng trên mạng Internet vẫn còn lưu giữ nội dung. Tôi đã mở xem lại chương trình này.

Ấn tượng đầu tiên là thấy tội nghiệp cho bạn MC Phan Anh và cũng phải khâm phục bạn ở sự dũng cảm và tiết chế. Đó là nếu như đây không phải là một trong những chương trình dàn dựng của nhà đài. Ấn tượng thứ hai dĩ nhiên là cứ phải tiếp tục bái phục cái tài dẫn dắt của bạn chủ xị (host) Tạ Bích Loan. Rất là một lò với bạn Lại Văn Sâm. Tôi nghĩ, chẳng cần phải cắt cúp, ráp nối lại làm gì, bạn ấy dư sức để dẫn dắt người tham gia đi theo con đường mà mình đã vạch ra. Ấn tượng thứ ba là ngưỡng mộ số đông trong những “chuyên gia” tham gia bởi sự đoàn kết nhất trí cao của họ phía sau lưng Host. Ở đây, do trình độ có hạn của mình, tôi chớ dám lạm bàn về nội dung những gì họ đã nói ra – mà dường như chỉ cốt xúm lại “ném đá” đối tượng kia hầu dằn mặt ai đó (không cần khai ra thì ai cũng tỏ tường).

usa-debate

Một cuộc tranh luận được hãng CNN truyền hình trực tiếp giữa các ứng cử viên đảng Cộng hòa trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Thật ra thể loại tranh luận trên truyền hình (debate) này vẫn được nhiều kênh truyền hình ở nước ngoài làm. Như Mỹ vẫn thường tổ chức cho các ứng cử viên tổng thống tranh luận. Đây là một cơ hội cho các bên tranh luận với nhau công khai trước bàn dân thiên hạ mà giám khảo chính là khán giả. Các bên sẽ phải trổ hết tài ăn nói của mình ra để chứng minh và bảo vệ luận điểm của mình. Nếu có bên chịu thua thì coi như “kết thúc có hậu”, còn trong trường hợp cứ bất phân thắng bại thì khán giả sẽ tự mình phán xét và nếu có dịp thì các bên lại tái đấu hiệp khác. Nhưng thể loại tranh luận này có yêu cầu bắt buộc là phải Live phát trực tiếp (càng tốt hơn nếu có điều kiện tương tác trực tiếp với khán giả) và minh bạch, không cắt cúp.

usa-debate-trump_resize

Ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa (trái) trong một cuộc tranh luận trên truyền hình trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Trong khi đó, nếu dựa trên các tiêu chí của thể loại tranh luận nói trên, VTV đã làm thất bại ngay từ vòng gởi xe là phát dưới hình thức 1 chương trình đã được nhà đài biên tập theo ý mình để định hướng dư luận. Giám khảo ở đây lại chính là nhà đài. Ai từng xem thử chương trình thì thấy rõ nó đã được biên tập làm nổi rõ cái chiêu thức “cả vú lấp miệng em” đã được khai thác triệt để tới mức MC Phan Anh vốn là người miệng rộng mà còn phải “đuối hơi”, ná thở. Nó không còn là tranh luận mà bị biến dạng thành áp đặt, cậy đông ép ít.

Ở đây, tôi không lạm bàn tới chủ đề và nội dung của chương trình này. Có rất nhiều bạn đã nói rồi. Còn theo thiển ý của tôi, cái đề tài này rất thời sự mà nếu như để cho mọi người tranh luận minh bạch và sòng phẳng, công chúng sẽ có thêm những kiến thức và cái nhìn nghiêm túc và hữu ích. Bao lâu nay, giới chuyên môn trên thế giới vẫn có nhiều nghiên cứu và tranh luận về hiện tượng mạng truyền thông xã hội, trong đó có cách thức hay động cơ người ta ứng xử với mạng xã hội. Giống như bất cứ sự việc nào tồn tại trên cuộc đời này, mạng xã hội cũng có mặt phải và mặt trái, ích lợi và tai hại. Tiếc ở đây là một chủ đề “hot” như vậy đã bị xử lý thành ra lợi bất cập hại.

Hy vọng, các nhà đài sau này sẽ có thêm kinh nghiệm để làm tốt hơn thể loại truyền hình tranh luận này. Có rất nhiều chuyện “hot” để tranh luận. Như chuyện thực phẩm bẩn, tuyển sinh đại học,… Chỉ cần chọn được MC Host có tri thức, có nghề và có bản lĩnh để điều khiển cuộc tranh luận mà không đóng vai trò một quan tòa phán xét. Tuy vậy, thiết nghĩ cũng nên nói cho rõ. Thể loại tranh luận trên truyền hình rất lý thú và rất cần cho đời sống xã hội. Nhưng chắc chắn nó chưa phải là một món dễ ăn và dễ tiêu hóa ở những xã hội như xứ Việt ta lúc này. Nó chỉ hợp với những ai dám và biết chấp nhận cho người khác nói khác với ý của mình, nhất là khi ý người khác có lý hơn ý mình.

debate-cartoon

Vậy còn chuyện vừa rồi thì sao?

Tôi chỉ xin chia sẻ về chính tôi thôi nghen.

Thứ nhất, tôi coi đây là chuyện nhà đài thực thi công vụ của mình. VTV là đài truyền hình quốc gia, là đài của nhà nước, được nhà nước lập ra để phục vụ cho nhu cầu của nhà nước. Vì thế, nhà đài dựng chương trình này nhằm mục đích định hướng người dân, với hy vọng từ nay người dân sẽ sử dụng các mạng xã hội một cách “kiểu mẫu”, không làm gì khác ý của nhà nước nói chung và các cơ quan công quyền nói riêng. Nói nôm na là cứ tự sướng các thể loại, các kiểu mà đừng nên tỏ thái độ, dính líu chi tới những vấn đề mà chính quyền coi là “nhạy cảm”. Vì lẽ đó, chương trình này chẳng có chi là lạ. Nhà đài cứ việc làm theo công vụ của mình, còn khán giả nào không thấy hạp thì cứ chuyển kênh. Bây giờ truyền hình cáp có hơn 100 kênh kia mà. Nhà đài có tồn tại hay không là do nhà nước quyết định chứ không phải bởi người dân. Mà cũng chẳng phải đây là chuyện chỉ có ở Việt Nam. Ở bất cứ nước nào, các cơ quan truyền thông do nhà nước lập ra đều phải “ăn cơm chúa, múa tối ngày”. Tất nhiên cũng có những điệu múa khác nhau, tùy môi trường.

Thứ hai, tôi coi đây là một game show truyền hình thực tế như vô số game show khác trên các thể loại nhà đài, và bạn MC kia được thuê để xuất hiện làm đối tượng bị tấn công.

Cuối cùng, tôi không dám coi đây là một cuộc “đấu tố” nên càng chẳng dám xoay ngược lại mà “đấu tố” những người làm chương trình. Theo tôi nghĩ, cộng đồng phản ứng mạnh, cho dù vẫn có 2 phe, chủ yếu do thể loại này còn quá mới lạ với cái tạng của người Việt, cách thực hiện chưa tốt, đề tài quá nhạy cảm mà lại là nỗi niềm “chôn giấu” bấy lâu nay của nhiều người. Về phần mình, tôi ủng hộ thể loại tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Chỉ thông qua tranh luận thật sự thì mọi người mới có thể đi tới chỗ thống nhất với nhau, đồng tình cùng nhau và cuối cùng đạt tới chân lý.

Tôi cứ nghĩ theo kiểu AQ như vậy cho nó an lành.

PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh: Internet. Thanks.