Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Thương mại điện tử: mua bán online, thanh toán offline

e-commerce-3

Mấy người bạn ở nước ngoài hỏi: Việt Nam có thương mại điện tử chưa? Tôi trả lời là có, có từ lâu rồi và đang mở rộng nhanh chóng với mức độ người người online, nhà nhà online. Họ truy tiếp: Thương mại điện tử ở Việt Nam có giống như ở Mỹ không? Tôi đành trả lời nước đôi: giống và khác. Đặc thù của thương mại điện tử ở Việt Nam là mua bán online, thanh toán offline

THỨ GÌ CŨNG ONLINE

Có thể nói rằng chưa bao giờ người tiêu dùng Việt Nam lại sướng như hiện nay. Họ chỉ cần lập và lưu một danh sách các số điện thoại dịch vụ và bán hàng trực tuyến, cũng giống như trước đây lưu số các hãng taxi. Khi có nhu cầu, họ chỉ cần gọi một cú điện thoại hay nhắn một tin SMS tới số điện thoại tương ứng là lập tức có người giao hàng tới tận cửa nhà.

Cho tới ngày nay thì hầu như thứ gì cũng có thể và phải kinh doanh online. Ở khu vực nhà tôi trong Chợ Lớn có một dịch vụ bán cà phê online, ban đầu phải đặt mua ít nhất là 2 ly thì họ mới giao, nhưng không chịu nổi sức cạnh tranh nên bây giờ chỉ cần 1 ly thôi, họ cũng giao tới tận nơi khách yêu cầu. Phạm vi bán hàng cũng được mở ngày càng rộng hơn, hồi đầu chỉ loanh quanh trong quận 5, sau này giao cà phê tới mấy quận chung quanh. Xin nói cho rõ, đây là loại cà phê thường, giống cà phê vỉa hè, chứ không phải là những quán cà phê lớn, có thương hiệu.

Mấy đứa nhỏ nhà tôi từ lâu rồi giảm hẳn chuyện la cà các shop để tìm mua hàng. Cần gì, chúng chỉ cần lên Facebook, lên các trang mạng chọn hàng xong, alô một cú, là có hàng chuyển tới tận nhà. Quần áo, giày dép, ngay cả cái ốp lưng điện thoại, cũng được mua online như vậy.

Bà đẩy xe mua ve chai ở khu vực tôi ở có cho số điện thoại của mình. Khi có gì cần bán ve chai, tôi chỉ cần gọi điện là bà đẩy xe hay đạp xe tới mua ngay. Mấy người thu mua đồ lạc-xoong, đồ dùng đã hư, đã cũ… cũng làm tương tự. Nhờ vậy mà trong nhà người ta chẳng bị mấy thứ đồ cũ muốn thải loại choán chỗ nữa.

Cách đây một tuần, một người bạn gọi điện cho một trung tâm điện máy đặt mua online một chiếc TV to đùng trị giá trên 20 triệu đồng. Mấy tiếng đồng hồ sau, anh ta đã có thể ngồi rung đùi coi thể thao trên chiếc màn hình TV UHD cong bự chà bá kia.

CÓ TỪ LÂU, GIỜ MỚI TỚI THỜI

e-commerce-2

Từ điển bách khoa online Wikipedia giải thích: “Thương mại điện tử (electronic commerce), hay còn gọi là e-commerce, e-comm, là sự mua bán sản phẩm hay dịch vụ trên các hệ thống điện tử như Internet và các mạng máy tính.” Ở Việt Nam còn có thêm loại hình mua hàng hay gọi dịch vụ qua điện thoại và tin nhắn nữa.

Theo Business News Daily, thương mại điện tử được giới thiệu lần đầu tiên hồi thập niên 1960 thông qua hình thức trao đổi dữ liệu điện tử (electronic data interchange, EDI) trên các mạng giá trị gia tăng (value-added network, VAN). Thương mại điện tử phát triển theo mức độ phổ dụng của Internet. Các nhà bán hàng online quen thuộc bắt đầu xuất hiện hồi thập niên 1990 và đầu thập niên 2000. Như Amazon, hiện là nhà bán lẻ online lớn nhất thế giới, khởi nghiệp với dịch vụ bán sách online trong garage nhà ông chủ Jeff Bezos hồi năm 1995. Cũng năm đó, eBay giới thiệu dịch vụ bán đấu giá online nổi tiếng của mình.

Thương mại điện tử thật sự bùng nổ và vào thời của mình khi nền tảng di động và các mạng xã hội phát triển thành “một phần tất yếu của cuộc sống”. Giới chuyên môn nhận định rằng với sự nổi lên của các mạng như Facebook và Pinterest, mạng xã hội đã trở thành một sự truyền động quan trọng cho thương mại điện tử. Theo số liệu của dịch vụ thanh toán online Paymill, mạng truyền thông xã hội Facebook (hồi tháng 3-2016 có 1,65 tỷ người dùng thực tế hàng tháng) vào năm 2014 đã góp phần tạo ra tới 85% doanh số bán hàng có xuất xứ mạng xã hội trên nền tảng thương mại điện tử Shopify.

Cổng thống kê online Statista cho biết vào năm 2013, doanh số thương mại điện tử trên thế giới đã đạt được 1.200 tỷ USD, trong đó riêng mảng bán hàng qua di động ở Mỹ đã đạt 38 tỷ USD. Hơn 40% số người dùng Internet (tổng cộng hiện khoảng 1 tỷ người) đã có mua hàng online. Giới phân tích dự báo các con số này đang tiếp tục tăng vọt khi người dùng Internet và di động ngày càng mở rộng ở Mỹ và các thị trường đang phát triển trên thế giới.

Thương mại điện tử hiện có 4 loại hình: B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp, như từ nhà sản xuất tới nhà phân phối hay nhà bán sỉ tới nhà bán lẻ), B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng, như Amazon), C2B (người tiêu dùng tới doanh nghiệp, như Elance), và C2C (người tiêu dùng tới người tiêu dùng, như Craigslist, eBay, Etsy).

MUA HÀNG ONLINE, THANH TOÁN OFFLINE

Vào các hệ thống thương mại điện tử cỡ lớn và có quy mô quốc tế như Amazon, BestBuy, eBay,… toàn bộ tiến trình mua bán và giao nhận đều diễn ra online. Hôm rồi ở Houston (Texas, Mỹ), đang chạy xe trên đường thì mấy đứa cháu hỏi tôi muốn uống cà phê Starbucks loại gì, và sau đó bấm nhoay nhoáy trên chiếc smartphone. Lát sau, xe quẹo vào một quán Starbucks, nhưng thay vì vào bãi đậu xe lại chạy theo một lối đi tới điểm dịch vụ drive-thru báo thông tin đặt hàng và nhận những ly cà phê nóng hổi rồi chạy ra đường tiếp tục hành trình. Không hề phải rời khỏi xe. Người mua đã thanh toán online trong quá trình đặt hàng.

Ngay từ thuở thương mại điện tử mới chập chững chào sân Việt Nam, cả người bán lẫn người mua đều hiểu rằng những cái rào cản chính của loại hình mua sắm điện tử này là khâu thanh toán và độ tin cậy của người bán.

Về chuyện thanh toán, người Việt không quen và thậm chí không dám thanh toán qua mạng. Cà thẻ tín dụng tại chỗ mà còn không an tâm huống chi chìa thẻ thanh toán qua mạng.

Giải pháp chuẩn và ngày càng phổ dụng là thanh toán “lai” (hybrid). Người mua có thể thanh toán qua thẻ ngân hàng (tín dụng, ghi nợ, ATM) có hỗ trợ thanh toán online, hay qua một dịch vụ thanh toán online (dạng ngân lượng, ví tiền điện tử, như PayPal), hoặc tiền trao cháo múc (thanh toán tiền mặt khi nhận hàng).

Tất nhiên phổ biến nhất ở Việt Nam là hình thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng. Và khác với ở Mỹ hay nhiều nước khác, dịch vụ chuyển phát hàng (delivery) ở Việt Nam còn phải kiêm thêm nhiệm vụ thu hộ cho người gửi hàng. Như với chiếc TV to đùng mà anh bạn tôi vừa mua online, người giao hàng phải nhận số tiền thanh toán gần 20 triệu đồng. Dĩ nhiên bất trắc nhất vẫn thuộc về nơi bán hàng, nhưng vì kinh doanh thì đành chịu.

Còn chuyện đau đầu nhất chính là lòng tin của người mua hàng. Một phần là do tập quán mua sắm của người Việt là phải mắt thấy, tai nghe, tay chạm trực tiếp mới có thể quyết định mua hay không. Ngay cả lựa tới chọn lui trong cửa hàng mà còn không vừa ý hay ân hận, huống gì chỉ nhìn thấy hình ảnh món hàng trên mạng hay nghe giới thiệu qua điện thoại. Phần chính yếu là ý thức giữ uy tín của người bán hàng qua mạng ở Việt Nam còn rất là… hên xui. Không ít trường hợp mua một đằng, bán một nẻo, hàng khi giao không đúng (hoặc khác hẳn, hoặc chỉ đúng một phần) với hàng đặt mua. Ngay cả mua hàng qua Lazada, một trong những dịch vụ thương mại điện tử hàng đầu ở Việt Nam, người ta cũng còn dính chấu. Chính bản thân tôi 2 lần mua hàng qua Lazada cho tiện lợi, nhưng cả hai lần đều bắt quạu với chất lượng hàng được giao. Mặc dù có cả một quy trình tiếp nhận đăng ký mua hàng và giao nhận chặt chẽ theo chuẩn mực quốc tế, Lazada vẫn bị cái nhược điểm là phụ thuộc vào cung cách kinh doanh của đối tác bán hàng, cũng chính là người trực tiếp đóng gói hàng gửi cho người đặt mua.

Giải pháp cho vấn nạn lòng tin khi mua hàng online ở Việt Nam là nhiều dịch vụ bán chấp nhận cho người mua mở bưu kiện ra kiểm tra hàng rồi mới quyết định nhận và thanh toán hay không. Cách làm này gây phiền cho cả người mua, người giao hàng lẫn người bán.

THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM: ĐẤT LÀNH, ĐẤT DỮ

e-commerce

Việt Nam là một thị trường đầy hấp dẫn, không chỉ là một thị trường mới nổi mà còn là một thị trường lớn. Dân số Việt Nam vào ngày 1-7-2016 là gần 92 triiệu người (đứng thứ 8 ở châu Á và thứ 3 ở Đông Nam Á). Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 50% số dân tiếp cận Internet và đứng hàng đầu về sử dụng điện thoại di động (dự báo tới năm 2020 có tới 80% người Việt có điện thoại di động).

Theo số liệu của Google, xu hướng mua bán online, đặc biệt là qua di động, ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Trước khi mua món hàng nào, có tới 70% khách hàng lên mạng tìm kiếm thông tin và giá cả, và ngay khi đang ở trong cửa hàng, có 82% khách hàng dùng điện thoại di động để quyết định coi sẽ mua cái gì.

Mặc dù hiện nay mới có khoảng 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ có website hỗ trợ mua bán online, nhưng số cửa hàng online ở Việt Nam nhiều như nấm sau mưa. Hầu hết là của dân khởi nghiệp. Ngày nay, chỉ cần có nguồn hàng hay ý tưởng kinh doanh, bạn có thể vào đăng ký một “sạp” (tài khoản) trên một trong vô số các “chợ online”. Có những dự án hỗ trợ khởi nghiệp giúp người dùng mở những cửa hàng online dễ dàng, nhanh chóng và với chi phí thấp.

Nhưng bản thân kinh doanh trên mạng vốn khốc liệt, trong thực tế thị trường Việt Nam, làm ăn online còn kinh khủng hơn nhiều. Số cửa hàng online mở nhiều nhưng nhanh chóng đóng cửa cũng chẳng hề ít. Sức cạnh tranh thật khắc nghiệt. Hành lang pháp lý cũng còn nhiều bất cập mà phần thua thiệt chia đều cho cả người mua lẫn kẻ bán. Gần đây, người ta đang tranh luận về Điều 292 của bộ Luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 với tội “cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông” có thể trở thành rào cản lớn với những người khởi nghiệp kinh doanh online.

Cần phải có nhiều nghiên cứu sâu rộng mới có thể tìm ra được gốc rễ những căn bệnh của thương mại điện tử Việt Nam. Ngay cả một số “đại gia” cũng chịu đời không thấu mà đành ôm đầu máu bỏ cuộc chơi. Nạn nhân “có số má” mới nhất là dịch vụ thương mại điện tử Lingo mà từ ngày 2-8-2016 người ta đã không còn có thể truy cập vào website này nữa. Thành lập năm 2014 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, Lingo đã có 2 năm đầu tiên liên tiếp vượt mục tiêu doanh thu nhưng cũng đồng thời vượt mục tiêu lỗ để rồi phải đóng cửa sau 2 năm với khoản lỗ nghe nói tới 105 tỷ đồng.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks

+ Co thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 7-8-2016 và trên báo Pháp Luật TP Online

160807-baibao-phapluattp-2_resize