Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Cuồng công nghệ là hết tiêu dùng thông minh

 

Bộ đôi smartphone iPhone 7 và iPhone 7 Plus chưa kịp ra mắt ở Mỹ đã có mặt ở Việt Nam. Ngày 5-9-2016, tức hai ngày trước khi hãng Apple ra mắt bộ đôi iPhone thế hệ mới này, cộng đồng iFan và giới yêu công nghệ ở Việt Nam đã nóng lên với chuyện ông chủ hệ thống cửa hàng điện thoại Phongee ở TP.HCM qua đường nào đó đã đem được về Việt Nam 5 chiếc iPhone 7 phiên bản thử nghiệm dành cho giới kỹ thuật.

Tin tức rộ lên trên các hệ thống truyền thông đại chúng, và ngay sau đó có tin nói rằng những chiếc iPhone 7 không chính thức này đã được bán cho những người “cuồng táo mẻ” mà “nhà có điều kiện” với giá tới 99 triệu đồng một chiếc. Phongee bảo đảm rằng sau khi có bản thương mại chính thức, nếu khách hàng có yêu cầu, cửa hàng sẽ đổi lại cho họ chiếc máy hoàn chỉnh và hưởng chế độ bảo hành bình thường.

Nghề chơi nào cũng lắm công phu. Và còn tốn kém nữa. Cái giá 99 triệu đồng cho chiếc iPhone 7 dung lượng 128GB chưa hoàn chỉnh đó quả là một trời một vực so với mức giá chính thức mà Apple công bố trong ngày ra mắt 7-9 là 769 USD (khoảng 17,2 triệu đồng).

Rồi sau khi Apple bắt đầu đưa bộ đôi iPhone 7 ra thị trường (từ ngày 16-9-2016) lần lượt tại một số thị trường, ở Việt Nam đã có ngay những chiếc iPhone 7 mang về từ nước ngoài và được bán với giá cao gần 38 triệu đồng. Nhưng thị trường đã nhanh chóng rơi vào cơn loạn giá iPhone 7 được giới thiệu là hàng xách tay, với nhiều mức giá khác nhau, từ 18 triệu đồng trở lên.

Như vậy, xét về kinh tế, chỉ mới sau ít ngày, những người mua iPhone 7 đầu tiên đã bị lỗ thê thảm. Đó chính là cái giá cho những người muốn có được cái cảm giác mình là người đầu tiên được sở hữu một sản phẩm hot, sản phẩm đỉnh mới nào. Ngoại trừ một số ít những người muốn khoe tiền, khoe đẳng cấp, còn thì với dân mê công nghệ nói chung và “cuồng si Apple” nói riêng, cái cảm giác được là người đầu tiên sở hữu “thần tượng” quả là rất phiêu linh và choáng ngợp, khó thể diễn tả được. Có chăng là giống như lúc “con ong đã tỏ đường đi lối về”.

Có thế nói rằng một phần do lối sống của người Việt (cũng có thể là của người châu Á), phần khác – là chủ yếu – bởi thị trường Việt Nam chỉ được phân phối hầu hết sản phẩm high-end mới sau những thị trường khác. Bởi vậy mới có chuyện người ta phải chấp nhận trả giá đắt và cực đắt cho “cái sự sung sướng là người đầu tiên” đó. Ở những nước khác, nếu muốn có cái cảm giác đó, người ta chỉ cần chịu khó sắp hàng – dù có khi phải chờ mấy ngày mấy đêm liền – để có thể mua hàng với giá chính thức.

Còn nhớ hồi cuối năm 2011, hãng Sharp đem về Việt Nam những chiếc TV màn hình rộng 70 inch đầu tiên, chỉ có độ phân giải Full HD thôi nhưng có giá bán gần 100 triệu đồng. Tôi tỏ vẻ băn khoăn liệu có bao nhiêu người ở Việt Nam có thể mua với giá đó. Anh bạn làm kinh doanh ở Sharp nói rằng hơn 100 chiếc đợt đầu đã được một cửa hàng chuyên bán hàng âm thanh cao cấp ở Hà Nội đặt mua hết. Thì ra trong bối cảnh thị trường nhà nhà giảm giá, người người khuyến mãi, thay vì giảm giá sản phẩm có thể ảnh hưởng xấu tới đẳng cấp của sản phẩm và không được những người sở hữu sản phẩm đó thích, cửa hàng đã “giảm giá đường vòng” bằng cách tặng cho người mua giàn âm thanh bạc tỷ một chiếc TV 70 inch giá trăm triệu.

Sáng 1-10-2016 vào trang Web của siêu thị điện máy Chợ Lớn (TP.HCM), tôi thấy chiếc Smart Tivi LED 3D LG Super Ultra HD 5K 105UC9T màn hình cong đã được giảm giá từ… 2 tỷ đồng xuống còn 1.999.000.064 đồng. Samsung cũng có những chiếc TV bạc tỷ như vậy. Ở siêu thị điện máy Nguyễn Kim trên đường Trần Hưng Đạo (TP.HCM), ông đi qua bà đi lại ắt bị hớp hồn trước chiếc TV to đùng, dài thòng của Samsung đề giá khoảng 3 tỷ đồng. Ngay từ năm 2013, chiếc TV 4K 110 inch của Samsung đã có giá tới 152.000 USD (khoảng 3,5 tỷ đồng). Nhưng hãng Panasonic còn bán 1 chiếc TV 4K 152 inch với giá 500.000 USD (khoảng 11,2 tỷ đồng). Và nhà vô địch trong các nhà vô địch là chiếc TV 201 inch của hãng C Seed có giá tới 655.000 đồng (hơn 14,5 tỷ đồng).

edf

Chiếc TV UHD 5K 105 inch của hang LG với giá 1.999.000.000 đồng bày bán tại một siêu thị ở TP.HCM tháng 7-2016. (Ảnh: PHP)

Bạn vào hệ thống cửa hàng Mai Nguyên Luxury Mobile đi, sẽ thấy có bày bán những chiếc smartphone Mobiado có giá tới 125 triệu đồng.

Có lẽ trong giới chơi hàng công nghệ high-end, tốn kém nhất là những “audiophile” (dân chơi âm thanh hi-fi). Chỉ một sợi dây loa thôi cũng bằng giá cả một căn hộ rồi.

Một anh bạn đồng nghiệp làm báo công nghệ với tôi vừa là một “audiophile”, vừa là nhà nghiên cứu âm nhạc có lần kể rằng hồi năm 2006, anh đã gặp được một dân chơi âm nhạc “thứ xịn” ở Hà Nội có dàn âm thanh trị giá khoảng 2 tỷ đồng. Nhưng như vậy cũng chỉ vào hạng “tép riu” so với một tay chơi “khủng” mà anh gặp tại Saigon năm 2012. Nội dàn âm thanh mà ông này đem đi triển lãm thôi cũng đã trị giá 200.000 USD (gần 4,5 tỷ đồng). Còn các thiết bị âm thanh mà ông này trang bị cho phòng nghe ở biệt thự của mình trị giá nhiều chục tỷ đồng. Này nhé, ông có một cặp loa với giá 2,5 tỷ đồng. Còn các đầu phát, thiết bị âm thanh thì đổ đồng mỗi cái cũng có giá khoảng 2 tỷ đồng. Có một bộ dây loa giá tới khoảng 1 tỷ đồng. Ông có hàng chục sợi dây tín hiệu mà mỗi sợi giá hàng chục ngàn USD.

Vậy thì phải chăng giá càng đắt thì chất lượng càng cao? Thật sự ông bà ta nói tiền nào của nấy cấm có sai chỗ nào. Nhưng thực tế thì có rất nhiều trường hợp, dân chơi phải trả thêm rất nhiều tiền cho cái thương hiệu của sản phẩm. Đó là chưa kể trong những tình huống “triệt buộc” như trong vụ mua sớm iPhone 7 mới đây.

Ngoại trừ những người mua hàng giá cực đắt chỉ để lấy tiếng, để khẳng định đẳng cấp (cũng chính đáng thôi khi họ có thu nhập cao), hay thậm chí chơi ngông, còn lại thì hoặc là dân cuồng công nghệ, hoặc là người chơi công nghệ. Với dân cuồng công nghệ thì đúng là “dân chơi há sợ mưa rơi”, ẵm được một “cục cưng khát vọng” về nhà rồi dù trước mắt có phải ăn mì gói thay cơm cũng cam lòng. Còn với người chơi công nghệ thật sự, họ chơi nhưng luôn biết cân nhắc các khoản đầu tư của mình. Họ biết mình cần gì, đặt ra mục tiêu của mình rồi thiệt là thông minh mà tìm kiếm trên thị trường những giải pháp tối ưu nhất để “lên đỉnh”. Chơi công nghệ như vậy thì mới bền lâu, nhất là trong thời đại công nghệ mới ra tới tấp hoa cả mắt, cái sau hấp dẫn hơn cái trước.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Bạn có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 2-10-2016 và trên báo Pháp Luật TP Online

161002-baibao-phapluattp-02_resize