Thứ Sáu ngày 24 tháng 1 năm 2025

Sau Brexit là Trenter

Election 2016 with USA Flag in Map Silhouette Illustration

Election 2016 with USA Flag in Map Silhouette Illustration

 

Đó là lý do mà tôi xưa nay chớ hề dám cười ai, bởi luôn nhớ câu ông bà mình dạy: cười người hôm trước, hôm sau người cười.

– Hồi giữa năm 2016, người Mỹ cười người Anh ở bên kia bờ Đại Tây Dương sau khi có 52% số cử tri Anh trong cuộc trưng cầu ý dân tháng 6-2016 bở phiếu đồng ý cho Anh tách ra khỏi Liên minh châu Âu EU gồm 28 nước châu Âu mà Vương quốc Anh gia nhập ngày 1-1-1973. Người ta gọi sự kiện lịch sử chấn động địa cầu đó là Brexit (Britain Exit). Ngay sau khi có kết quả, cả nước Anh rối loạn, nóng bừng bừng, vì những người không đồng ý đã nổi giận. Ngay cả không ít người lỡ bỏ phiếu thuận cũng giựt mình hối hận. Nhiều người nói mình bị nhóm chính trị gia cực đoan lừa. Nhưng rồi bút sa gà chết.

– Bây giờ, tới lượt người Anh ở bên kia Đại Tây Dương cười lại người Mỹ sau khi 47,4% cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 8-11-2016 đã bỏ phiếu bầu ông Donald Trump, ứng cử viên của đảng Cộng hòa vốn gây nhiều tranh cãi. Do phương thức bầu cử dân chủ gián tiếp thông qua hệ thống đoàn đại cử tri (Electoral Vote), bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ dù có nhiều phiếu cử tri phổ thông (Popular Vote) hơn (được 47,7% cử tri bầu), nhưng do thua số phiếu đại cử tri nên thất bại.

Tôi gọi đây là vụ Trenter (Trump Enter).

Ngay sau khi ông Trump được công bố là Tổng thống đắc cử, nước Mỹ đã rơi vào tình trạng nóng bỏng, rối tung như ở Anh sau vụ Brexit. Nhiều vụ biểu tình chống ông Trump đã nổ ra. Những người không hài lòng với ông Trump còn sôi máu hơn khi những thế lực bảo thủ, kỳ thị chủng tộc, chống đồng tính LGBT, bài ngoại,… hớn hở ra mặt. Tội cho ông Trump bị thêm người ghét khi những tổ chức KKK phân biệt chủng tộc khét tiếng thời nô lệ đã tưng bừng diễu hành mừng chiến thắng của người mà họ gọi là “soái ca”. Theo số liệu của Southern Poverty Law Center năm 2015, Ku Klux Klan (KKK) là tổ chức căm thù đang hoạt động (Active Hate Groups) ở Mỹ có số lượng nhóm nhiều nhất.

active-hate-gruops-usa

Thậm chí đã có những người lo ngại do bị bệnh tim, ông Trump có thể không đợi tới ngày tuyên thệ nhậm chức 20-1-2017 được.

Bởi lo ngại gặp rắc rối chuyện này mà Tu chính án số 20 (năm 1933) đã kéo thời điểm nhậm chức của tổng thống đắc cử từ tháng 3 lên tháng 1. Trước ngày làm lễ nhậm chức, nếu tổng thống đắc cử vì lý do gì đó không nhậm chức được, phó tổng thống đắc cử sẽ thay. Nếu người này cũng không thể thì quốc hội sẽ chọn tổng thống mới. Ở Mỹ, phó tổng thống cũng đương nhiên là chủ tịch thượng viện.

Về lý thuyết, ông Trump vẫn chưa được bầu chính thức. Vì phải tới ngày thứ Hai (Monday) đầu tiên (first) sau thứ Tư (Wednesday) thứ 2 (second) của tháng 12, các đại cử tri mới tiến hành bầu tổng thống và phó tổng thống bằng những lá phiếu riêng rẽ. Năm nay là ngày 19-12. Đó mới chính là ngày phán xét chung thẩm. Ngày 6-1-2017 Quốc hội mới phê duyệt kết quả bầu của Đoàn đại cử tri và mới công bố kết quả chính thức.

Do hiến pháp không bắt buộc đại cử tri phải bầu cho ứng cử viên mình đã hứa trước đây, nên về lý thuyết, bà Clinton vẫn có thể được bầu làm tổng thống vào phút thứ 89. Tuy nhiên thực tế trong lịch sử Hoa Kỳ có hơn 99% đại cử tri giữ lời hứa với cử tri. Hiện trên Internet đang có những cuộc vận động ký thỉnh nguyện thư Change.org petition đề nghị các đại cử tri nghĩ lại. Họ viện lẽ bà Clinton có số phiếu phổ thông cao hơn (hiện là 400.000 phiếu), nghĩa là được nhiều cử tri chọn hơn. Tính tới ngày 11-11-2016 có hơn 1,5 triệu người đã ký tên vào thỉnh nguyện thư. Mục tiêu là đạt 4,5 triệu chữ ký.

Theo số liệu kiểm phiếu mới nhất do CBS News,  CNN và NBC News đưa tin ngày 11-11-2016, tổng số phiếu phổ thông của bà Clinton là 60.467.245 phiếu, so với  60.071.650 phiếu của ông Trump (chênh lệch 395.595 phiếu). Nhưng nếu tính số phiếu đại cử tri, ông Trump được 290 phiếu so với 228 phiếu của bà Clinton (theo luật, người đạt 270 phiếu là chiến thắng).

Trong tổng số 50 bang của Mỹ, có 28 bang đã thông qua luật ràng buộc (binding) đại cử tri với cam kết ban đầu của họ với cử tri. Nhưng hầu hết quy định đại cử tri nào “trở cờ” vào phút chót sẽ chỉ bị “phạt” (fine). Còn 22 bang khác thì “vô tư” đi, chấp nhận “quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói lại là quân tử khôn”.

PALM BEACH, FL: Newlyweds Donald Trump Sr. and Melania Trump with Hillary Rodham Clinton and Bill Clinton at their reception held at The Mar-a-Lago Club in January 22, 2005 in Palm Beach, Florida. (Photo by Maring Photography/Getty Images/Contour by Getty Images)

PALM BEACH, FL: Newlyweds Donald Trump Sr. and Melania Trump with Hillary Rodham Clinton and Bill Clinton at their reception held at The Mar-a-Lago Club in January 22, 2005 in Palm Beach, Florida. (Photo by Maring Photography/Getty Images/Contour by Getty Images)

Tuy nhiên, nói thì nói cho cạn lẽ, mang tính lý thuyết thôi. Thực tế khó xảy ra một cú đảo chiều ngoạn mục. Trong 100 năm qua, chỉ có 9 đại cử tri “trở cờ”. Nếu chỉ tính với 290 phiếu đại cử tri ở trên, cần phải có tới 21 người “trở cờ” thì ông Trump mới “thất thủ”. Trong khi đó, bà Clinton phải có thêm 42 phiếu đại cử tri nữa mới đủ 270 phiếu. Tình thế lại càng có lợi cho ông Trump khi theo trang Vox Media (11-11-2016), trong tổng số 538 đại cử tri năm nay, có tới 306 người thuộc đảng Cộng hòa và 232 người thuộc đảng Dân chủ. Sở dĩ có 2 con số chênh lệch này là tính trường hợp kết quả kiểm phiếu cuối cùng ở bang Michigan (16 phiếu đại cử tri) nghiêng về ông Trump và ở bang New Hampshire (4 phiếu) thuộc về bà Clinton.

Xưa nay thế giới vẫn quen nói ở Mỹ cái gì cũng có thể “may be” xảy ra. Thôi thì cứ để người Mỹ tự quyết định công chuyện của mình. Nhưng khó nói việc bầu cử tổng thống Mỹ là công việc nội bộ của người Mỹ chừng nào họ vẫn muốn nước Mỹ ở vị trí cường quốc số 1 thế giới, có ảnh hưởng tới toàn cầu.

Tôi mới tình cờ coi trên mạng YouTube một video clip nói về phản ứng của trẻ em Mỹ đối với hai ứng cử viên tổng thống lần này. Clip này được thực hiện trong mùa tranh cử ở giai đoạn các ứng cử viên tranh luận với nhau trên truyền hình trực tiếp. Có phụ đề tiếng Việt. Tôi nghĩ nó cũng giúp lý giải phần nào tâm trạng và thái độ của người Mỹ hiện nay:

PHẠM HỒNG PHƯỚC