Thứ Sáu ngày 15 tháng 11 năm 2024

Lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump không còn áp dụng với người có thẻ xanh

 

Tổng thống Doanld Trump và sắc lệnh xiết chat về nhập cảnh đối với người Hồi giáo mà ông vửa ký ngày 27-1-2017.

 

Vào cuối ngày Chủ nhật 29-1-2017, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã “nói lại cho rõ” là sắc lệnh tạm thời cấm công dân 7 nước có người Hồi giáo chiếm đa số (Muslim-majority country) nhập cảnh Mỹ mà ông Trump đã ký ngày 27-1-2017 sẽ không được áp dụng đối với những thường trú nhân đang có thẻ xanh hợp pháp (green-card) do Mỹ cấp. Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly đã nói rõ như vậy trong một thông cáo. Báo giới nhận xét đây là một bước lùi, một sự nhượng bộ của Nhà Trắng sau khi sắc lệnh này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trong nước Mỹ cũng như trong cộng đồng quốc tế.

Thông báo của Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ được công bố chỉ vài giờ sau khi Reince Priebus, Chánh văn phòng Nhà Trắng, nói trong chương trình “Meet the Press” (Gặp gỡ báo chi) trên kênh truyền hình NBC khẳng định lệnh hành pháp của Tổng thống Trump này sẽ không được áp dụng với các thường trú nhân hợp pháp (permanent resident).

Reince Priebus, Chánh văn phòng Nhà Trắng

Trước đó, các thẩm phán Liên bang tại Boston (bang Massachusetts), đã phán q uyết rằng các nhân viên xuất nhập cảnh Mỹ không thể giữ lại không cho nhập cảnh các thường trú nhân hay bất cứ ai có visa Mỹ đang còn hiệu lực. Có tới 16 thẩm phán đã ra những phán quyết ngăn chặn tạm thời một phần việc thực thi sắc lệnh của Tổng thống Trump. Tội nghiệp, các viên chức chính phủ một cổ 2 tròng: họ phải tuân thủ các lệnh tư pháp của tòa án, nhưng đồng thời cũng phải tìm cách để không trái lệnh hành pháp của Tổng thống.

Theo sắc lệnh “Bảo vệ quốc gia khỏi bọn khủng bố nước ngoài vào Mỹ” (Protecting the Nation From Foreign Terrorist Entry Into The United States), các công dân thuộc 7 nước có đa số dân là người Hồi giáo bị cho là có nguy cơ cao về khủng bố gồm Syria, Iraq, Iran, Sudan, Somalia, Yemen và Libya bị tạm cấm vào Mỹ trong vòng 90 ngày tới. Mỹ cũng tạm dừng cấp và thi hành visa tị nạn tái định cư cho công dân các nước trên thế giới trong 120 ngày để chấn chỉnh lại quy trình.

Trong số các nước có người Hồi giáo chiếm đa số này, các nước màu đỏ vừa bị cấm nhập cảnh Mỹ, còn các nước màu vàng có các mối quan hệ làm ăn với Mỹ và gia đình ông Trump.

Ngay sau khi sắc lệnh ngày 27-1-2017 của Tổng thống Trump có hiệu lực, các sân bay quốc tế ở Mỹ bị náo động với hàng trăm người kéo biểu tình phản đối. Đặc biệt là gia đình của những người đột ngột không được trở lại Mỹ cho dù đang có thẻ xanh. Tất nhiên đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp là các công dân 7 nước kia cho dù đang có visa hợp pháp, kể cả visa tái định cư đoàn tụ gia đình. Hơn một trăm người đã bị chặn tại ga đến của các sân bay quốc tế ở Mỹ. Phần lớn bị nhà chức trách Mỹ trục xuất phải đáp máy bay quay về nơi xuất phát.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer cho biết, trong ngày 28-1, có khoảng 325.000 khách nước ngoài đến Mỹ. Có 109 người trong số này đã bị từ chối cho nhập cảnh vì lệnh cấm mới.

Các sân bay quốc tế trên thế giới cũng bị xáo trộn do phải sàng lọc, từ chối cho đáp các chuyến bay đến Mỹ đối với các hành khách có passport 7 nước bị Mỹ cấm nhập cảnh. Ngay cả các hãng hàng không có chuyến bay đến Mỹ cũng phải thay đổi các phi công và nhân viên phi hành là đối tượng của lệnh cấm mới bất ngờ này.

Cho tới nay, những người tị nạn tái định cư đã được chính quyền Mỹ cấp thị thực nhập cảnh trước khi Tổng thống Trump ký lệnh cấm (theo nguyên tắc là không được hồi tố đối với thời gian trước đó) vẫn bị chặn lại ở các cửa khẩu tới Mỹ.

Có hai phán quyết của tòa án đặt vấn đề là liệu Tổng thống Trump có thể dùng lệnh hành pháp của mình để phủ nhận các văn bản nhập cư có giá trị do chính nhà chức trách Mỹ cấp, bởi lẽ các nhiệm kỳ chính quyền phải là sự kế tục nhau.

Các sân bay cho tới ngày 29-1-2017 vẫn đang ở đầu sóng ngọn gió. Các đám đông vẫn tập trung tại các sân bay quốc tế ở Miami, Dallas, Cleveland, Charlotte, N.C., New York, Washington, San Francisco và Chicago để phản đối. Cả hai phía đều căng thẳng. Becca Heller, Giám đốc Dự án Trợ giúp Người tị nạn Quốc tế (IRAP), cho biết: “Các giới chức xuất nhập cảnh cuối cùng đã ngừng nói chuyện với chúng tôi. Họ kêu chúng tôi muốn gì cứ gọi điện thẳng cho Tổng thống Trump.”

Đám đông biểu tình phản đối tại Terminal 4 ở Sân bay JFK ở New York ngày 28-1-2017.

Hàng ngàn người biểu tình phản đối cũng đã tập trung bên ngoài Nhà Trắng trong khi hàng trăm người khác hô vang khẩu hiệu phản đối phong tỏa lối vào Trump Hotel của gia đình ông Trump cách Nhà Trắng vài khu phố.

Báo Tribune (30-1-2017) cho biết mặc dù đã mở cửa cho người có thẻ xanh hợp pháp, nhưng Nhà Trắng không có dấu hiệu bỏ cuộc. Tổng thống Trump và Chánh văn phòng Priebus vẫn bác bỏ các cáo buộc rằng sắc lệnh hành pháp của ông Trump là vi phạm Hiến pháp Mỹ. Priebus thậm chí nói rằng danh sách các nước bị cấm nhập cảnh Mỹ có thể còn được mở rộng tới “Pakistan và những nước khác”. Thông cáo của Chánh văn phòng Nhà Trắng nhấn mạnh rằng không có văn bản mới nào từ Nhà Trắng thay đổi những gì Tổng thống Trump đã ký ngày 27-1-2017. Một thông cáo của Tổng thống Trump đưa ra chiều 29-1 nói rằng Mỹ sẽ bắt đầu cấp visa “cho tất cả các nước” sau thời hạn 90 ngày tạm cấm. Ông Trump cũng giải thích: “Chính sách của tôi cũng tương tự như những gì Tổng thống Obama đã làm hồi năm 2011 khi ông ấy cấm cấp visa cho những người tị nạn từ Iraq trong suốt 6 tháng. 7 nước được nêu tên trong sắc lệnh hành pháp của tôi cũng chính là các nước mà Chính quyền của ông Obama đã xác định là các nguồn gốc khủng bố. Xin nói rõ, đây không phải là một lệnh cấm Hồi giáo như giới truyền thông đang dựng chuyện (falsely reporting).”

Ngày Chủ nhật 29-1, Tổng thống Mỹ Trump đã có một cuộc gọi điện dài hơn một giờ từ Nhà Trắng tới Saudi Arabia để nói chuyện với Quốc vương Salman bin Abd al-Aziz Al Saud, trong đó trấn an thế giới Hồi giáo.

Tổng thống Trump ngày 29-1-2017 gọi điện cho Quốc vương Saudi Arabia. Có mặt tronglúc diễn ra cuộc điện đàm đó có Giám đốc Truyền thông Nhà Trắng Sean Spicer và Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn

Trên tài khoản của mình ở mạng truyền thống xã hội Twitter, Tổng thống Trump sáng 29-1-2017 viết: “Bây giờ, đất nước chúng ta cần các biên giới mạnh mẽ và sự xem xét cực độ. Hãy nhìn những gì đang xảy ra trên khắp châu Âu và quả thật trên thế giới – một mớ hỗn độn kinh khủng!”

Vào chiều 29-1, tức 48 giờ sau khi được ông Trump ký ban hành, sắc lệnh cấm nhập cảnh này vẫn chưa được đưa lên website của Nhà Trắng.

Đội của Tổng thống Trump đang cố gắng làm cho công chúng hiểu rõ lệnh tạm cấm nhập cảnh Mỹ đối với 7 nước kia không phải là động thái chống thế giới Hồi giáo. Ban đầu, công chúng đợc trên báo chí hiểu rằng 7 nước đó là những nước có người Hồi giáo chiếm đa số. Điều này gây nhiều thắc mắc và cho thấy rõ ràng lệnh cấm nhằm vào yếu tố Hồi giáo. Theo số liệu năm 2015, thế giới có hơn 1,7 tỷ tín đồ Hồi giáo, chiếm 23,4% số dân toàn cầu. Ngoài 7 nước đã có tên trong danh sách cấm của Tổng thống Trump, còn có nhiều nước khác cũng có số người Hồi giáo chiếm đa số dân như Saudi Arabia (99,9%); Morocco (99,9%); Afganistan (99,8%); Thổ Nhĩ Kỳ (98,6%); Niger (98,3%); Algeria (98,2%); Uzbekistan (96,5%); Pakistan (96,4%); Bangladesh (90%); Indonesia (87,2%); Malaysia (64,1%);… Vì thế, trong chương trình “Face the Nation” (Đối diện quốc gia) của kênh truyền hình CBS, Chánh văn phòng Nhà Trắng Priebus đã phải nói cho rõ rằng 7 nước bị cấm “có thể nhận biết rõ nhất với chủ nghĩa khủng bố đang diễn ra ở các nước đó”.

Có một chi tiết là trong tổng số 19 tên không tặc tham gia cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ không có tên nào thuộc 7 nước bị cấm hiện nay. Chúng gồm 15 tên Saudi Arabia, 2 tên Liên hiệp các tiểu vương quốc Arập Thống nhất UAE, 1 tên Ai Cập và 1 tên Lebanon.

Cũng có nguồn nói rằng không có nước Hồi giáo nào mà công ty của gia đình ông Trump đang làm ăn bị đưa tên vào danh sách bị cấm nhập cảnh này. Người ta nhắc tới khả năng xung đột lợi ích công tư.

Chuyện Chính phủ Mỹ cấm hay hạn chế công dân nước nào nhập cảnh là quyền của một nước có chủ quyền, dựa trên quyền lợi và tình hình cụ thể của Mỹ, miễn là không vi phạm các điều ước quốc tế. Giới bình luận chính trị nói rằng ông Trump đã quá vội vã khi ký ban hành sắc lệnh về nhập cảnh này mà chưa cân nhắc thấu đáo các hệ lụy của nó. Nhiều người nhận xét là phạm vi chi phối của nó quá rộng và có những cái không hiểu được. Lệnh này ắt đã không vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trong nội bộ nước Mỹ nếu như chỉ áp dụng với những trường hợp mới. Cách hiểu và thực thi lệnh có vẻ “truy cùng sát tận” khi xét cả yếu tố là nơi sinh của đối tượng, bất kể người đó hiện đang là công dân nước nào. Và càng gây chuyện khi áp dụng cho cả các thường trú nhân hợp pháp ở Mỹ.  

Có lẽ một trong những điều được nhiều người quan tâm nhất là liệu hành động của Tổng thống Trump như vậy có giúp bảo vệ được người Mỹ tốt hơn hay lại càng mua thêm thù oán từ các thế lực cực đoan, quá khích Hồi giáo? Cho dù người Mỹ có thể được an toàn hơn khi ở trong nước, nhưng họ có thể bất an, gặp nhiều nguy cơ hơn khi đi ra ngoài đất nước.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

Tại sân bay Los Angeles ngày 28-1-2017, những người biểu tình giơ những tấm bảng ghi tên của những người bị giữ lại không cho nhập cảnh Mỹ. Trong đó có một ông 69 tuổi có gia đình sống ở Los Angeles, một nghiên cứu sinh tiến sĩ có thẻ xanh, một nghiên cứu sinh Đại học Harvard,…

Ông Radgoudarzi (giữa) cùng vợ là Susan (trái) và con gái Niloofar (phải) ngày 28-1-2017 đã được nhà chức trách xem xét cho nhập cảnh sau khi quay về Mỹ và bị giữ lại tại Sân bay Quốc tế SFO San Francisco vì lệnh cấm mới.

Hai hành khách nữ Hồi giáo lo sợ ôm nhau khóc khi vừa tới sân bay JFK ngày 28-1-2017.

Một nữ cựu binh phản đối tại sân bay Dallas/Fort Worth International Airport

Đám đông biểu tình ngày 28-1-2017 tại sân bay JFK.

Đám đông biểu tình ngày 28-1-2017 tại sân bay JFK.

Đám đông biểu tình ngày 28-1-2017 tại sân bay JFK.