Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Thành phố thông minh không phải là thành phố máy tính

 

 

Bàn tính đã lâu, và vào năm 2017 ngay từ những ngày đầu, TP.HCM đã cho thấy sự quyết tâm xây dựng TP.HCM trở thành một đô thị thông minh với hàng loạt những công việc cụ thể.

Đầu tháng 3-2017, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp góp ý lần thứ nhất cho Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh. Một tuần sau, UBND TP.HCM tổ chức cuộc gặp gỡ đầu năm với giới công nghệ thông tin và viễn thông (CNTT-VT) với chủ đề “Doanh nghiệp CNTT-VT xây dựng thành phố thông minh, hiện đại”. Trước đó, trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, TP.HCM đã triển khai những giải pháp quản lý thông minh bằng CNTT với những lĩnh vực quốc kế dân sinh như hệ thống giám sát bằng camera an ninh phủ ngày càng rộng khắp vừa bảo đảm an toàn giao thông, vừa bảo vệ an ninh an toàn cho cư dân; ứng dụng CNTT để quản lý nguồn gốc của thực phẩm,…

Cuộc họp góp ý lần thứ nhất về đề án xây dựng TP.HCM ttrở thành đô thị thông minh do UBND TP.HCM tổ chức hồi đầu tháng 3-2017. (Ảnh từ Facebook của Phạm Ngọc Hoa, QTSC).

 

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh rằng TP.HCM xây dựng thành phố thông minh khởi từ nền tảng xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, áp dụng mô hình thành phố thông minh, hiện đại ở các lĩnh vực như thành phố an toàn, các hệ thống y tế thông minh, giao thông thông minh, giáo dục thông minh, những giải pháp về kiểm soát, quản lý công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế… Và Sở Thông tin và Truyền thông đã được UBND TP giao trực tiếp đặt hàng các phần việc cụ thể cho các doanh nghiệp CNTT-VT.

Có thể nói rằng, một mặt thực tế nhận thấy những hiệu quả rất lớn mà việc quản lý và điều hành thành phố bằng công nghệ cao và công nghệ thông minh đem lại, TP.HCM mặt khác cũng thấy nóng ruột. Thế giới, đặc biệt là những quốc gia chung quanh, đang tăng tốc xu thế xây dựng đô thị thông minh. Theo dự báo, đến năm 2025, số đô thị thông minh trên thế giới sẽ tăng từ 21 lên ít nhất 88 thành phố.

Ngay trong đề án ban đầu, TP.HCM đã cho thấy sự đúng đắn và bắt kịp xu thế chung khi biết khai thác 2 thế mạnh công nghệ hiện nay cho nỗ lực xây dựng đô thị thông minh. Một là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (đã bắt đầu từ năm 2011) với đặc trưng là kết hợp các thế giới ảo, thực và vật lý trên nền tảng vạn vật kết nối Internet. Đây chính là thời đại của thực tại ảo VR/AR và trí tuệ nhân tạo AI. Hai là cuộc chuyển đổi công nghệ số (digital tranformation) khi mọi hoạt động của con người được số hóa.

Chúng ta không thể hiểu thành phố thông minh như một thành phố được điện toán hóa, mọi thứ được điều khiển tự động, thậm chí như bắt người máy phục vụ con người. Thực tế, thành phố thông minh là một đô thị hoàn toàn do con người làm chủ vận hành nó dựa trên các nền tảng công nghệ thông minh, một cách thông minh.

Thành phố thông minh phải dựa trên CNTT-VT với kết nối mạng là một thuộc tính. Vì vậy, việc bảo đảm thông tin thông suốt và an toàn, cũng như yêu cầu bảo mật là ưu tiên hàng đầu. Vào trung tuần tháng 3-2017, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo thống nhất việc thành lập Trung tâm An ninh Thông tin TP.HCM (SOC) và đây là một nhánh của đề án xây dựng đô thị thông minh.

Nói cách nào đó, chúng ta có lợi thế là… đi sau (thừa hưởng nhiều kinh nghiệm của các nhà tiên phong) và vào thời điểm có nhiều công nghệ hỗ trợ. Vấn đề còn lại là ở chúng ta có quyết tâm đi hay không và biết vận dụng các thế mạnh như thế nào. Singapore và Taiwan là hai điển hình tốt ở gần bên để tham khảo về diện mạo thành phố thông minh. Tất nhiên, muốn có hiệu quả, thành công và có giá trị lâu dài, đô thị thông minh phải được xây dựng dựa trên và phù hợp với các đặc thù của từng thành phố.

Thực tế những năm qua cho thấy, hễ chịu ứng dụng công nghệ đúng đắn, lĩnh vực nào, công việc nào cũng có thể tạo ra được những thay đổi ấn tượng trong cách hoạt động và đem lại lợi ích cụ thể cho tất cả. Chẳng hạn, từ sau khi áp dụng quy chế mời họp hành và báo cáo qua thư điện tử vào năm 2016 tới nay, chính quyền TP.HCM đã tiết kiệm được cả tỷ đồng chi phí phát hành và chuyển thư theo truyền thống. Các hệ thống camera an ninh và giao thông giúp điều phối hoạt động giao thông tốt hơn và phòng chống tội phạm hữu hiệu hơn.

TP.HCM đã chọn hướng tiếp cận và đột phá đúng khi bắt đầu quá trình xây dựng đô thị thông minh từ và dựa trên việc xây dựng chính quyền điện tử và dịch vụ hành chính công trực tuyến. Không thể gọi là đô thị thông minh khi các hoạt động quản lý và điều hành nó vẫn ở dạng thủ công. Và khi các dịch vụ công được đưa lên mạng, cả cơ quan chức năng lẫn công dân đều hưởng được nhiều lợi ích trực tiếp và gián tiếp. Người dân sẽ có thể chủ động thời gian (thực hiện vào bất cứ thời gian nào tiện nhất), tránh được những tầng nấc trung gian, hạn chế việc phải giao tiếp trực tiếp với nhiều công chức thừa hành (nhờ vậy hạn chế được nguy cơ bị nhũng nhiễu),… Chính nhờ người dân có thể làm các thủ tục hành chính từ bất cứ đâu mà không cần phải trực tiếp tới cơ quan công quyền và có thể làm bất cứ lúc nào, thời gian lao động không bị lãng phí, an toàn giao thông được bảo đảm tốt hơn. Một điều chắc chắn rằng tình trạng tắc nghẽn giao thông, người người đổ ra đường sẽ giảm đáng kể khi người dân có thể ngồi ở nhà lên Internet mà thực hiện được các thủ tục hành chính và các dịch vụ, giao dịch. Thực tế là hiện nay, người dân TP đã có thể mua bán, làm dịch vụ rất đa dạng trên Internet mà không cần phải trực tiếp đến tận nơi.

Từ năm 2006, UBND TP.HCM đã xây dựng mạng thông tin tích hợp trên Internet (HCM CityWeb) và gần đây hình thành được cổng dịch vụ hành chính công Một cửa Điện tử, nơi người dân có thể vào Internet để thực hiện ngày càng nhiều thủ tục hành chính. Người dân có thể nộp hồ sơ qua Internet và nhận kết quả qua trang web, e-mail hay tin nhắn SMS. Với những thủ tục không cần phải trực tiếp đến cơ quan hữu trách, người dân có thể nhận được kết quả qua bưu điện. Còn với những thủ tục cần hồ sơ gốc, người dân chỉ cần đến cơ quan công quyền ở bước cuối cùng. Tất nhiên, qua những thử nghiệm của chúng tôi, những thủ tục hành chính online của TP.HCM vẫn cần được hoàn thiện nhiều hơn.

Không thể đùng một cách là có thể tạo ra được một thành phố thông minh. Đó là một quá trình lâu dài và được hợp lại từ nhiều thành phần, thành tố thông minh riêng rẽ. Có nghĩa là chúng ta phải xây dựng thành phố thông minh ngay từ những lĩnh vực, những bộ phận hợp thành mà không thể chờ đợi cùng một lúc được. Chúng ta đã có vô số bài học đắt tiền về tình trạng mạnh ai nấy làm cuối cùng khi cần thì không tương thích, không thể liên thông được với nhau. Vì thế, trong việc xây dựng đô thị thông minh, chính quyền thành phố cần phải xây dựng cho được một cái khung sườn và chuẩn hóa các thành phần. Các bộ phận và các lãnh vực có thể phát triển theo các mô-đun để có thể ráp vào và kết nối với nhau trong một tổng thể thành phố thông minh. Và cuối cùng thành phố thông minh phải đi kèm với thành phố hiện đại thì mới xứng là một thành phố văn minh.

Tạp chí học thuật Places Journal (Mỹ) chuyên về kiến trúc, phong cảnh và đô thị hóa đã lưu ý khi xây dựng một thành phố thông minh phải nhớ tới cái triết lý “Thành phố không phải là một chiếc máy tính” (A city is not a conpoter). Người ta không thể điều hành thành phố thông minh dựa trên nền tảng dữ liệu và tất cả đều được kết nối Internet. Các học giả Mỹ nhấn mạnh: không nên coi thành phố thông minh giống như một mạng lưới Internet được mở rộng toàn thành phố. Cái quan trọng nhất là xử lý mọi vấn đề đô thị của thành phố một cách thông minh. Internet chỉ có chức năng kết nối. Máy tính là công cụ để xử lý. Con người là chủ thể để điều hành thành phố thông minh phục vụ chính con người. Chỉ có như vậy, thành phố thông minh mới trở thành một đô thị đáng sống, là nơi các cư dân có thể cảm thấy hạnh phúc được sống ở đó.

Khi thành phố bị coi như một chiếc máy tính. (Tranh của Places)

 

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Có thể đọc bài in trên báo Người Lao Động 22-3-2017 và trên báo Người Lao Động Online