Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Có một người Mỹ gốc Việt đang góp phần bảo vệ Hàn Quốc

 

Tình hình Bán đảo Triều Tiên đang sôi sùng sục trong những ngày cuối tháng 8 và tháng 9-2017 này trước tin Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo tầm xa và thử vũ khí hạt nhân. Người ta càng “quan ngại” hơn khi nước Mỹ bây giờ đang được lãnh đạo bởi Tổng thống Donald Trump, một tỷ phú đi làm chính khách tay ngang không phải là người thích đùa và cũng khoái làm những chuyện không ai có thể lường trước được.

Hàn Quốc là một đồng minh đặc biệt của Mỹ ở châu Á. Mối quan hệ chính thức Mỹ- – Hàn được mở rộng từ năm 1950 khi Mỹ giúp xây dựng một nhà nước ở miền nam Triều Tiên sau khi Bán đảo Triều Tiên bị phân chia thành 2 bên Vĩ tuyến 38. Quân đội Mỹ đã chiến đấu bảo vệ Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Năm 1953, Mỹ và Hàn Quốc ký kết thành lập một liên minh quân sự mà họ gọi là “mối quan hệ được tôi luyện bằng máu” (the relationship forged in blood). Và suốt từ đó đến nay, Mỹ luôn duy trì quân đội ở Hàn Quốc làm một công đôi chuyện: vừa bảo vệ đồng minh, vừa có mặt ở châu Á. Kết quả một cuộc thăm dò dư luận do hãng tin BBC thực hiện năm 2014 cho thấy có 58% người Hàn Quốc đánh giá ảnh hưởng của Mỹ với Hàn Quốc là tích cực, có 28% cho là tiêu cực. Còn ở phía Mỹ, có 55% người Mỹ coi chuyện đó là tích cực và 34% coi là tiêu cực.

Cuộc chiến tranh Korean War (1950-1953) với hơn 1,2 triệu người của hai bên bị chết chỉ kết thúc theo cách mọi người tự hiểu. Thực tế là cho tới nay, hai bên Nam và Bắc Triều Tiên chưa hề ký kết hiệp ước hòa bình. Có nghĩa là cả hai nước Cộng hòa Triều Tiên (Republic of Korea) và CHDCND Triều Tiên (Democratic People’s Republic of Korea) vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với nhau.

Điều đáng chú ý là từ tháng 5-2017, người chịu trách nhiệm tác chiến của lực lượng quân đội Mỹ ở Hàn Quốc là một viên tướng người Mỹ gốc Việt 52 tuổi. Đó là thiếu tướng Lương Xuân Việt (Viet X Luong theo cách viết của người Mỹ).

Sinh tại Biên Hòa năm 1965, ông Việt theo cha là một thiếu tá Thủy quân lục chiến VNCH và gia đình đến định cư ở Mỹ năm 1975 khi chưa tròn 10 tuổi. Ông là con trai duy nhất trong gia đình có 8 người con. Năm 1987, sau khi tốt nghiệp cử nhân sinh học (Biological Sciences) và thạc sĩ khoa học quân sự (Master of Military Arts and Science) tại Đại học Nam California (University of Southern California) ở tuổi 22, ông tình nguyện gia nhập quân đội Hoa Kỳ và nhận cấp bậc thiếu úy bộ binh, chức vụ trung đội trưởng. Năm 1993, ông chuyển từ bộ binh sang binh chủng không kỵ (airbone) với chức vụ đại đội trưởng. Ông từng tham gia các chiến dịch của Mỹ ở hải ngoại tại Haiti, Iraq (khi đó là trung tá) và Afghanistan (đại tá).

Ông Việt từng có lần được Trung tâm An ninh và Hợp tác Quốc tế (Center for International Security and Cooperation, CISAC) của Đại học Stanford University mời tới nói chuyện với các học giả về vấn đề những quyết định đạo đức trong chiến đấu (Ethical Decisions in Combat). Và ông đã dẫn chứng những sự kiện xảy ra trong thời gian mình là một đại tá chỉ huy lữ đoàn quân đội Mỹ tham chiến ở Afghanistan (2010-2011). Ở đó ông và đồng đội phải hoạt động trong một môi trường phức tạp mà đơn vị mình phải duy trì cho được một không khí đạo đức trong chiến đấu chống kẻ địch giữa cộng đồng dân cư.

Xin mời xem video:

Đại tá Lương Xuân Việt trong phòng làm việc.

Tháng 8-2014, đương cấp đại tá Sư đoàn phó đặc trách hành quân Sư đoàn 1 Thiết kỵ (1st Cavalry Division), ông Việt được vinh thăng chuẩn tướng, trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên được thăng cấp tướng trong lịch sử quân đội Hoa Kỳ.

Đại tá Lương Xuân Việt (bìa trái) khi còn ở Sư đoàn 1 Thiết kỵ.

Sau ông, có thêm hai người Mỹ gốc Việt nữa được thăng chuẩn tướng Hoa Kỳ là ông Lapthe Chau Flora và ông William Seely III. Trong quân đội Hoa Kỳ còn có một người gốc Việt nữa có nhiều khả năng lên tướng là đại tá Lê Bá Hùng, từng là Hạm trưởng tàu USS Lassen và hiện là một chỉ huy trưởng (Commodore) hải đội thuộc Hạm đội 7 (trước đây quen gọi là Đệ thất hạm đội).

Ngày 25-5-2017, sau khi được Tổng thống Donald Trump đề cử, với chức vụ Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Trung ương của Lục quân Hoa Kỳ (chief of staff at United States Army Central) mà ông nắm giữ từ tháng 8-2016, ông Việt đã được Thương viện Hoa Kỳ chính thức chấp thuận vinh thăng lên cấp thiếu tướng (major general). Trước đó, vào đầu tháng 5-2017, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo rằng chức vụ mới của Tướng Việt sẽ là Quân đoàn phó phụ trách tác chiến của Quân đoàn 8 Quân đội Hoa Kỳ đồn trú ở Hàn Quốc.

Chuẩn tướng Lương Xuân Việt trong buổi chia tay đồng đội để đi nhận nhiệm vụ ở Hàn Quốc.

Theo tạp chí Newsweek, cho đến cuối năm 2016, Mỹ có khoảng 39.000 quân đóng ở Nhật Bản và 23.500 quân tại Hàn Quốc. Lính Mỹ hiện đóng tại 15 căn cứ trên lãnh thổ Hàn Quốc, từ vùng Phi quân sự cho đến các tỉnh phía Nam. Sứ mạng của họ là bảo vệ đồng minh Hàn Quốc và ngăn chặn sự tấn công từ Triều Tiên.

Khi tới dự Đêm Hội ngộ Cựu SVSQ Trừ bị Nam Định, Thủ Đức, Đồng Đế, Long Thành được tổ chức tại Washington DC ngày 20-9-2015, Chuẩn tướng Việt với tư cách một khách mời danh dự đã chia sẻ là ông là một người rất may mắn nên đã sống sót qua những cuộc chiến và trở thành tướng lĩnh của một cường quốc. Ông nói mình luôn nhận thức ông có được như hôm nay là có tới 70% là từ công lao và sự hy sinh của bố mẹ và các đồng đội của mình. Có biết bao nhiêu đồng đội đã đóng góp công trạng và cả xương máu để ông được vinh danh. Và quả là văn võ song toàn khi vị tướng người Mỹ gốc Việt này đã hát tặng các đồng đội của cha mình bài hát Bài Không Tên Số 8 của Vũ Thành An một cách trên cả tuyệt vời.

Tướng Việt luôn tự nhận mình là quân nhân Hoa Kỳ nhưng cũng là “quân nhân VNCH thế hệ thứ hai”. Hồi tháng 5-2016, ông đã chia sẻ với nhà báo David Vergun rằng: “Nhiều người không biết rằng chúng ta mất đi 12 quân nhân Mỹ gốc Việt tại Iraq và Afghanistan. Quân nhân thuộc Lực lượng Đặc nhiệm bị giết tại Iraq đầu tiên là một người Mỹ gốc Việt. Một số họ cũng là cựu binh bị thương. Dù đến với quốc gia này chưa lâu, khi cần bảo vệ tổ quốc, chúng tôi không đóng vai trò thụ động nữa.” Người ta có thể gọi đó là “danh dự 2 tổ quốc”.

Tổ quốc và quê hương. Đó là gánh nặng của những người nhập cư, hiện mang quốc tịch nước này nhưng từng là công dân nước khác. Có lần có người cắc cớ hỏi một viên sĩ quan cấp tá Hải quân Hoa Kỳ gốc Việt rằng ngộ nhỡ xảy ra xung đột giữa Mỹ và Việt Nam thì anh hành xử ra sao. Anh này trả lời rằng: Hoa Kỳ là tổ quốc nên anh có nghĩa vụ phụng sự và bảo vệ. Còn Việt Nam là quê hương, là quê cha đất tổ. Anh ấy quả là đã xác định rõ ràng. Và cũng hàm ý rằng anh sẽ phải cẩn trọng hơn trong mọi mệnh lệnh để có thể dung hòa giữa lý trí và tình cảm. Tất nhiên, ai cũng hiểu và phải hiểu anh là một người lính có nghĩa vụ đầu tiên và lớn nhất là phụng sự tổ quốc và phục tùng thượng cấp. Nhưng nếu lâm vào tình cảnh trớ trêu đó thì đúng là định mệnh mà chẳng ai mong muốn. Và việc cân phân tỏ tường nào có dễ đâu. Tốt cho tất cả là mọi người cùng cầu nguyện và làm hết sức có thể được để bi kịch đó đừng bao giờ xảy ra.

Có một chi tiết: Có một cô giáo của trường trung học của tôi trước 1975 hiện định cư tại bang Colorado (Mỹ) có thể gọi là “bà mai” của Tướng Việt. Lúc đó, ông Việt mới gia nhập Quân đội Hoa Kỳ và đóng ở Colorado. Bây giờ, ông Việt và bà Kim Luong có 3 người con: 1 nữ và 2 nam.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.