Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Truyền hình trước 1975 là như vầy…

 

Bây giờ, ngoài đài truyền hình quốc gia VTV với rất nhiều kênh, mỗi tỉnh thành đều có đài truyền hình riêng với vài ba kênh. Đó là chưa kể các dịch vụ truyền hình cáp. Còn trước năm 1975, ở miền Nam chỉ có Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) hay còn gọi là Đài Truyền hình Sài Gòn với một kênh duy nhất số 9 (THVN9) cùng 4 đài truyền hình địa phương ở  Cần Thơ, Huế, Nha Trang và Quy Nhơn.

Đài THVN9 là đài truyền hình đầu tiên của Việt Nam. Đài thành lập năm 1965 và phát sóng lần đầu tiên vào lúc 18 giờ 58 phút ngày 7-2-1966 với thời lượng 1 giờ (đài truyền hình đầu tiên ở Hà Nội – nay là VTV – phát sóng đầu tiên ngày 7-9-1970). Buổi phát hình cuối cùng kết thúc lúc 23 giờ 58 phút ngày 29-4-1975.

Các buổi phát sóng bắt đầu với nhạc hiệu “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi…” từ bài hát Tiếng Gọi Công Dân (tên mới của bài La Marche des Étudiants – Thanh Niên Hành Khúc do Lưu Hữu Phước sáng tác từ năm 1939 và sau đó có một số tên mới như Tiếng Gọi Thanh Niên,…) và lời chào của xướng ngôn viên: “Đây là Đài Truyền hình Việt Nam, phát hình trên băng tần số 9, xin kính chào quý vị.”

 

Trong năm đầu tiên, THVN9 phát sóng từ trên chiếc máy bay bay vòng vòng trên bầu trời Saigon ở độ cao 3-6km, phủ sóng từ Phan Thiết tới Long An. Có 3 chiếc máy bay C-121 Super Constellation (biệt danh là Blue Eagles) bay truyền phát sóng truyền hình cho hai đài truyền hình Việt Nam và Quân đội Mỹ. Một chiếc C-121 thứ tư chuyên phát sóng âm thanh tiếp âm từ hệ thống 1965 World Series. Tới tháng 10-1966 THVN9 mới bắt đầu phát sóng từ mặt đất sau khi trụ sở đài với tháp ăngetn khổng lồ được xây dựng xong tại số 9 đường Hồng Thập Tự.

THVN9 thuộc Nha Vô tuyến Truyền hình Việt Nam của Việt Nam Cộng hòa. Sau này, nó thuộc Tổng cục Truyền thanh, Truyền hình và Điện ảnh dưới quyền Bộ Dân vận.

Chương trình buổi phát sóng ngày 2-03-1972 của Đài THVN9.

Cùng lúc với đài THVN9, ở miền Nam còn có đài truyền hình của Quân đội Hoa Kỳ phát bằng tiếng Anh, lúc đầu gọi là AFRTS (Armed Forces Radio Television Service), đến năm 1967 thì đổi là AFVN (Armed Forces Vietnam Network), cũng phát từ trên máy bay ở kênh 11. Đài này phục vụ các lực lượng Mỹ ở Việt Nam, chiếu nhiều phim Mỹ, như những bộ phim nhiều tập Combat! (phim chiến tranh thời Chiến tranh thế giới thứ 2), Bonanza (phim cao bồi Viễn Tây), Astro Boy (phim hoạt hình thiếu nhi gốc Nhật),… Người dân ở khu vực Saigon và phụ cận cũng có thể thu được đài Mỹ này bên cạnh các đài Việt Nam.

Về đạo diễn Lê Hoàng Hoa, theo nhiều nguồn tư liệu đang có, ông là Phó giám đốc đầu tiên của Đài THVN9, kiêm Giám đốc sản xuất của đài này. Giám đốc THVN9 đầu tiên là Trung tá Đỗ Việt, cũng là Giám đốc Nha Vô tuyến truyền hình. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đạo, nguyên Phó Tổng giám đốc Samsung Vina, với tư cách là một người bạn vong niên của ông Lê Hoàng Hoa hơn 30 năm cho đến khi đạo diễn điện ảnh này qua đời, ông Lê Hoàng Hoa chính là vị giám đốc đầu tiên của THVN9. Ông Nguyễn Văn Đạo, một người rất am hiểu về truyền hình, ngày 6-1-2018 cho biết: “Ông Hoa có kể là ông không hề muốn làm giám đốc, nhưng ông là người Việt Nam đầu tiên được đào tạo về điện ảnh tại Mỹ nên được giao nhiệm vụ đó. Ông có ra một điều kiện là ký gì thì ký, không ký giấy tờ dính dáng tới tiền bạc. Tôi vừa kiểm chứng lại với Quynh Tran Truc, bà xã của ông Hoa.” Xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Văn Đạo.

Tối qua, tôi tình cờ tìm được một số hình ảnh chụp hậu trường của Đài THVN9 do tác giả Duc xuất bản trên trang Cochinchine-Saigon. Những ảnh tư liệu quý này có lẽ được chụp từ nửa cuối thập niên 1960, từ khi đài mới ra đời. Xin phép các tác giả cho tôi được chia sẻ.

Đạo diễn Lê Hoàng Hoa – Phó giám đốc đầu tiên của THVN9, giám đốc chương trình kiêm quản lý sản xuất của đài – cùng người thư ký tại bàn làm việc của mình.

Hoàng Thị Lệ Hợp, một trong những phát thanh viên hàng đầu của truyền hình Sài Gòn xem lại bản tin trước buổi ghi hình.

Một kỹ thuật viên nữ đang kiểm tra các đoạn phim 35mm Sound Moviola ở phòng chế bản của đài truyền hình Sài Gòn trước khi chuyển đổi về định dạng phim 16mm và tiến hành lồng âm, ngày 23-1-1967.

Trưởng ban hình ảnh, người viết bản tin và thư ký thực hiện các công việc theo sự phân công trong phòng tin tức.

Hai nữ xướng ngôn viên dẫn chương trình sẵn sàng cho buổi ghi hình chương trình thời sự hàng ngày tại phim trường trong lúc một người quay phim kiểm tra lại thiết bị lần cuối.

Cố vấn người Mỹ hướng dẫn kỹ thuật viên trong trường quay chính.

Một kỹ sư kiểm tra máy ghi băng Amplex khi buổi ghi hình cho bản tin hàng đêm sắp kết thúc.

Ông Robert C. Gassert, cố vấn truyền hình Mỹ giám sát kỹ thuật viên Việt Nam khi vận hành máy ghi băng Ampex.

Một kỹ thuật viên xử lý phim 35mm Houston Peerless trong phòng tối để chuẩn bị cho công đoạn biên tập.

Chuyên gia sản xuất chương trình truyền hình người Mỹ Wyndham P. Duncan điều chỉnh chiếc microphone trên cao trong lúc hai diễn viên người Việt mặc đồ cổ trang ngồi trước phông cảnh, trước khi buổi ghi hình bắt đầu.

Biên tập viên âm thanh, đạo diễn hình ảnh và người phụ trách thông tin đang xử lý một bản tin cho buổi phát sắp tới.

Người nữ quản thủ trong thư viện chứa hàng nghìn phim tư liệu đủ mọi thể loại.

Ông Hoàng Thái – người phụ trách trường quay – kiểm tra một máy ghi băng Ampex 1100 trước buổi ghi hình của các bản tin sắp tới.

Thu hình thời sự tại một sự kiện ngoài trời.

Dân Sài Gòn xem truyền hình công cộng tại một chiếc ti-vi nhỏ ở Bến Bạch Đằng.

Một tiệm bán TV.

TV thùng trước 1975.

Một người lính Mỹ đang nhìn một phụ nữ Việt Nam vác một chiếc TV năm 1968.

Xin mời xem video: