Thứ Sáu ngày 15 tháng 11 năm 2024

Lễ Lá vào tuần Phục sinh

Chúa nhật 25-3-2018 là ngày Chúa nhật lễ Lá (Palm Sunday) của người theo Thiên chúa giáo. Còn với quảng đại công chúng, đây là ngày thứ 84 của năm 2018, có nghĩa còn 281 ngày nữa là chúng ta lại vui mừng Happy New Year chào năm 2019.

Với tín đồ Thiên chúa giáo, lễ Lá – ngày thứ 40 của mùa Chay (Lent) kéo dài 46 ngày – bắt đầu vào tuần Thánh (Holy Week) mà sẽ kết thúc bằng Tam nhật Vượt qua với các ngày quan trọng nhất là thứ Năm Tuần Thánh (Holy Thursday) có nghi thức Rửa chân sau bữa Tiệc ly (Last Supper), thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday) có nghi thức hôn chân Chúa, thứ Bảy vọng Phục sinh (Easter Vigil) có các nghi thức làm phép lửa và nước mừng Chúa phục sinh để cuối cùng là Chúa nhật Phục sinh (Easter Sunday).

Lễ Lá tái dựng lại sự kiện Chúa Jesus cỡi lừa vào Thành Jerusalem trong sự đón mừng hoan hỉ của người dân, họ quăng những chiếc áo choàng ra lót đường cho Ngài và vẫy những nhành lá cọ chào mừng. Sự nghiệt ngã và trớ trêu là chẳng mấy ngày sau đó, chính họ đã kiên quyết yêu cầu quan Tổng trấn Pontius Pilate tha cho tên tội phạm Barabbas và nhất quyết đóng đinh Chúa Jesus trên thập giá. Trong khi vị quan cai quản thành của Đế chế La Mã tuyên bố: “Tôi vô tội về máu của người này” (I am innocent of this man’s blood) thì đám đông hùa nhau hò reo như lên đồng: “Máu ông ta sẽ đổ lên chúng tôi và con cháu chúng tôi” (His blood is on us and on our children!)

Phục sinh là mầu nhiệm lớn nhất và quan trọng nhất, là cột trụ của Đức tin Thiên chúa giáo. Bởi nếu như Chúa Jesus chỉ hy sinh và chết đi vì tội lội loài người thì Ngài cũng chỉ là một vị thánh, hay cho dù là một người cứu độ. Chỉ có việc Chúa sống lại từ cõi chết mới tạo được sự khác biệt, xác tín Chúa đã chiến thắng sự chết và đem lại cho mọi người niềm hy vọng về cuộc sống đời sau.

Phục sinh là một trong những mầu nhiệm chính của Đức tin Thiên chúa giáo. Mà mầu nhiệm là điều người ta chỉ có thể tin. Bởi đơn giản nếu không có những niềm tin tâm linh như thế, người ta không thể theo bất cứ đạo nào.

Hãy tin tôi đi, trên thế gian này không hề có người nào là vô thần cả. Trong một số trường hợp nhất định, “vô thần” bị vo tròn lại trong cái nghĩa hạn hẹp và bị định hướng là “không theo tôn giáo” nào hết. Mà cho dù vậy thì thực tế cũng chỉ là nói cho… vui lòng nhau mà thôi. Bởi hễ có đi đền chùa miếu mạo, có thờ lạy cúng Phật, cúng thần thánh thì sao có thể là không tin vào bất cứ thần thánh hay tôn giáo nào. Tới đây thì người ta có thể mang máng hiểu ra vấn đề. Chẳng phải “không theo tôn giáo nào hết” mà chính xác là “không theo tôn giáo nào đó”. Ôi chữ nghĩa Việt Nam thiệt là thần thái.

Thôi, khó quá bỏ qua đi. Miễn là còn tin vào thần thánh, vào luật nhân quả, vào kiếp sau thì người ta vẫn có những ranh giới, những cái phao để cho khỏi buông thả mà bị lạc trôi. Phúc đúc cho tất cả là ở chỗ đó.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Chúa nhật lễ Lá 2018 tại Nhà thờ Bắc Hà (Q.10).