Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2024

Vậy là em đã dứt áo ra đi thiệt rồi, bớ Uber…

 

 

Từ 0g sáng thứ Hai 9.4.2018, ứng dụng đặt xe Uber chính thức cắt đứt dây chuông ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác (ngoại trừ ở Singapore được gia hạn một tuần tới 15.4).

Khi mở Uber, bạn không còn nhìn thấy những icon hình xe hơi, xe gắn máy ngược xuôi quanh khu vực mình đang có mặt. Chỉ có bản đồ Google Maps trắng. Khi thử chọn điểm đến, bạn sẽ thấy thông báo tiếng Anh “Đáng tiếc, Uber hiện thời không hoạt động tại khu vực của bạn.”

Trước đó một ngày, ngày 8.4.2018, Uber hoạt động ngày cuối ở Đông Nam Á, khi mở Uber, người dùng được nhắc cài ứng dụng Grab thay thế và đề nghị đánh giá về Uber.

Vậy là sau gần 4 năm (Uber có mặt tại TP.HCM tháng 6.2014), dịch vụ đặt xe bằng công nghệ của Mỹ này đã rời khỏi Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác sau thương vụ sáp nhập với Grab – đối thủ số 1 của mình. Tôi không thích gọi đó là Uber bán mình. Mà thực chất đây là một chiến lược kinh doanh, một sự tái sắp xếp hoạt động. Bởi Uber và Grab hiện đều có chung những nhà đầu tư lớn nhất và sau khi sáp nhập, CEO của Uber là một thành viên ban lãnh đạo Grab – nơi Uber nắm giữ 27.5% cổ phần sau thương vụ sáp nhập.

Grab – ứng dụng đặt xe công nghệ của Đông Nam Á có mặt tại Việt Nam tháng 2.2014. Nếu không có Uber vượt Thái Bình Dương sang tham gia thị trường, Grab ắt thong dong, không quá bận tâm chuyện cạnh tranh. Sau 4 tháng hầu như một mình một chợ, Grab bắt đầu căng mình cạnh tranh tưng bừng khói lửa với Uber. Mà một khi thị trường có cạnh tranh, người tiêu dùng luôn là ngư ông đắc lợi. Phê tê người á.

Nhờ có Uber mà người dùng Việt Nam có cái để so sánh với Grab và bản thân Grab cũng phải tốt hơn lên theo từng ngày. Tuy cùng mục tiêu và cách làm giàu, hai hãng này có hai phong cách kinh doanh khác nhau. Uber kiểu Mỹ, kiểu Âu. Grab kiểu Đông Nam Á. Hai hãng cũng có đẳng cấp khác nhau. Uber là toàn cầu. Grab mang tính khu vực. Nói vậy thì bạn mình hiểu rồi á.

Thêm nữa, nhờ có Uber, những người Việt thường đi nước ngoài có thể quen với cách đặt xe để đi lại ở xứ người, đặc biệt là ngoài Đông Nam Á. Tiết kiệm rất nhiều tiền so với taxi và vô cùng tiện so với xe bus hay metro.

Nhưng có lẽ điều làm tôi luôn xúc động là mỗi khi ngồi trên xe Uber của những sinh viên làm thêm kiếm tiền phụ trang trải sự học hay những công nhân trong thời gian giãn việc, chờ việc mới. Nhờ Uber, họ có một phương thức kiếm tiền đàng hoàng mà thực chất.

Chắc chắn Grab sẽ không rảnh rang lâu. Có tin ứng dụng đặt xe Go-Jek nổi tiếng của Indonesia cũng với màu xanh lá đã mở công ty ở Việt Nam và đang tuyển nhân sự.

Chưa kể biết đâu sẽ có thêm mấy dịch vụ đặt xe của China nữa – có thể liên doanh hay đứng sau một hãng taxi Việt hay một dịch vụ Việt nào đó. Wait and see! Thị trường Việt béo bở quá mà.

Sáng đầu tuần này, nhiều bạn hụt hẫng khi không còn có thể đi làm cùng Uber. Có những bạn đã quá hiểu Grab nên thà chọn ứng dụng mới của Mai Linh còn hơn. Cũng có không ít bạn giống như tôi, hôm qua đã đổ đầy bình xăng con ngựa sắt của mình để trở lại thời tự nhong nhong một mình một ngựa tham gia làm giao thông thêm tắc nghẽn…

Uber ra đi đã để lại những khoảng trống vắng, để lại nhiều thứ – kể cả nỗi đau của mấy ông thuế chỉ giỏi đè cổ đồng bào mình ra mà vặt lông – hết lông vũ chẳng tha lông tơ.

PHẠM HỒNG PHƯỚC