Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Ước gì, mà không giống Mỹ Tâm…

Ngày 30-4 cho thế giới thấy Việt Nam vẫn chưa thể là một dân tộc thống nhất thật sự, cho dù đã 43 năm trôi qua từ cái ngày định mệnh đó.

Ngày 30-4, một bên ăn mừng chiến tích “giải phóng miền Nam”.

Ngày 30-4, một bên ngậm ngùi tưởng niệm “ngày quốc hận”.

Những nỗ lực hòa hợp, hòa giải, xóa bỏ hận thù được những người giàu tâm huyết và biết nhìn xa trông rộng làm trong cả một năm coi như đã bị phá hủy bởi cách người ta kỷ niệm ngày lịch sử này. Để rồi, qua ngày 1-5, người ta lại tiếp tục khởi động trở lại những nỗ lực đó.

Dân tộc Việt Nam có một lời nguyền định mệnh kể từ cuộc chia ly của tổ phụ Lạc Long Quân và tổ mẫu Âu Cơ cách đây gần 5.000 năm. Trong nửa cuối thế kỷ 20, tình cảnh chia rẽ nằm ngay từng gia đình người Việt. Ở miền Bắc, nào ít nhà có người thân di cư 1954. Ở miền Nam đâu thiếu gia đình có người theo bên này, kẻ theo bên kia. Bởi vậy, tự bản thân ngày 30-4 có người thua, kẻ thắng cũng đã có những ảnh hưởng khác nhau tới rất nhiều gia đình Việt. Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một lần trò chuyện với báo Quốc tế của Bộ Ngoại giao cuối năm 2004 (sau những thăng trầm tới ngày 30-3-2005 mới được đăng) có nói về ngày 30-4 rằng: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu…”.

Không ai có thể phủ nhận ngày 30-4-1975 là một ngày lịch sử, một cột mốc trong lịch sử Việt Nam. Và tất nhiên, do tính chất của nó, có những góc nhìn khác nhau. Tất cả cần được tôn trọng.

Tôi rất muốn bắt chước nữ ca sĩ Mỹ Tâm hát bài Ước Gì. Nhưng tôi không giống cô ở cái ước gì có được tình yêu, cho dù tôi kết nhất một câu trong bài: “Ước gì cho thời gian trở lại”. Tôi thật lòng ước gì một ngày nào đó, người Việt chúng ta có thể cùng nhau ăn mừng ngày 30-4 lịch sử chỉ như một ngày kết thúc chiến tranh, thống nhất Tổ quốc. Và tôi muốn đập bàn phím mà nổi rock lên cùng chàng rocker Trần Lập: “Ngày đó, ngày đó sẽ không xa xôi, và chúng ta là người chiến thắng…”

Dù sao cũng gần nửa thế kỷ rồi còn gì. Những người tuổi trưởng thành từng chứng kiến hay can dự vào ngày 30-4-1975 nay cũng đã trên 60 tuổi hết rồi. Nghỉ hưu cả rồi. Bây giờ là thời của giới trẻ với những suy nghĩ và cách sống chẳng hề giống thế hệ cha ông mình.

P/S: Tôi post tâm sự này vào ngày 29-4 để khỏi bị suy diễn.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh gốc từ Internet. Thanks.