Thứ Bảy ngày 21 tháng 12 năm 2024

Vậy là hàng không Việt không còn chậm, hủy chuyến…

 

Nói cho lẹ nghen, từ Quý 2-2017, các hãng hàng không Việt Nam không còn tình trạng “chậm, hủy chuyến” nữa đâu. Vì đó là thời điểm Cục Hàng không, một đơn vị thuộc Bộ Giao thông – Vận tải, cho thay thuật ngữ quen dùng “chậm, hủy chuyến” bằng cụm từ mới toanh “bay chưa đúng giờ”.

Báo Tuổi Trẻ (in) ngày 26-5-2018 khui ra vụ này cho nó cặp kè với chuyện Bộ GTVT áp dụng cụm từ “thu giá” thay cho “thu phí”.

Quan chức Cục Hàng không giải thích với báo TT rằng việc sử dụng cụm từ mới này là cho “phù hợp với quốc tế”. Theo đó, gần đây người ta đánh giá, xếp hạng các hãng hàng không dựa trên tỷ lệ số chuyến bay đúng giờ OTP (on-time performance). Nhưng ông này lại cho biết thế giới dùng chữ “delayed” để chỉ chuyến bay mà Việt Nam gọi là “chậm giờ” và chữ “cancelled” cho chuyến bay “hủy chuyến”. Ồ, tới đây thì tôi bị rối trí. Bởi trong tiếng Anh, “delayed” có nghĩa là “bị hoãn, trễ, chậm” và “cancelled” là “bị hủy”. Việt Nam dùng “chậm, hủy chuyến” là đúng thông lệ quốc tế rồi mà. Trên các bảng thông tin điện tử tại các sân bay quốc tế, cho tới nay người ta vẫn chú thích là “On Time” cho chuyến bay đúng giờ, “Delayed” cho chuyến bay bị trễ và “Cancelled” cho chuyến bay bị hủy.

OTP là một thuật ngữ được ngành hàng không thế giới dùng để chỉ các chuyến bay từ lúc khởi hành (departed) cho tới khi đến nơi (arrived) đúng giờ đã thông báo trên lịch bay gốc. Xê xích trong vòng 15 phút được chấp nhận là đúng giờ.

Chuyện đúng giờ hay không đúng giờ là chuyện nội bộ trong ngành hàng không và có thể dùng như một tiêu chí để đánh giá chất lượng của một hãng hàng không. Còn đối với hành khách, người ta chỉ biết ba thông tin “đúng giờ”, “trễ chuyến” hay “hủy chuyến”, và hãng hàng không cũng phải thông báo cho hành khách của mình về 3 tình trạng chuyến bay như vậy, không thể dùng xảo ngữ “bay chưa đúng giờ” được.

Thật ra, gọi là “bay chưa đúng giờ” cho trường hợp mà Cục Hàng không nói cũng sai bét nhè. Nó chỉ là cách nói trong nội bộ ngành để đặt ra mục tiêu “bay chưa đúng giờ” thì nỗ lực để “bay đúng giờ”. Còn trong tiêu chí đánh giá, chỉ có hai chỉ tiêu “đúng giờ” và “không đúng giờ”. Cách biến hóa câu chữ để đánh lận khái niệm như Cục Hàng không cũng giống như nói không có “kẻ xấu” mà chỉ có “người chưa tốt”.

Mà nghĩ thì các quan chức nhà nước ta chắc ăn giựt kỷ lục thế giới Guinness về năng lực biến hóa từ ngữ siêu phàm. Thôi cuối tuần tôi đi “nằm nghỉ mệt” chung giường với cô hàng xóm, có gì chỉ mắc khuyết điểm “chưa đăng ký tạm trú” hay “nâng đỡ không trong sáng” chớ gì đâu mà ồn ĩ.

+ CẬP NHẬT: Ngày 26-5-2018, sau khi báo TT lên tiếng và công chúng có ý kiến, ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam cho biết rõ hơn rằng việc sử dụng cụm từ “bay chưa đúng giờ” chỉ là “phương thức thống kê trong nội bộ của Cục cho phù hợp với xu thế của thế giới”. Việc “chậm, hủy chuyến” bay được quy định tại Thông tư 27/2017/TT-BGTVT ngày 25-8-2017 của Bộ GTVT và thuật ngữ này vẫn được giữ nguyên. Cục vẫn dựa vào đây làm căn cứ xử phạt và có chế tài với các hãng khi chậm, hủy chuyến.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh từ Internet. Thanks.