Thứ Sáu ngày 24 tháng 1 năm 2025

Tay của ta mà không phải của ta…

Thật ra chỉ có 21 trong tổng số 496 đại biểu Quốc hội Khóa 14 (chiếm 4,2%) là không bị lệ thuộc vào điều lệ bắt buộc phải tuân thủ cấp trên.

Vậy nên chỉ có thể cầu mong vào sự sáng suốt của cấp trên đó.

Thiệt ra phải nói rõ như vầy, không ai phản đối việc ban hành luật Đặc khu đâu, cho dù cái cơ chế đặc khu tới giờ này cũng không còn được thế giới chuộng nữa, chủ yếu do bộc lộ quá nhiều bất cập và tỷ lệ thành công không cao như mong muốn.  

Cái mà người ta “hết sức quan ngại” là những điều khoản được ai đó cài cắm trong dự luật này.

Trong những bất cập của dự thảo Luật Đặc khu, điều đáng “hết sức quan ngại” nhất là ý đồ đưa đất đai (gắn liền với lãnh thổ ở các đặc khu có vị thế địa chính trị hết sức nhạy cảm) ra làm “mồi nhử” các nhà đầu tư. Trong khi đó, bản thân vị thế của các đặc khu này đã là cực kỳ hấp dẫn rồi, đâu cần ta phải tự trói mình vào một yếu tố nhạy cảm và nguy hiểm thấy rõ. Tôi cam đoan rằng cho dù chỉ giới hạn thời gian thuê đất ở các đặc khu này dưới 50 năm, các nhà đầu tư thật sự muốn làm ăn vẫn ùn ùn đổ vào (thực tế là hiện nay khi mọi chuyện chưa tới đâu mà hầu như đất đai ở các khu ngon lành nhất đã có chủ nhân mới rồi).

Các chế độ, chính sách, đặc quyền đặc lợi khác của đặc khu vẫn có thể dễ dàng thay đổi sau này khi thấy cần thiết. Còn quyền sở hữu đất đai, nhất là khi dính tới yếu tố nước ngoài trực tiếp hay đội lốt, cực kỳ phức tạp, mang tính hạ thủ bất hoàn, không hồi tố. Bài học nhãn tiền là hiện nay đã giảm hơn trước (có lúc tới 90%), nhưng tỷ lệ khiếu nại, tố cáo có liên quan tới sở hữu đất đai trên cả nước vẫn chiếm rất cao tới 70% trong tổng số khiếu kiện.

Đặc khu vốn là một mô hình thử nghiệm. Mà đã là thử nghiệm thì đầy tính hên xui, bất trắc nên lại càng phải chặt chẽ, cẩn trọng hơn các khu vực bình thường. Với thời hạn được thuê đất quá dài, trong quá trình làm ăn, các nhà đầu tư dễ phát sinh các hệ lụy, rẽ ngang, chuyển nhượng lòng vòng, bán thốc bán tháo,… gây rối tung mọi thứ khiến việc quản lý trở nên phức tạp, khó khăn. Hãy nhìn vào các dự án bất động sản hiện nay ắt thấy. Nào ai có thể cấm được nhà đầu tư viện cớ làm ăn thất bại hay cần mở rộng kinh doanh để chuyển nhượng một phần hay toàn bộ diện tích mình được thuê. Trong kinh doanh, 10-20 năm đã là đường dài, hung kiết khó lường rồi.

Nhân tiện cũng có một lăn tăn không nhỏ. Phàm thì là mà rằng người ta thường chỉ đưa ra các ưu đãi, đặc quyền đặc lợi khi cần thu hút đầu tư vào những khu vực khó khăn, kém hấp dẫn. Và ngược lại là người ta đặt ra những điều kiện cao khi ai đó muốn khai thác, làm giàu tại những mỏ vàng. Có thể ví von như cách chọn rể của một bà mẹ có hai cô con gái một đẹp một xấu.

Tất nhiên mọi chuyện sẽ không theo các quy luật muôn đời khi có những ẩn dụ phía sau. Nó giống như trong mấy bộ phim mấy tiểu thuyết tâm lý xã hội, gia đình nọ đang lâm vào cảnh khánh kiệt (không còn là nguy cơ nữa rồi), đem con gái đẹp ra gả bán cho kẻ nào có nhiều tiền nhất. Ban đầu còn ra giá cao, sau đó thúc bách quá phải gả bán bằng bất cứ giá nào, miễn là có thể thu được tiền nhanh nhất có thể được. Đời cha mẹ rồi cũng qua đi, còn lại thế nào là chuyện của con cháu.

Nếu như Luật Đặc khu được các đại biểu quốc hội nhấn nút thông qua bằng bất cứ giá nào, người dân cũng phải chịu thôi mà. Có gì thì đó là định mệnh.   

PHẠM HỒNG PHƯỚC