Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Bác sĩ buồn, nhưng đừng để buồn bác sĩ

 

Làm bác sĩ cũng giống như làm huấn luyện viên trưởng bóng đá. Cứu hàng trăm người nhiều khi chẳng được mấy ai quan tâm, nhưng chỉ cần để vuột một bệnh nhân vào tay Tử thần là bác sĩ đủ để bị chém tơi tả.

Là hồng phúc cho nhân loại vì cũng giống như các huấn luyện viên bóng đá, các bác sĩ chân chính đã thấu hiểu cái lẽ đời đó khi chọn làm nghề.

Bác sĩ chỉ có một sứ mệnh và nhiệm vụ, đó là cứu sống con người. Vì thế, bác sĩ là khắc tinh, là kẻ thù không đội trời chung của Tử thần. Và cũng vì thế, bác sĩ phải biết tự bảo vệ mình trước các chiêu trò độc hiểm của Tử thần, kẻ là vua bóng tối. Ờ, tôi nói là có những khi bác sĩ bị Tử thần chơi xấu đó. Tôi từng được Từ thần chia sẻ như vậy (hồi đó chưa có Mặt Sách nên thiên cơ bất khả lộ).

Bởi sợ hãi mà cả bác sĩ lẫn bệnh viện đều vận dụng trí khôn tập thể lập ra quy trình và phác đồ cụ thể cho từng bênh. Sau khi được thông qua từ dưới lên hết cấp có thể được, cả bênh viện cùng bám vô quy trình và phác đồ để bảo vê mình.

Nói chung là quần chúng ta rất dễ cảm thông và đứng về phía bệnh nhân và thân nhân họ. Nhất là khi có mất mát con người. Ông bà mình dạy “của đau, con xót” chớ sai. Bạn thử có con cháu thì biết. Có khi làng Vũ Đại còn nhận ra mình hạnh phúc vì chỉ có một Chí Phèo chưa có con. May mắn cho bác sĩ và bệnh viện nếu như gặp được người nhà bệnh nhân chịu hiểu cho mình.



Một cô đồng nghiệp có chồng là một bác sĩ nổi tiếng hôm qua chia sẻ: Trong y khoa có những điều mà ngay cả thầy thuốc không phải ai cũng hiểu nổi thì đừng mong giải thích cho công chúng hiểu, nhất là đó lại là đám đông đang sục sôi… quyết chiến (cho dù chỉ trên bàn phím).

Có vẻ như cái bệnh viện trung ương đầu ngành đang trong lò đốt giải quyết khủng hoảng không tốt. Tôi không dám nghĩ là do họ bất chấp. Mà có thể họ quá sợ mà lại không có những người chuyên nghiệp trợ giúp. Phải người nào việc nấy thôi.

Từ cá nhân cho tới tập thể ở xứ Việt quốc được tạo ra trong môi trường sợ trách nhiệm nên có xu hướng đổ lỗi cho cái gã khách quan hoặc ai đó miễn không phải là mình.

Tôi cũng không thể phủ nhận tình trạng công chúng lên đồng là do đã mất niềm tin với các cơ sở và đội ngũ y tế và đang âm ỉ những bức xúc sẵn sàng bùng nổ. Có thể tài năng chuyên môn của giới y tế thì không tệ, nhưng cách làm việc và hành xử thì đầy bất cập.

Tôi tin rằng rất nhiều thầy thuốc, công nhân viên của bênh viện đó đang cảm thấy mình bị xúc phạm và xổ toẹt mọi công sức. Tôi không dám chủ quan mà suy diễn cả bệnh viện, cả ngành, nhưng chỉ trong số các thầy thuốc mà tôi biết, đại đa số họ là những người tử tế, hiến thân cho ngành nghề, luôn coi cứu người là mệnh lệnh trái tim. Tôi không nghĩ là do mình có hồng phước nên có duyên gặp toàn người tử tế.

Chỉ biết cầu mong cho cơ quan chức năng sớm tìm được sự thật công bằng và minh bạch cho cả bênh viện và người nhà bệnh nhân bất hạnh. Đừng nên coi đây là một trận hơn thua. Nếu có cần phải mổ xẻ thì cũng chỉ để tốt hơn cho tất cả sau này. Tôi nghĩ cái quan trọng và cần nhất vẫn là cách hành xử của bệnh viện và thầy thuốc. Tôi cũng không dám nghĩ là do sống trong môi trường quá quen với sự chết chóc nên thầy thuốc coi chuyện một bệnh nhân tử vong là chuyện bình thường hay vô cảm.

Và cho dù có như không giống một bộ phận không nhỏ đang mong muốn, ta cũng chỉ nên trách con chim đa đa mà thể tất cho gia đình bệnh nhân đang quá khổ đau.

Và cho dù có là lỗi của bệnh viện hay bác sĩ đi nữa thì đó cũng chỉ là một trường hợp cụ thể, không thể vì thế mà phủ nhận toàn bộ công lao của người thầy thuốc nói chung, cũng như sự đóng góp của cả bệnh viện đó cho xã hội. Oan có đầu, nợ có chủ. Ngành nào, nghề nào cũng có người này, kẻ nọ và cũng có những lúc sai lầm, mắc lỗi. Có ai dám nói Hoa Đà hay Hải Thượng Lãn Ông chưa từng thất bại trong một ca cứu người nào. Vậy nên xin đừng nặng lời xúc phạm tới các thầy thuốc tử tế và cái nghề cái nghiệp được tôn lên là một thiên chức của họ.

Và xin cầu nguyện linh hồn chàng trai sớm an nghỉ sau 19 năm nếm trải trần gian. Có lẽ những vướng bận của người còn sống cứ kéo dài cũng khiến bạn khó thanh thoát.

Cuối cùng tôi xin được khép nép thỏ thẻ nhắn với ai đó đang ngoài chốn sa tràng: chúng ta cần quyết liệt đấu tranh với sự tiêu cực của ngành y tế, nhưng cốt làm cho công việc của họ tốt hơn, chớ không phải để căm hờn, truy sát họ. Lỡ mình và người thân của mình có vấn đề về sức khỏe, ta sẽ… tự xử như mình từng tự sướng chăng?

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh từ Internet. Thanks.