Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

R.I.P. nhạc sĩ Song Ngọc, giờ “gọi nhau cố nhân u sầu”

Thêm một tác giả nổi tiếng của dòng nhạc trữ tình ở Saigon trước 1975 đã dừng cuộc rong chơi trên cõi thế gian. Tôi không gọi ông là nhạc sĩ trữ tình nổi tiếng của miền Nam, bởi thực tế vẫn có những fan của ông ở miền Bắc trong những ngày đất nước bị chia đôi. Người nhạc sĩ tài hoa đó là Song Ngọc, một cái tên ướt át, trữ tình. Ông đã trở thành “cố nhân u sầu” của những người đồng cảm còn sống vào lúc 9g30 (giờ địa phương) ngày 14-10-2018 tại thành phố Houston (bang Texas, Hoa Kỳ) vì bệnh ung thư phổi và thận, thọ 75 tuổi. Có nguồn cho biết nhạc sĩ Song Ngọc mắc bệnh tim nhiều năm nay, thời gian gần đây ông yếu dần sau khi mổ tim. Trước khi mất, cố nhạc sĩ có tâm nguyện không tổ chức lễ viếng và muốn được hỏa thiêu. (Theo Thanh Tùng trên VietnamNet).

Song Ngọc tên thật là Nguyễn Ngọc Thương, sinh năm 1943 tại Long Xuyên (An Giang). Theo Từ điển Wikipedia, sau sự kiện 1975, ông sang Mỹ định cư và trở thành một thương nhân thành đạt, nhưng vẫn tiếp tục sáng tác.

Song Ngọc bắt đầu sáng tác từ năm 1957 với tác phẩm đầu tay là ca khúc Mưa Chiều và nổi tiếng từ đầu thập niên 1960. Có một số nguồn nói ông trở nên nổi tiếng với ca khúc Tiễn Đưa, phổ thơ Nguyên Sa năm 1961. Song Ngọc còn có những bút danh Hàn Sinh, Nguyên Hà, Hoàng Ngọc Anh, Anh Tuyến. Ông cũng có sáng tác chung với một số nhạc sĩ khác. Tổng cộng, gia tài âm nhạc của người nhạc sĩ chuyên trị nhạc tình yêu này có hơn 300 ca khúc.

Trước năm 1975, Song Ngọc đã thực hiện được 5 cuốn băng thu các ca khúc tuyển chọn của mình: Song Ngọc 1: Chuyện Tình & Kỷ Niệm; Song Ngọc 2: Những Ngày Xưa Yêu Dấu; Song Ngọc 3: Hoa Bướm Ngày Xưa; Song Ngọc 4: Tình Yêu & Xa Cách; và Song Ngọc Xuân 1974: Mùa Xuân Hạnh Phúc.



Năm 2004, Trung tâm ca nhạc Thúy Nga đã thực hiện chương trình Paris By Night 74: Hoa Bướm Ngày Xưa để vinh danh Song Ngọc và hai nhạc sĩ Huỳnh Anh (1932-2013) và Nguyễn Hiền (1927-2005). Như vậy, giờ đây, cả ba nhạc sĩ được vinh danh khi còn sống trong cuốn Paris By Night 74 đã về nơi xa vắng.

Ngày 15-5-2001, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, nhạc sĩ Song Ngọc đã nói về sự khác nhau giữa tân nhạc Việt Nam trước và sau 1975: “Trước năm 1975, giới nhạc sĩ cũng như người dân Việt Nam, sống trong hoàn cảnh chiến tranh, đều cùng nhau mang chung niềm âu lo trong đời sống cũng như xã hội. Những biến chuyển thời cuộc liên tục dồn dập tạo nên những cảm xúc liên quan đến con người và thân phận… Do vậy, phải nói đa số tác phẩm văn chương, âm nhạc, đều tạo nên bằng những rung cảm từ “trái tim”. Sau 75, tức là ra nước ngoài. Tiêu biểu những sáng tác tại nước Mỹ, nhất là các nhạc sĩ trẻ tuổi, thường hay thiếu vắng chất liệu “quê hương”, ngoài ra đời sống xứ người gò bó, thời gian chật hẹp. Người nhạc sĩ không đủ thời gian, nguồn cảm hứng quá nhiều chi phối, bởi đời sống áo cơm, do vậy sự rung động trong tác phẩm có phần lạc điệu. Tuy nhiên, bù lại thì “kỹ thuật” có phần cao hơn, vì đời sống văn minh hiện nay là computer, máy móc tối tân, phương tiện trau dồi. Tóm lại có thể nói giản dị như thế này: “Trước 75 viết nhạc bằng “trái tim”. Sau 75 viết nhạc bằng “kỹ thuật”. Tuy nhiên dù bằng kỹ thuật hay trái tim, cũng tham dự dù nhiều hay ít vậy. Riêng âm nhạc Việt Nam từ trong nước sau 75, tôi thích một số ca khúc ca ngợi tình tự quê hương, vì lẽ đó là chất liệu mà người nhạc sĩ tại quên nhà đang được thừa hưởng.” Ông nhận xét: “Nhạc nào cũng hay, riêng nhạc viết bằng trái tim thì dễ đi vào trái tim người nghe hơn.”

Phần mình, tôi không bao giờ quên được cái cảm giác nôn nao hạnh phúc khi là một cậu học sinh trung học đệ nhất cấp ở độ tuổi lên 10 hầu như ngày nào cũng cà rà bên những sạp bán nhạc ở chợ Kiến Tường đón mua những tờ nhạc mới từ Saigon gởi xe đò xuống, trong đó có những ca khúc của Song Ngọc. Sau đó về nhà, tôi ôm đàn ghita gảy từng nốt nhạc trên những tờ nhạc đó mà học ca. Một kẻ mê đi mây về gió bẩm sinh như tôi cho tới giờ vẫn luôn bay bổng mỗi khi nghe ca khúc Một Chuyến Bay Đêm mà Song Ngọc viết chung với Hoài Linh.

Chia tay nhạc sĩ Song Ngọc với những lời hát day dứt từ Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân, một trong những ca khúc nổi tiếng của ông (ký bút hiệu Hàn Sinh):

“Phố buồn mình tôi bước chân lẻ loi
Ray rứt trời mưa bỗng nghe mặn môi
Nỗi niềm chuyện tâm tư người ơi
Xin ghi nhạc lòng thương nhớ
Mình gọi nhau cố nhân u sầu.”

Nguyện cầu nhạc sĩ Song Ngọc an nghỉ. R.I.P.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

+ Mời các bạn thưởng thức chương trình Paris By Night 74, phần về nhạc sĩ Song Ngọc. Chương trình này được Trung tâm Thúy Nga đưa lên Kênh YouTube ngày 14-10-2018 cho mọi người coi miễn phí.