Thứ Năm ngày 14 tháng 11 năm 2024

Tác giả võ hiệp Kim Dung qua đời

 

Kim Dung, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Trung Quốc với những bộ tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình kinh điển làm say mê cả thế giới, vừa qua đời chiều 30-10-2018 ở tuổi 94 tại bệnh viện Hong Kong Sanatorium and Hospital ở Hong Kong sau một thời gian dài bị bệnh.

Kim Dung (Jin Yong), tên thật Tra Lương Dung (Louis Cha Leung-yung), sinh ngày 6-2-1924 tại Hàng Châu (Hangzhou) thuộc tỉnh Chiết Giang (Zhejiang, Trung Quốc). Kim Dung tốt nghiệp Đại học Luật ở Tô Châu (Suzhou) vào năm 1948 và có ý định làm nhà ngoại giao. Nhưng số phận đẩy ông sang nghề báo. Để trang trải chi phí cho việc học, ông làm báo và phiên dịch vào năm 1947 cho tờ Đại Công Báo (Ta Kung Pao) ở Thượng Hải. Đến năm 1948, ông chuyển đến làm việc tại văn phòng của tờ báo này ở Hong Kong rồi sau đó định cư ở đấy. Tác phẩm võ hiệp đầu tiên được xuất bản của Kim Dung là Thư kiếm ân cừu (The Book and the Sword) được in hàng ngày trên báo Hương Cảng Tân Báo (New Evening Post) năm 1955 với bút danh Kim Dung. Tác phẩm võ hiệp cuối cùng của ông là Lộc Đỉnh Ký (The Deer and the Cauldron) xuất bản năm 1972. Tổng cộng ông có 15 tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình nổi tiếng. Kim Dung là một trong các tác giả Trung Quốc có sách bán chạy nhất thế giới. Sách của ông đã được in hơn 300 triệu bản và được bán khắp nơi trên thế giới. Kim Dung là người đồng sáng lập ra tờ Minh Báo (Ming Pao) của Hong Kong vào năm 1959 (cùng người bạn học chung lớp thời trung học Shen Baoxin), làm tổng biên tập cho đến khi về hưu vào năm 1989. Ông thật sự gác bút vào năm 2006. Kim Dung cưới vợ 3 lần và có 4 người con (2 nam và 2 nữ, hiện có 3 người còn sống). Người vợ đang sống cùng ông hiện nay là Lin Leyi (sinh năm 1953), kết hôn năm 1976. 

Xin vĩnh biệt ông, Kim Dung, người đã đến với tôi từ khi là học trò lớp Đệ Thất qua các tác phẩm võ hiệp mà tôi phải nhịn tiền ăn sáng thuê đọc không sót tập nào. Ông đã cho tôi những giấc mơ làm kiếm khách hành hiệp giang hồ diệt gian trừ bạo luôn có bên mình những giai nhân mộng mị. Tôi nhớ mãi cái thời quàng khăn tắm làm áo choàng giắt cây kiếm nhựa bên hông phi khinh công như con loi choi từ trên đi văng xuống nền nhà đất nện nổi vảy rồng. Tôi có sống tốt cả đời sau này, chắc chắn một phần từ những tác phẩm của ông.

Tôi xin phép chia sẻ phần viết về Kim Dung của tác giả Nguyễn Văn Lục trong bài khảo luận “20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975”. Quan điểm là của tác giả, tôi chỉ muốn giúp những bạn chưa có điều kiện biết về Kim Dung có thêm một số dữ liệu. Chân thành cảm ơn tác giả.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

Hiện tượng sách dịch Kim Dung

Kim Dung tên thật là Trà Lương Dung. Truyện võ hiệp đầu tay là Thư kiếm ân cừu, xuất bản ở Hương Cảng, từ đó có bút danh Kim Dung. Năm 1957 ra bộ Anh Hùng Xạ Điêu, 1969 ra Lộc Đỉnh Ký. Cho mãi đến 1978, Đài Loan mới rút lệnh cấm tác phẩm Kim Dung và 1986, sau khi tiến lên 4 Hiện đại hóa ở Trung Quốc mới xuất hiện Kim Dung. Theo Vũ Đức Sao Biển, nhà Kim Dung học Việt Nam hiện thời, trong những năm 1960 có các dịch giả: Phan Cảnh Trung, Lão Sơn Nhân, Từ Khánh Văn và đặc biệt Từ Khánh Phụng và Hàn Giang Nhạn. Tôi xin bổ túc thêm Thương Lan (đã dịch ít nhất 10 bộ truyện của Kim Dung), Nhất Quỳnh Mai, Nguyễn Kháng, Trần Thanh Vân, Đà Giang Tử dịch chung với Phan Cảnh Trung.
Truyện chưởng Kim Dung “độc bá quần hùng” trong sinh hoạt văn học ở miền Nam thời ấy. Vào năm 1968, khi xuất hiện Tiếu Ngạo Giang Hồ trên tờ Minh Báo thì có đến 44 nhật báo ở Sàigòn đều tranh nhau dịch và đăng lại. Tình trạng mê Kim Dung đến như thế, và kéo dài cho đến 1972-1974 khi bộ Lộc Đỉnh Ký ra đời. Và đây là lời Vũ Đức Sao Biển, tốt nghiệp Đại học Văn Khoa, Sàigòn, ban Hán Văn: “Tôi học cách làm người, cách đối xử nhân thế, đắc thủ đượcnhững kiến thức hoàn toàn không có trong giáo trình đại học từ các tác phẩm của một nhà văn nước ngoài chưa hề biết mặt.”

Với lượng tác phẩm đồ sộ như thế, với số người đọc đông như thế, không thể không tìm hiểu văn học miền Nam nhất là văn học dịch mà bỏ qua tác giả Kim Dung. Người ta có thể bàn về bất cứ vấn đề nào của con người, của xã hội, từ tình yêu, bạo lực, đạo đức, tâm lý hay sự đánh tụt giá của chủ nghĩa bạo lực trong truyện Kim Dung. Từ vấn đề nghệ thuật, cách xây dựng nhân vật tiểu thuyết, chất thơ, chất hài… đến chứng cứ kiếm pháp, Võ và Hiệp, cho đến những vấn đề có thể trở thành tranh luận văn học như hư cấu nhân vật, hư cấu lịch sử. Kim Dung đã hư cấu lịch sử Trung Hoa cách đấy ba thế kỷ mà vẫn hay với cấu trúc tiểu thuyết liên hoàn. Vương Sóc, nhà văn-nhà phê bình Trung Hoa, đã gọi tiểu thuyết Kim Dung là một trong “tứ đại tục” bởi đã hư cấu méo mó hình tượng người Trung Hoa. Từ đó đã gây thành những tranh luận lớn khắp Hoa Lục. Lại còn vấn đề tôn giáo, giáo phái trong tiểu thuyết. Luận về anh hùng và những nhân vật biểu tượng như Kiều Phong, một đại trí, đại dũng lại rất giàu tình cảm và lòng nhân ái vời vợi? Trương Vô Kỵ, Lệnh Hồ Xung, tài trí hơn người, hành xử quang minh lỗi lạc, tốt bụng hơn người? Dương Quá, Địch Vân, Hồ Phỉ… Rồi còn nhân vật nữ, những mỹ nhân như Hân Tố Tố, Nhậm Doanh Doanh, Triệu Minh, Tiểu Siêu, Song Nhi, … mỗi người mỗi vẻ, mỗi người một thông điệp. Không có những nhân vật nữ đó, tiểu thuyết Kim Dung còn gì?
Vấn đề tâm đắc đối với tôi: Vấn đề chính hay tà, vấn đề thị phi trong cuộc đời, giữa hiệp nghĩa và xã hội đen, giữa danh môn chính phái và ma giáo. Ai chính, ai tà. Tà chính khác nhau chỗ nào? Đọc Kim Dung sẽ thấy sự phân biệt Chính là vô thực. Trong Kim Dung có một cố gắng đánh tụt giá những người tự nhận là Chính nghĩa, và qua họ, những giá trị mà họ tượng trưng. Sự sa đọa xuống tới sự bất nhân, sự dâm loạn, sự ngu xuẩn của những đệ tử phái Toàn Chân thì còn ai tin gì ở Chính nghĩa?
Chuyện đã hay, cơ man nào nhân vật, cơ man nào tình tiết chồng chéo lôi kéo người đọc. Kim Dung phải là người kiến thức rộng, đọc nhiều, dùng Quan Thoại, một thứ ngôn ngữ trong sáng, lại kế thừa truyền thống của những nhà văn như Lâm Ngữ Đường, Tào Ngu, Lỗ Tấn… đã biến những chuyện võ hiệp tầm thường thành những tác phẩm để đời. Đã vậy, có những dịch giả như Hàn Giang Nhạn chuyển ngữ tài tình làm say mê độc giả Việt Nam. Hễ hay thì người đọc, dở thì bị người bỏ quên.

NGUYỄN VĂN LỤC

(Từ: Dòng Sông Cũ. Thanks)