Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ

Ngày thứ Ba 6-11-2018, cử tri nước Mỹ chính thức đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ (US midterm elections). Tại cuộc bầu cử này, Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế Hạ nghị viện, 35 trong tổng số 100 ghế Thượng nghị viện, 36 thống đốc bang. Có khoảng 6.000 ghế các cơ quan lập pháp (thượng nghị viện và hạ nghị viện) cấp tiểu bang cũng được bầu lại lần này.

Trong khi cử tri toàn nước Mỹ phải bỏ phiếu bầu các dân biểu Hạ nghị viện Liên bang, các cử tri ở bang nào phải bầu lại thượng nghị sĩ Thượng nghị viện Liên bang và thống đốc tiểu bang mới phải làm chuyện ấy. Để tránh tập trung vào một ngày và tạo thuận lợi cho cử tri sắp xếp đi bỏ phiếu, có tới 37 tiểu bang và Washington DC tổ chức cho các cử tri bỏ phiếu sớm, thậm chí 2 bang Minnesota và South Dakota cho bỏ phiếu sớm nhất vào ngày 21-9-2018.

Nhiều chục triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm trước ngày bầu cử chính thức 6-11-2018.

Theo nhiều nguồn tin, số cử tri đi bỏ phiếu sớm năm nay nhiều gấp đôi lần bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2014 (thời Tổng thống Barack Obama của đảng Dân chủ đang ở 2 năm cuối nhiệm kỳ thứ 2 của mình). Tính tới cuối tuần qua, có hơn 33,8 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm và có khoảng 28 tiểu bang có số cử tri đi bỏ phiếu sớm cao hơn lần trước.

Điều gì làm cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018 được cử tri Mỹ quan tâm đến như vậy?

Đây là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump của Cộng hòa. Với những gì đã diễn ra trong 2 năm đầu tiên ở Nhà Trắng của nhà tỷ phú đột ngột rẽ ngang làm chính trị nhảy vọt một phát lên tột đỉnh này, cuộc bầu cử 2018 cũng được coi là phép thử cho thấy cử tri Mỹ đánh giá như thế nào về cách lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới của ông Trump – vị tổng thống “tay ngang” bị coi là “phi chuẩn” và khó đoán định đường đi nước bước nhất trước nay. Chỉ mới 2 năm, ông Trump cũng đã kịp phá bung nhiều điều tưởng như là bất biến trên chính trường Mỹ, làm những điều mà chưa vị tổng thống Mỹ chính thống nào (xuất thân là chính khách) dám làm. Bất kể tốt xấu, đúng sai, quả thật, cho tới nay, ông Trump đã làm thay đổi bộ mặt chính trị Mỹ, cả đối nội lẫn đối ngoại. Có thể nói, cả thế giới cùng lên bờ xuống ruộng và cùng phải nhảy điệu Hiphop với Tổng thống Trump.

Giới quan sát nói rằng rút kinh nghiệm từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 mà ông Trump đắc cử nhờ số phiếu đại cử tri cao hơn trong khi thua bà Hillary Clinton của đàng Dân chủ về tổng số phiếu cử tri phổ thông, không ít cử tri Mỹ quyết định không làm biếng đi bỏ phiếu nữa. Họ muốn tự mình thể hiện ý kiến và lòng mong muốn của mình về chính khách sẽ đại diện cho mình.

Tất nhiên, cuộc bầu cử nào ở Mỹ cũng là sự cạnh tranh tay đôi giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, đặc biệt quan trọng sống còn là nắm quyền kiểm soát hai viện của Quốc hội. Trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018 này, lưỡng viện Quốc hội đều đang do đảng Cộng hòa kiểm soát. Tại Thượng nghị viện, Cộng hòa nắm 51 ghế, Dân chủ 47 ghế và nghị sĩ độc lập 2 ghế. Còn tại Hạ nghị viện, Cộng hòa có 235 ghế, Dân chủ 193 ghế, trống 7 ghế.  Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018 này quyết định số phận toàn bộ Hạ nghị viện và 35 ghế Thượng nghị viện (gồm 26 ghế của đảng Dân chủ và 9 ghế của đảng Cộng hòa).

Theo báo New York Times ngày 5-11-2018, số ghế được coi là chắc chắn sẽ giành được trong cuộc bầu cử này là 194 của Dân chủ và 171 của Cộng hòa. Còn lại là cuộc chạy đua chưa biết mèo nào cắn mĩu nào giữa các ứng cử viên 2 đảng.

Khá nhiều nhà bình luận nghiêng về kịch bản: Cộng hòa sẽ giữ được Thượng nghị viện và Dân chủ giành lại Hạ nghị viện. Thực tế là đại đa số các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ trước đây đều có sự thay đổi phe đa số ở Hạ nghị viện.

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018 này được ước tính là có mức chi phí kỷ lục, tới 5,2 tỷ USD. Trước nay, chưa có cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ nào vượt qua mốc 4,2 tỷ USD.

Đây cũng là cuộc bầu cử hi hữu khi một mình Tổng thống Donald Trump chống lại tất cả giới truyền thông. Ai cũng biết mối quan hệ “hamburger chẳng lành, soup chẳng ngọt” giữa ông Trump và báo giới. Vì thế, các ứng cử viên Cộng hòa gặp nhiều bất lợi về truyền thông. Chủ yếu một mình ông Trump tả xung hữu đột trên mạng truyền thông xã hội nhờ vào lợi thế có tới 55 triệu người theo dõi (follower) trên mạng Twitter. Và cũng vì thế mà mọi người hoang mang không biết nên tin ở truyền thông bao nhiêu phần trăm.

Có thể nói rằng, ông Trump có như cọp thêm cánh hay không tùy thuộc vào kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này. Không chỉ có hơn 325 triệu người dân Mỹ mà cả thế giới, đặc biệt các nước đang “có vấn đề” với Tổng thống Trump cùng chờ đợi kết quả cuộc bầu cử này. Mặc dù cuộc bầu cử giữa nhiêm kỳ 2018 này truyền thống là cuộc đối đầu giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, nhưng tôi lại thích cách nghĩ: đây là cuộc đọ sức giữa phe ủng hộ Tổng thống Trump và phe chống Tổng thống Trump.

Nhiều nhà bình luận nói rằng đây là cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ bị chia rẽ nghiêm trọng nhất. Thậm chí như Nirmal Ghosh, Trưởng văn phòng ở Mỹ của báo The Straits Times (Singapore), ngày 6-11-2018 giựt tít rằng đây là “sự lựa chọn của 2 nước Mỹ” (Midterm election offers choice of two Americas). Vậy liệu nước Mỹ có bị chia rẽ hơn nữa sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 6-11-2018 này?

Hạ hồi chờ kết quả sau cùng. Mà bất luận thế nào, Tổng thống Donald Trump vẫn sẽ tiếp tục “đồng hành” cùng thế giới trong ít nhất là 2 năm nữa. Trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ thứ 2 của mình, sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 4-11-2014, Tổng thống Obama đã phải chung sống với tình cảnh cả lưỡng viện Quốc hội đều do đảng Cộng hòa làm chủ (Hạ nghị viện: Cộng hòa nắm 247 ghế so với 188 ghế của Dân chủ, và Thượng nghị viện: 54 ghế Cộng hòa và 44 ghế Dân chủ). Trong kịch bản tệ nhất, Obama còn sống sót nói chi Trump!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.