Thứ Bảy ngày 16 tháng 11 năm 2024

Lẽ ra nên nghĩ cách bảo vệ an toàn cho người đang còn phải đi xe gắn máy…

Thú thiệt, tôi rất dị ứng nổi sảy tùm lum khi thấy hễ xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng là lập tức có những người đổ thừa xe 2 bánh và lên án xe tải nặng. Họ khiến những người chạy xe 2 bánh và lái xe tải nặng có cảm giác mình là tội đồ hay đồng phạm vậy á. Mà họ là ai? Hầu như là những người có xe ôtô riêng, tức là những người từ ngày từ xe gắn máy nhảy vọt lên xe ôtô đâm ra “mất cảm tình” với xe gắn máy vì chiếm đường của mình và chạy ẩu tạt qua cúp lại trước đầu xe. Xưa nay ai mà không hiểu đi xe 2 bánh giữa mê cung và nồi lẩu thập cẩm giao thông này là cực kỳ nguy hiểm. Người ta đã ví mua xe ôtô là lấy sắt thép làm bộ giáp bảo vệ mình. Nhưng đâu có nhiều người Việt có khả năng mua xe ôtô. Chưa kể, với tình hình đường sá ở Việt Nam ta, mua xe otô rồi chạy đâu, gởi xe đâu, hay khốn khổ vì tiền nuôi xe.

Mà tôi xin hỏi thiệt các người anh chị em: cứ làm bộ như đang coi phim khoa học viễn tưởng Hồ Ly Vọng (Hollywood) đi, có ai dám chắc là một khi không còn xe gắn máy tham gia giao thông nữa, tai nạn giao thông ở Việt Nam sẽ giảm đi về mức độ tổn thất? Hay là với những người Việt Nam đương đại ngồi sau tay lái, TNGT lúc đó sẽ chuyển hóa thành xe ôtô đụng xe ôtô?

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia công bố số liệu (mà báo Thanh Niên 3-1-2019 đăng) rằng có tới 90% số người thương vong vì TNGT là đi xe gắn máy 2 bánh. Phương tiện xe gắn máy và xe máy điện nguy hiểm gấp 4 lần xe ôtô con, 10 lần xe buýt và 13 lần tàu điện đô thị. Có người nhìn số liệu này lại càng thêm mạnh mẽ kêu gọi cấm xe gắn máy. Nhưng nhiều người ắt nhìn ở đây sự mong manh, thiệt thòi của những người phải đi xe gắn máy.

Tôi thích ý của một bạn rằng không cần phải giáo huấn, hô hào đâu, người ta ai cũng thấy sự nguy hiểm của xe gắn máy trong môi trường giao thông, đặc biệt là ở Việt Nam hiện nay, nên hễ thấy phương tiện giao thông công cộng thuận tiện là họ tự giác bỏ xe gắn máy ở nhà thôi. Ở đây, tôi lại nổi sảy với những ý kiến cho rằng cần phải có biện pháp mạnh, cứ cấm xe gắn máy là người ta tự khắc buộc phải đi xe công cộng. Tôi ủng hộ giải pháp trước hết hãy phát triển hệ thống giao thông công cộng cho thiệt ngon cái đã.

Các đặc thù ở Việt Nam, kể cả hệ thống đường sá lẫn quy hoạch đô thị và lối sống người dân, chớ hề thân thiện với các phương tiện giao thông công cộng. Chẳng biết bạn thì sao, còn tôi thì nghĩ rằng với thực tế ở Việt Nam và cả cách quản lý điều hành như hiện giờ, có lẽ tới giữa thế kỷ 21, chúng ta vẫn phải đồng hành cùng xe gắn máy. Tiếc là tới lúc đó có lẽ tôi không thể kiểm chứng được đâu. Nhưng tôi cầu mong cho mình nhận định sai trong chuyện này.

À mà tại sao lại là cấm xe gắn máy? Giảm xe gắn máy mới đúng chớ. Liệu có nước nào trên thế giới cấm xe gắn máy chưa? Nếu có thì thử coi nước đó ra sao. Ngay cả Mỹ, Châu Âu, hay Tân Gia Ba láng giềng – nơi có hệ thống giao thông công cộng cực đỉnh – cũng đâu có cấm xe gắn máy. Hãy để cho thực tế cuộc sống quyết định. Một khi thấy đi xe gắn máy không có lợi và kém an toàn, mà lại sẵn có các phương tiện công cộng thuận tiện, ngoại trừ những người có nhu cầu riêng, còn lại hầu hết người ta ai lại muốn phơi thân trên đường xe cộ đông đúc.

Xe container lưu thông cùng làn cho xe máy trên Xa Lộ Hà Nội đoạn dốc cầu Rạch Chiếc hướng từ Q.9 qua Q.2, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH (Báo Tuổi Trẻ. Thanks).
Từ trước tới nay tôi vẫn kinh khủng khiếp với tình trạng đường xe hỗn hợp, xe lớn xe nhỏ, xe gắn máy và xe tải nặng chen chúc nhau chạy chung với nhau.

Cho tới hôm nay, 3 ngày đã qua từ sau tai nạn xe container khủng khiếp ở gần cầu Bến Lức (Long An) chiều 2-1-2019 khiến 4 người chết và 18 người bị thương, có 21 chiếc xe gắn máy đang dừng chờ đèn đỏ bị hung thần xe container từ phía sau lao như điên tới càn lùa cán tan nát. Rồi mọi cảm xúc đa dạng hừng hực hỗm rày sẽ nhanh chóng tan biến như bao nhiêu lần khác cho tới khi lại xảy ra một thảm kịch nào khác. Tôi ước gì thủ tướng hay chính phủ ra ngay nghị định hay nghị quyết chấn chỉnh lập tức tình hình an toàn giao thông và cho áp dụng các biện pháp quyết liệt ngay để đưa an toàn giao thông vào quỹ đạo giờ đang lệch lạc tùm lum. Thậm chí quốc hội cũng nên ra hẳn một nghị quyết tuyên chiến với tai nạn giao thông, coi việc chống tai nạn giao thông như một trận chiến. Mà thực tế từ lâu đây đã như là một cuộc chiến tranh khi trong 10 năm qua (2008-2018), Việt Nam xảy ra 253.088 vụ TNGT giết chết ít nhất 105.252 người và làm bị thương 235.198 người, nghĩa là trung bình mỗi năm có số nạn nhân TNGT tương đương 1 sư đoàn (10.000 quân) chết và hơn 2 sư đoàn bị thương.

Nhưng có vẻ, rồi mọi chuyện sẽ lắng dịu khi cuộc sống vẫn trôi và còn có biết bao chuyện mới khác để quan tâm.

Tôi ước gì, cứ cho là vì mục đích thiện lành khi thấy xe gắn máy là nguy hiểm, thay vì cứ tập trung hô hào cấm xe gắn máy, các người anh em thiện lành dành tâm sức nghĩ cách giúp bảo vệ, giữ an toàn cho người đi xe gắn máy. Tôi lặp lại, Việt Nam sẽ còn phải sống chung lâu dài với xe gắn máy à nghen.

Luật pháp công minh luôn phải cặp kè với người thực thi công lực nghiêm minh. Công bằng mà nói, Việt Nam đâu phải là thiếu các luật định về an toàn giao thông. Vấn đề là chúng có cũng như không. Điều mắc cười là chính người tham gia giao thông và nhân viên công lực luôn thích chọn giải pháp thỏa hiệp, chia đôi, vì lợi ích và sự tiện lợi cho cá nhân mình.

Thôi thì, đừng chờ mong chi xa, tự bản thân mỗi người trong chúng ta nên góp một phần cho cái sứ mạng an toàn giao thông – điều khả thi và ai cũng có thể làm được. Bản thân mỗi người hãy luôn có ý thức tuân thủ an toàn giao thông để trước tiên bảo vệ chính mình, sau đó là giữ an toàn cho người chung quanh. Trước mỗi khi đưa xe ra đường, ta hãy niệm câu chú: “An toàn giao thông”. Hễ cứ có 1 người có ý thức an toàn giao thông là xã hội bớt được một nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Thử nghĩ coi, nếu gần 13.000 friend và follower yêu dấu của tôi cùng tham gia giữ an toàn giao thông, đó thiệt quả là hồng phúc của dân tộc.

PHẠM HỒNG PHƯỚC