Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Chuyện ớt đang vừa cay, vừa nóng

Chuyện lùm xùm, nói cưỡng lên thì có thể gọi là “khủng hoảng truyền thông” về vụ hơn 18.000 chai tương ớt của một nhà chế biến Việt Nam bị cơ quan an toàn thực phẩm thành phố Osaka (Nhật Bản) thu giữ với lý do có chứa chất cấm theo quy định của nước này rùm beng hôm qua (6-4-2019) cho tôi hai suy nghĩ, mà nói theo trend 4.0 là “hai trong một” (2-in-1).

MỘT

Tôi vỗ bàn tọa cái chát. Chớt mài chưa Lượm! Gậy ông đâp lưng ông đó nghen. Có một công ty chuyên chế biến các thể loại thực phẩm công nghiệp có nêm nếm mùi vị truyền thống đã rơi vào một cuộc “khủng hoảng truyền thông” (tạm gọi là như vậy đi á), giống như cái xì-căng-đan nàng Tiên cá Mỹ nhân ngư Mermaid Biển Đông từng bị dập liễu vùi hoa cách đây gần 3 năm vì bị cái thằng bán tơ trong Truyện Kiều toa rập với tập đoàn Lý Thông lập lờ vu oan rằng cái tinh chất của nàng (lẽ ra phải dùng chữ khác cho chính xác vì đó là chất lỏng, nhưng e bị suy diễn) có nhiễm chất asen (thạch tín) độc hại.

À, vụ này được từ điển bách khoa online Wikipeida ghi chép lại thành mục từ riêng, trong đó ghi rành rành: “Ngày 18 tháng 10 năm 2016, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng, gọi tắt là Vinastas, đã công bố trên website của hội nội dung “Chỉ có 25 trong tổng số 150 mẫu nước mắm được lấy thử nghiệm (tương ứng 16,67%) đạt theo TCVN 5107:2003, 104 (69%) mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu về asen (thạch tín), một loại á kim cực độc.” Thiệt ra, nước mắm có chứa chất asen, nhưng là asen hữu cơ của tự nhiên vô hại có trong cá và hải sản, khách hóa chất asen độc hại. Tới 22 tháng 10, Bộ Y tế công bố kết quả kiểm nghiệm 247 mẫu nước mắm ngẫu nhiên của 82 cơ sở sản xuất cho thấy không phát hiện mẫu nước mắm nào có nồng độ asen vô cơ vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép. Ngày 24 tháng 10, Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành việc chấp hành quy định của pháp luật của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Ngày 26 tháng 10 năm 2016, Bộ Nội vụ xem xét đình chỉ hoạt động của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.”: Một loạt báo chí bị xử phạt vì có quan hệ bị gọi là “bẩn” (hình như còn tệ hơn “quan hệ bất chính” á).

Từ sáng 6-4-2019, từ nguồn tin trên báo Nhật Bản, một loạt báo chí, trang mạng và những “bàn phím đồ” đã nhanh tay lan truyền thông tin “siêu hot như tương ớt” này. Vấn đề ở chỗ bản thân bản tin tiếng Nhật Bản ít người biết đọc, nội dung rõ ràng ra sao không thể thể rõ, nhưng điều mà người ta có thể bám chắc vào là rõ ràng có vụ Nhật Bản thu giữ 18.168 chai tương ớt. Dân cư mạng xúm vào khai thác cái “cốt lõi” đó, nhất là khi nhà chế biến ra chúng đã từng có quá nhiều “ân oán giang hồ”, tội chồng tội. Nên chẳng có gì lạ khi người ta lại lên án và lại kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của nhà chế biến đó.

HAI

Tôi vỗ trán cái bốp. Tuyệt quá Mị ơi. Nếu tôi suy diễn đúng thì quả là Mị chơi chiêu truyền thông ngược này quá độc. Cơ quan chức năng Nhật Bản đã phục vụ không công cho Mị (à biết đâu được trả công bằng 18.168 chai tương ớt bị thu giữ á).  

Này nhé, nếu Mị tốn nhiều triệu đồng để thuê cơ quan kiểm tra và chứng nhận, rồi bỏ ra nhiều tỉ đồng cho truyền thông đại hợp xướng về chất lượng của sản phẩm thì cũng không thể hiệu quả bằng việc được chính cơ quan công quyền một nước sạch nước cản ngon cơm như Hậu duệ Thần Mặt Trời gián tiếp xác nhận sau khi họ tự ý kiểm tra theo công vụ. Giấy trắng mực đen của Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka (đơn vị được trưng cầu thí nghiệm là Hiệp hội Vệ sinh thực phẩm Tokyo – Viện Nghiên cứu Công nghệ thực phẩm Tokyo) và trên báo chí Nhật Bản công bố hàm lượng chất cấm (thật ra là chất bảo quản thực phẩm) có trong các lô tương ớt đó đều nằm dưới tiêu chuẩn cho phép của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (Codex) mà 186 nước đang áp dụng. Nghĩa là chúng hoàn toàn an toàn cho người dùng.

Sang chảnh và thần thái chưa. Cũng từa tựa như người ta được chính công an, ngành kiểm sát, tòa án xác thực mình là người vô tội á. Biết đâu chừng bữa mai trên nhãn bao bì của tương ớt này có in thêm dòng: “Sản phẩm đã được cơ quan X Nhật Bản tự nguyện kiểm tra và xác thực là có chất Y dưới chuẩn quốc tế cho phép.”

Cũng nhân tiện xin nói cho rõ chút. Cái chất thuộc hợp benzoate (sodium benzoate hay natri benzoic ký hiệu quốc tế E211, acid benzoic E210) có trong tương ớt đó là một hóa chất bảo quản được ngành thực phẩm công nghiệp dùng phổ biến. Một hợp chất khác cũng được nhiều hãng dùng là sorbate (potassium sorbate hay kali sorbate E202, acid sorbic E200) được cho là ít độc hại hơn. Thậm chí có sản phẩm được cho cả hai chất này. Theo Tiến sĩ Phan Thế Đồng, chuyên gia về công nghệ thực phẩm Trường ĐH Hoa Sen TP.HCM, trả lời trên báo Tuổi Trẻ: “Benzoic có gốc axit, khi biến đổi kết hợp với gốc rượu trở thành paraben – chất hiện đang cấm sử dụng trong các loại khăn ướt, khăn giấy bởi tiếp xúc có thể thấm qua da. Ngoài ra sử dụng nhiều chất này có thể phản ứng với vitamin C có trong thực phẩm sinh ra benzen – một chất có thể gây ung thư. Còn axit sorbic không gây ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe, tương tự một số loại axit béo khác.” VMC Group (Phụ gia Thựcphẩm Việt Mỹ) cho biêt:  theo qui ước đặc tính gây độc của Tổ chức Quản lý Độc chất Quốc tế, sodium benzoate được xếp vào nhóm không gây ung thư, mà thuộc nhóm “một số người cần tránh” (certain people should avoid), vì nó có thể gây dị ứng cho đối tượng có cơ địa “nhạy cảm với hóa chất” (tương tự bột ngọt, đường lactose, sulphite,…)

Cũng trên báo Tuổi Trẻ, Bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết mỗi quốc gia đều có những quy định riêng về danh mục phụ gia và hàm lượng phụ gia trong thực phẩm trên một trọng lượng nhất định. Theo bác sĩ Diệp, hai chất axit benzoic và axit sorbic không phải là chất cấm. Ở Việt Nam hai chất này nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng.

Tất nhiên, tuy cùng áp dụng chuẩn chung quốc tế Codex, nhưng mỗi nước có thể đưa ra thêm những tiêu chuẩn riêng cho nước mình. Như trong vụ tương ớt này chẳng hạn. Nhật Bản vẫn chấp nhận sử dụng chất bảo quản axit benzoic trong thực phẩm chế biến, thậm chí ở mức cao, như trứng cá muối (sử dụng tiêu chuẩn 2,5g/kg);  bơ thực vật (sử dụng tiêu chuẩn 1,0g/kg như axit benzoic); nước ngọt, xi-rô, nước tương (sử dụng tiêu chuẩn: 1,0g/kg),… Trong khi, hàm lượng axit benzoic mà nhà chức trách Nhật Bản tìm thấy trong 18.000 chai tương ớt kia chỉ ở 3 mức 0,41g/kg; 0,44g/kg và 0,45g/kg.

Vậy nên có thể nằm trong 2 trường hợp: 1. Chất bảo quản này bị Nhật Bản cấm dùng cho sản phẩm tương ớt. 2. Lô tương ớt này không được ghi nhãn phụ theo quy định của Nhật Bản (nhà chế biến giải thích rằng họ không hề xuất hàng qua Nhật Bản, có thể nhà kinh doanh ở Nhật mua ở nguồn nước khác).

Cuối cùng, nói gì thì nói, đặc biệt là với các loại thực phẩm chế biến, thực phẩm công nghiệp, người tiêu dùng luôn phải cẩn trọng khi sử dụng. Chỉ sử dụng khi không thể không sử dụng (hình như trớt quớt hén). Tốt nhất là ngâm cứu kỹ các thành phần của chúng và ngó trái dòm phải coi cộng đồng có phản ứng chi không.

Mà thôi, tôi chạy ra hè bẻ mấy trái ớt nhà trồng vô dầm nước tương cô hàng xóm bào chế để ăn thay tương ớt đó nghe. Trưa Chúa nhật đầu Tiết Thanh Minh ngon lành nghen các người anh chị em thiện lành của tôi.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.