Thứ Sáu ngày 27 tháng 12 năm 2024

Quy hoạch báo chí đã “touch” tới làng báo công nghệ…

Sáng nay, anh bạn đồng nghiệp khoái tự xưng là Tám vốn là một “đầu bếp” của tạp chí Thế Giới Vi Tính đưa mấy tấm ảnh bìa chụp số mới nhất của ấn phẩm công nghệ từng nổi tiếng nhất Việt Nam này. Chỉ có điều, cái manchette của tờ ấn phẩm này bây giờ không còn thần thái nằm phía trên tận cùng của trang bìa nữa mà phải nhường chỗ cho “mẹ” mới của mình để an phận tuột xuống nằm bên dưới cùng một cách… chẳng giống ai. Nó đánh dấu số đầu tiên Thế Giới Vi Tính không còn là một tạp chí của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM mà trở thành một ấn phẩm chuyên đề Công nghệ thông tin và truyền thông của tạp chí Khám Phá, tạp chí chính thức của sở này cho tới khi cũng bị quy hoạch tới đây (theo Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 3-4-2019 về Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, các sở ban ngành cấp tỉnh thành không có cơ quan báo chí).

Số cuối cùng của tạp chí Thế Giới Vi Tính (bên phải) ghi số 316, tháng 2-2019. Và số đầu tiên của Thế Giới Vi Tính trực thuộc tạp chí Khám Phá (ghi số 317, tháng 5-2019).

Vậy là quy hoạch báo chí đã “touch” (chạm) tới làng báo công nghệ. Nhưng cũng có người nhận xét rằng quy hoạch này chỉ làm nhiệm vụ đặt thêm “dấu chấm” lên trên chữ “i” trong trường hợp tạp chí Thế Giới Vi Tính (PC World Vietnam).

Đây là tạp chí CNTT nổi tiếng nhất và lâu năm nhất ở Việt Nam. Nó có một vị thế đặc biệt khi là tạp chí đầu tiên xuất bản ở Việt Nam dưới dạng nhượng quyền (franchise). Bởi đây là ấn bản Việt Nam của tạp chí công nghệ nổi tiếng PC World do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG Communications (Mỹ) sở hữu ra đời vào tháng 3-1983. Vì thế trước đây Thế Giới Vi Tính có tên gọi là PC World Vietnam.

Do để khách quan, tôi xin phép dùng những thông tin công khai trên báo chí Việt Nam để nói chút đỉnh “cho có này có nọ” về tờ Thế Giới Vi Tính. Nếu cần tham khảo, các bạn có thể tìm trên Google Search. Thế Giới Vi Tính xuất bản số đầu tiên từ tháng 11-1992 (bản giấy) và ra website vào năm 2004. Nó nhanh chóng trở thành tờ tạp chí CNTT số 1 của Việt Nam mà thời vàng son rực rỡ cứ 1 trang bài có 1 trang quảng cáo. Rồi theo xu hướng chung, báo chí công nghệ dạng in giấy toàn cầu cũng bước vào thời “mãn kinh”. Tháng 11-2011, Thế Giới Vi Tính đã ký một thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn FPT, theo đó FPT đảm nhận kinh doanh, quảng cáo, phát hành, còn Thế Giới Vi Tính chịu trách nhiệm nội dung các ấn phẩm báo chí. Cuộc hôn nhân được râm ran là bằng mặt mà chẳng bằng lòng, thậm chí có mòi không môn đăng hộ đối này, cũng chẳng bền. Rồi từ tháng 1-2014, Thế Giới Vi Tính tách khỏi Công ty FPT Online để hoạt động độc lập với thông báo công khai “hai bên cùng thống nhất chấm dứt việc hợp tác chiến lược”. Tòa soạn Thế Giới Vi Tính đã dời từ ngôi nhà chung FPT để chốn cũ ta về (không phải là chốn cũ hoành tráng trước khi “theo chồng” mà là chốn cũ cội nguồn khiêm tốn lúc sinh ra).

Từ đó Thế Giới Vi Tính túc tắc cầm cự được hàng tháng vẫn tới hẹn lại lên 1 kỳ (thay vì nhiều ấn phẩm như trước). Phải nói là các bạn tôi vô cùng nỗ lực và yêu nghề mới trụ nổi, cũng như họ còn được các đối tác doanh nghiệp giàu ân tình tiếp sức. Tới tháng 2-2019, nó ra số cuối cùng với tư cách tạp chí, đề số 316. Và tới tháng 5-2019, Thế Giới Vi Tính ra số kế tiếp – bỏ cách 2 tháng, đề số 317, nhưng giờ đã là “con người ta”. Bất luận thế nào, dù danh nghĩa ra sao, cho tới bây giờ, Thế Giới Vi Tính vẫn còn in được. Tất nhiên, các bạn tôi vẫn phải thuộc lòng bài hát Que Sera Sera – Biết Ra Sao Ngày Sau.

Dù sao, Thế Giới Vi Tính vẫn “con hơn cha, nhà có phúc” so với ông già tía PC World quốc tịch Mỹ của mình. Tháng 8-2013, PC World, tờ báo máy tính duy nhất còn tồn tại trong “Bộ Tứ quyền lực báo chí công nghệ thế giới”, cũng đã phải đình bản ấn bản in để chì còn lại bản online trên Internet. Trong hàng chục năm, PC World cùng với 3 tờ báo đối thủ đồng hương là PC Magazine, Computer Shopper và Laptop được phát hành đều đặn hàng tháng, thậm chí là nửa tháng một kỳ, rất chi là ăn nên làm ra. Rồi sự nổi lên “fast and furious” quá nhanh, quá nguy hiểm của mạng Internet và báo chí điện tử kết hợp với thời thoái trào của thị trường máy tính cá nhân đã khiến cho thị trường báo in công nghệ suy tàn dần. Bỏ của chạy lấy người đầu tiên là PC Magazine (ra đời năm 1982) với số in cuối cùng vào tháng 1-2009. Ngay sau đó là Computer Shopper (ra đời năm 1979) đình bản bản in vào tháng 4-2009. Cầm cự tới những tháng đầu năm 2013 thì tạp chí Laptop cũng buông tay bản in, để lại cho PC World một mình một chợ… vắng như chùa Bà Đanh.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh đã được bạn chính chủ cho phép sử dụng.