Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Quốc tế hóa chuyện Biển Đông

Không hề đơn giản khi cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự khôn khéo đối ngoại mà vẫn cương quyết lập trường bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Việt Nam trong diễn biến mới nhất này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 25.7.2019 tiếp tục khẳng định trước báo giới quốc tế – tức công bố với công chúng toàn cầu – rằng với hành động cho tàu thăm dò địa chất Hải Dương Địa Chất 8 được các tàu hải cảnh trang bị vũ khí hùng hậu vào hoạt động trên vùng Bãi cạn Tư Chính (Vanguard Bank) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ và thềm lục địa của Việt Nam được công nhận theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982, Bắc Kinh rõ ràng đã ngang nhiên xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam và gây nguy hiểm cho tự do thông thương hàng hải trên Biển Đông.

Bài báo liên quan tại đây.

Một lần nữa Việt Nam bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác và kêu gọi cộng đồng quốc tế tham gia bảo vệ Biển Đông vì lợi ích quốc tế. Cái khôn ngoan ở đây là khi liệu bề không thể tự giải quyết tay đôi với nhau – nhất là giữa láng giềng với nhau – Việt Nam đã chọn giải pháp quốc tế hóa vấn đề, đưa ra cùng cộng đồng quốc tế giải quyết một vấn đề có ảnh hưởng cả quốc tế chứ không chỉ giữa 2 nước. Phải cần bên bị hại chính thức lên tiếng và đề nghi trợ giúp, cộng đồng quốc tế mới có thể vào cuộc. Và nhờ vậy, cái thế và lực của Việt Nam trong cuộc đương đầu với Bắc Kinh được nhân lên bội lần.

Giữa việc để Biển Đông cho một nước độc chiếm với việc biến nó thành nơi tự do thông thương hàng hải của cả cộng đồng quốc tế, sự lựa chon khôn ngoan đã rõ.

Nhân tiện, trước nay không ít người đã chê bai việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ có thể lên tiếng phản đối và bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Thực tế những lời phản đối này có giá trị rất lớn và rất cần thiết, thậm chí thành công thức lặp đi lặp lại, cứ như một tiếng “chửi thề cửa miệng” đi nữa. Vì theo luật và thông lệ quốc tế, nếu hành động và yêu sách chủ quyền do một nước nào đó đưa ra mà không bị một ai lên tiếng phản đối, nghĩa là không có tranh chấp, một thời gian chúng sẽ được mặc nhiên công nhận. Vậy nên, khi lâm vào tình thế không thể làm gì khác hơn, Việt Nam chỉ cần lên tiếng phản đối là có thể vô hiệu hóa mưu đồ xác lập chủ quyền của ai đó.

PHẠM HỒNG PHƯỚC