Tản mạn về thông tin
Hiếm có một nước nào trên thế giới có được một đạo quân báo chí tuyên truyền của nhà nước hùng hậu như xứ Việt. Báo chí nhiều như các thể loại cuộc thi người đẹp, hoa hậu, hoa khôi, danh hiệu nằm trên mỹ nhân,…. tổ chức quanh năm suốt tháng trên khắp 63 tỉnh thành, từ cấp làng, cấp hội nghề trở lên tới cấp quốc gia. Có tới cả ngàn đầu báo các thể loại, tất cả đều nằm trong hệ thống thông tin tuyên truyền của nhà nước (Việt Nam hiện nay không chấp nhận báo chí tư nhân, cho dù ai cũng biết có không ít báo cực lớn mà yếu tố nhà nước chỉ là cái manchette). Và với lực lượng thông tin như vậy, không cần phải định hướng, chỉ cần tự thân cạnh tranh lẫn nhau để thu hút người đọc tỷ lệ thuận với doanh thu quảng cáo, một con ruồi bám càng máy bay qua Thái Lan chuyển đổi giới tính cũng không bị bỏ sót. Như có cô ca sĩ chỉ cần ăn uống bất cẩn cắn phải lưỡi cũng lên tin bao la bát ngát, xót xa muốn chết luôn á.
Vậy nên, nếu chuyện gì không xuất hiện trên mặt các thể loại báo chí chủ yếu do:
1. Thiệt sự không có gì xảy ra.
2. Chuyện bị đánh giá là không đáng đưa tin.
3. Nằm trong một chủ đích nào đó mà phía người đọc không được biết.
Thiệt ra, quảng đại công chúng có thể không biết, hay có khi không cần biết, chớ nên biết. Nhưng thực tế phải thừa nhận, bất cứ ai thiệt sự quan tâm – dù với góc độ và chủ ý nào – đều có thể và biết cách để có được tất tần tật mọi thông tin mình cần trên cái vũ trụ thông tin gọi là hệ sinh thái Internet. Trong suốt, phẳng lì và không biên giới. Và có thể đó cũng là một định hướng, có những thông tin chỉ nên tới những ai thật sự cần nó và có đủ năng lực tiêu hóa nó. Vì thế, khi thấy ai đó than không có thông tin hay hỏi thông tin đâu, tôi thầm nghĩ: người đó nào có thiệt sự cần thông tin đâu hén.
Vấn đề còn lại là trình độ nhận biết và phân tích thông tin ra sao giữa cái vũ trụ thông tin nặc danh xô bồ, bát nháo, thiệt giả lẫn lộn, tin thiệt còn ít và kém hấp dẫn hơn tin giả. Các chuyên gia toàn cầu từ lâu đã không ngừng cảnh báo về cái vũng lầy tin giả fake news ngày càng bao la và ngày càng hấp dẫn được sáng tác phục vụ đúng nhu cầu người cần biết. Khi bị sa chân vào cái vụng lầy fake news đó, bạn vô tình có thể trở thành hoặc nạn nhân, hoặc công cụ của ai đó. Xưa nay, thường thì khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có biết là sống.
Từ trải nghiệm của đời mình, cả một đời chỉ biết làm báo, tôi chỉ lấy thông tin từ cô hàng xóm của mình. Nhiều khi cỗ nói bâng quơ, nói phong long… mà gợi mở nhiều cái đau đầu, nhức óc, nhói tim, thắt lòng.
PHẠM HỒNG PHƯỚC