Thứ Sáu ngày 10 tháng 1 năm 2025

Một góc nhìn về ông Jacques Chirac

Với tựa đề “Nhớ Jacques Chirac, vị tổng thống Pháp ‘sống trong lòng dân‘”, đây là một bài viết của Phạm Cao Phong, một nhà báo tự do (freelancer) người gốc Việt đang sống ở Paris gửi tới BBC News Tiếng Việt và được đăng ngày 30-9-2019, ngày an táng ông Jacques Chirac. BBC News đưa bài này vào mục Diễn đàn và theo thủ tục đã cẩn trọng ghi chú “Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một nhà báo tự do sống tại Paris.”

Trong bài viết này, ông Jacques Chirac  – nay đã từ cựu thành cố Tổng thống Pháp – được mô tả đa chiều kích, và đầy phức tạp. Nhưng bất luận thế nào, nó cũng có thể giúp bạn quan tâm có thêm một nguồn tham khảo và một góc nhìn về một trong những nhân vật chính khách Pháp nổi tiếng thời hiện đại này. Bài khá dài. Bạn có thể đồng ý hay không đồng ý với tác giả, chỉ xin nhớ đây là cách nhìn, cách nghĩ của tác giả về ông Chirac. Và không thích thì xin bạn chỉ lướt qua thôi ạ. Dù sao, ông Chirac chỉ mới “fin ” cho một “la vie humaine”.

Tác giả Phạm Cao Phong viết:

Ông Jacques Chirac.

Lâu rồi nước Pháp mới có một tổng thống đổi chữ cựu ra chữ cố. Sau sự ra đi của cố Tổng thống François Mitrand (1916-1996) đến nay, sự ra đi của ông Jacques Chiracs (1932-2019) có khoảng cách 23 năm.

Không phải vì hiếm mà báo chí và người dân Pháp bàn ra tán vào. Bên này thành lệ, ai đi cũng kể công, kể tội rồi khép lại, chúc an nghỉ và hết day dứt.

Nhìn chung, người Pháp nhận định tích cực và yêu mến ông. Chỉ số thiện cảm đứng ngang với ông Charles de Gaulles, trên hết các tổng thống còn lại.

Riêng nhiều người Việt ở Pháp lại thiên về mặt tiêu cực, phủ nhận.

Các cây bút Việt khơi chuyện ông bán sách để vợ đứng ra ký, bán được gần nửa triệu quyển với giá 22,5 euro. Chuyện ông lương hưu đến 30.000 euro còn đi ở nhờ, để cho vợ Thủ tướng Lebanon Hariri nói đổng làm mất mặt nước Pháp. Chuyện hồi ông làm thị trưởng Paris (ông được dân bầu), mà người mình nói là giữ ghế đến 18 năm, dính líu tùm lum chuyện thụt két và tư túi…

Nói chung theo họ, Jacques kém, Jacques hư, chuyện tình cũng vớ vẩn.

Nhận cô gái Việt tị nạn làm con nuôi

Tạp chí Pháp ‘Gala’, chuyên nói về các bà các cô có tên, không tuổi vì ảnh lúc nào cũng đẹp, bìa bóng nhoáng, bán rẻ rề, nhắm vào các bà nội trợ hay tỷ phú thời gian bỏ tiền ra mua không xót so với tờ ‘Le Monde’ toàn chữ, ảnh đen trắng, đã bỏ thời gian đăng lại bài phỏng vấn báo chí năm 2013 với cô Anh Đào Traxel, con gái nuôi của vợ chồng cố tổng thống.

Cô Anh Đào Traxel, con gái nuôi gốc Việt của ông bà Chirac.

Cô Anh Đào Traxel, con gái nuôi gốc Việt của ông bà Chirac, nói về cha mẹ nuôi của mình trong cuốn tự truyện ‘Một gia đình không bình thường’: “Tôi được coi là một thành viên trong gia đình họ khi Bernadette và Claude muốn điều đó”

Chuyện rằng:

Năm 1979, lúc đó còn làm thị trưởng Paris, ra sân bay đón thuyền nhân Việt Nam đến từ Malaysia, hai vợ chồng đã nhận Anh Đào vào vòng tay gia đình.

Cô gái tỵ nạn 21 tuổi lúc đó có một mái nhà, ngồi cùng bàn ăn với gia đình. Bernadette Chirac mua tặng cô chiếc áo cưới.

Song, kể từ năm 2012, cô không liên lạc với gia đình bố mẹ nuôi. Cô chỉ biết sự ra đi của ông qua báo chí.

Trong quyển sách tự sự ‘Một gia đình không bình thường’ viết về sự trôi nổi của mình, Anh Đào dành những lời ngờ vực:

“Tôi được coi là một thành viên trong gia đình họ khi Bernadette và Claude muốn điều đó. Khi họ cần tôi làm dịu cộng đồng châu Á hoặc dư luận. Họ yêu cầu tôi tham dự đêm giao thừa Trung Quốc, chụp ảnh cho tạp chí Gala vào giữa chiến dịch tranh cử tổng thống. Lúc đó, tôi thích nó. Hôm nay tôi có nghi ngờ. Tôi cảm thấy mình đã được sử dụng một chút cho mục đích bầu cử.”

Cô nói thêm, Jacques Chirac được bầu làm tổng thống, thân cận của ông đã nói rõ rằng, ông “không còn là thị trưởng Chirac, mà là tổng thống của Pháp”.

Anh Đào Traxel sẽ khó có quyền đến thăm ông tại Cung điện Elysee. “Có lẽ gia đình nuôi của tôi đã xấu hổ với tôi,” cô nói vào thời điểm lúc đó, “bởi vì tôi chỉ là một nhân viên chăm sóc trong nhà dưỡng lão.”

Cô trách móc gia đình bố mẹ nuôi không dành thời gian cho cô đi học, trong khi các gia đình khác như “Michel Drucker, Philippe Douste-Blazy và Charles Millon cũng nhận nuôi những thuyền nhân như tôi, tạo điều kiện cho họ đi học, điều đó cho phép họ có một nghề nghiệp phù hợp. (…) Tôi thậm chí không có thời gian để học tiếng Pháp, Bernadette rất nhanh chóng tìm cho tôi công việc này. Làm nhân viên phục vụ trong nhà nghỉ hưu, điều mà tôi rất hối hận.”

Cô viết: “Trong gia đình Chirac, người ta không lẫn lộn giữa giẻ lau và khăn ăn…”

Tôi đọc những diễn cảm đủ mầu sắc mà lòng ngổn ngang.

Những chi phí xa hoa

Nhớ chuyện cựu Thủ tướng cánh tả Lionel Jospin nói về Jacques Chirac trước vòng bầu cử tổng thống năm 2002 là “một tổng thống già nua, mệt mỏi, hết thời”. Sau, Jospin bị loại từ vòng một và Jacques Chirac trúng cử với 82,21%.

Vì sao người Pháp lại chọn Jacques làm tổng thống? Dù có chuyện ông khi làm thị trưởng Paris có hầm rượu giá trị đến 14 -15 triệu Francs, riêng hoá đơn thanh toán hoa quả điểm tâm thậm phi lý. Ai đời, món tráng miệng bằng lương cả một phần tư lương tháng của người lao động bình thường. Vì những tư túi và bất minh trong thời gian làm đô trưởng Paris mà ông phải lãnh án tù treo hai năm. Những thay đổi đảng phái ở các chức vụ cho phép bới ra được những lèm nhèm, những chuyện đi đêm trong quá khứ.

Chuyện ở nhờ nhà cũng có. Tờ Express đã lý giải: “Chiếc chìa khóa có một cái tên, có một khuôn mặt. Đó là Laurence, cô con gái của hai vợ chồng mắc một bệnh não hiểm nghèo. Harirri thường rẽ qua đón Laurance đưa bằng máy bay riêng đi khám bệnh, điều trị tại Mỹ. Jacques và Bernadette không bao giờ quên điều đó.” Trước đó, hôm 13/4/1990, Laurence nhẩy từ tầng tư xuống đất, song không chết.

Bà vợ Hariri cũng không nói đến mức nước Pháp phải thẹn. Ngược lại khối Ả-rập rất ngưỡng mộ Tổng thống Jacques Chirac. Khi đi thăm thành cổ Juresalem 10/1966, trước hành vi đàn áp và khiêu khích của cảnh sát Israel, ông đã gọi nhóm cận vệ và an ninh Israel và nói: “Các anh muốn gì? Muốn tôi quay trở lại máy bay của tôi, muốn tôi bay về Pháp? “

Nhà báo Piere Haski trả lời phỏng vấn Europe 1 nói “đó là khoảnh khắc ngoại giao hiệu ứng rất mạnh, một cử chỉ biến ông thành người hùng của thế giới Ả-rập. Tất cả các báo đều nêu sự kiện này, sau đó CNN truyền liên tục, mỗi chặng qua Syrie, Jordanie, ai cũng chỉ nói về chuyện đó. Đó chính là điều Chirac muốn gửi tín hiệu: nước Pháp cảm thông nỗi thương tâm của khối Ả-rập.”

Với những người Ả-rập lợi dụng chế độ an sinh xã hội và ăn bám tại Pháp ông rất thẳng thừng, gọi họ là đồ rác rưởi. Một lần đi thăm khu Gouttte d’Or tại Paris, nơi Thủ tướng Juppé ra ứng cử, ông chỉ trích sinh hoạt thiếu văn hóa, chế độ đa thê, lười biếng, bòn rút quỹ trợ cấp xã hội của cộng đồng Bắc Phi quần tụ ở đây.

Chirac là tổng thống đối đầu trực diện với Mỹ trong hồ sơ Iraq, giống như Charles de Gaule lên án cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và rút Pháp ra khỏi khối OTAN 1966.

Lợi dụng sự kiện tòa tháp đôi tháng 9/2001, vin cớ Iraq tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt và tài trợ khủng bố, Tổng thống Mỹ G. W. Bush đã leo thang lên đỉnh điểm là một cuộc chiến với nước này. Jacques Chirac đã lên án việc ăn không nói có, gian dối về tin tức tình báo và phản đối dứt khoát cùng Mỹ tham chiến. Ngày 14/2/2003, Ngoại trưởng Pháp Dominique de Villepin trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã đọc diễn văn tuyên bố nước Pháp không chấp nhận liên minh với Mỹ chống Iraq.

Người Pháp có cách nhìn không giống các dân tộc khác. Chả giống Mỹ, lại càng không giống Việt Nam. Họ thích cái lẳng lơ, đẹp trai hay cái láu cá, tài tháu cáy tiền chùa, đến hội chợ nông nghiệp hàng năm ở Porte de Versaille, uống rượu đỏ, ăn đồ đặc sản nông nghiệp và vỗ mông bò bồm bộp?

Không đơn giản như vậy. Jacques Chirac đã đi qua hết thời Đệ ngũ Cộng hòa và hòa tan vào giai đoạn đó. Định mệnh chọn vậy.

‘Cá tính Pháp’

Hồi ngồi ghế học trò, các thầy giáo đều nhận xét chú bé Jacques quá hiếu động. “Làm gì cũng phải suy nghĩ một tí chứ”, “tính khí bốc đồng, ba hoa chích choè”, ” kiềm chế hơn nữa thì tốt”… Chẳng có từ nào ứng với tương lai một người sẽ làm hai nhiệm kỳ tổng thống, trải rất nhiều chức vụ từ thủ tướng, bộ trưởng, nghị viên Quốc hội Pháp, thành viên nghị viện Châu Âu, người sáng lập và đồng thời chủ tịch Đảng RPR hiện thân của Đảng ‘Những người Cộng hòa’ (LR) bây giờ, và 18 năm thị trưởng thủ đô nước Pháp…

Jacques Chirac mang đủ cá tính của tầng lớp thanh niên Pháp tích cực. Dũng cảm, cứng cỏi, tính tự lập cao, ưu phiêu du, bất cẩn một tý, lãng mạn tràn trề.

Jacques chào đời không phải từ mong ước của mẹ, cũng chỉ vì bất cẩn. Cái tên cũng dân dã, như tên Ivan của Nga hay Hans của Đức.

Jacques tốt nghiệp phổ thông ‘như có phép màu’, 18 tuổi nhảy xuống chiếc tàu chở than “Capitaine St.Martin” làm lính thủy, theo đuổi ứớc mơ từ bé là bồng bềnh sóng biển, hay làm bác sĩ chạy chữa cho dân nghèo. Được ba tháng, bố ép về nhà.

19 tuổi, Jacques vào trường Science-Po, một trường chỉ dành cho những người ưu tú, vẫn đi bán ‘L’Humanité dimanche’ (Báo của Đảng Cộng Sản Pháp) mỗi tuần sau thánh lễ ở nhà thờ St-Sulpice (Paris).

Năm 1950, Jacques ký vào ‘lời kêu gọi Stockholm’ đòi ‘cấm tuyệt đối vũ khí hạt nhân’. Tên Jacques cũng có trong hồ sơ dính líu tới cộng sản. Một lần còn bị hai cảnh sát áp giải về nhà bố mẹ.

Hè 1953, Jacques qua Mỹ, ghi tên vào khóa dự thính Harvard Business School. Để có tiền tiêu, chàng thanh niên không ngần ngại làm chân bán kem cho một tiệm gần Harvard Square, bán cheeseburgers, hoặc lái xe cho các tỷ phú, mặc dù cha là thống đốc ngân hàng Pháp.

Tại Mỹ, Jacques lại bị một tiếng sét ái tình với Florence Herlihy, cô gái đến từ Nam Caroline. Tuy nhiên gia đình bên Pháp vẫn ngầm ủng hộ Bernadette Chdron de Courcel, cô bạn Jacques đính hôn khi quen tại đại học. Cuối cùng, cô gái Pháp ít nói thắng cô Mỹ ồn ào, nóng bỏng.

Hai người kết hôn ngày 16/3/1956 có chung hai cô con gái: Laurence sinh năm 1958, và Claude sinh năm 1962. Năm 1979, nhận nuôi thêm Anh Đào.

Sau ngày cưới, Jacques Chirac thực hiện nghĩa vụ quân sự. Dù có thể chối từ trách nhiệm công dân, vì là sinh viên ENA. Học,”làm việc như một con ngựa” tại trường sĩ quan Saumur, Jacques đỗ thứ tám, nhận quân hàm trung úy trong Trung đoàn 11 dưới quyền tướng Koenig tại Đức, sau gia nhập trung đoàn thiết giáp tại Algeria.

Con người Jacques Chirac đa diện: vừa là chính trị gia địa phương gắn bó với miền quê Corrèze, vừa có hoài bão quốc tế.

Ông là người am hiểu văn hóa Nhật Bản, Trung Hoa, thích môn võ vật Sumo. Phải chăng vì vậy cô gái Việt Nam ông nhận nuôi có tên Anh Đào?

Với ông, “Yêu nước là yêu dân”.

Những người nông dân yêu quý ông. Dưới thời lãnh đạo của Jacques Chirac, nước Pháp là cường quốc nông nghiệp.

Hồi ký của ông viết:

“Khi tôi nhận trách nhiệm về nông nghiệp, nước Pháp đứng hàng thứ tư xuất khẩu thế giới về sản lượng. Năm 1973, chúng ta đã vươn lên vị trí thứ hai, sau Hoa Kỳ, nhưng trước Canada và Australia.”

Hiện nay, cứ hai ngày có một nhà nông tự tử vì phá sản.

Simon Vey đã cảm động khi nhận bó hoa của Jacques khi đạo luật phá thai mang tên bà được thông qua tại quốc hội. Đạo luật cách mạng của bà được sự ủng hộ rất lớn của ông.

Ông còn là vị tổng thống thực hiện ba đại công trình “an toàn giao thông, trợ giúp người khuyết tật có chỗ đứng trong xã hội và bài trừ bệnh ung thư “. Những thành quả mang lại làm những người thiệt thòi phải nhớ ơn ông.

Hôm nay chúng ta xúc động những gì cô bé 16 tuổi Greta Thunberg nói trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Điều này Chirac là người đầu tiên đánh thức lương tâm con người trong lãnh vực môi trường với lời tuyên bố: “Ngôi nhà chúng ta đang cháy mà chúng ta làm ngơ, ngoảnh mặt đi chỗ khác.”

Ông phát biểu câu nói đó vào ngày 4/9/2002, đúng 17 năm trước.

Về đời tư vị tổng thống của mình, người Pháp không quan tâm, dù có là “tình anh, anh giữ. Tình tôi, tôi cầm” hay “tình anh tôi giữ, tình tôi anh cầm”. Cây tình yêu cần chăm sóc bằng cả hai tay. Bernadette trong mắt các con bà là người mẹ cặm cụi học lấy bằng, tham gia hoạt động chính trị, để không nhàm chán trong vai đệ nhất phu nhân và có thể… để giữ người đàn ông của cuộc đời mà bà yêu.

Mà ngay các vệ sĩ cũng phải ngạc nhiên tại sao các bà các cô nhét được vào túi ông những lời hẹn hò. Những cô gái xinh giòn như kẹo chanh thì la toáng lên “ông ta có cưỡng nổi sức hút của tôi đâu”. Các bạn gái đầm ấm thì vui vẻ với chú nhóc tì có cái mũi bé tẹo, xinh xinh như Jacques.

Cô phóng viên tờ Figaro Jacqueline Chabridon tươi tắn cũng chẳng lo che chắn mối tình vụng trộm với Jacques khi đó mới làm thủ tướng. Ngay tổng thống tương lai cũng đã nghĩ đến chuyện ly dị.

Song kết cục thế nào chúng ta đều biết.

Bernadette viết ‘Cẩm nang giữ chồng’ chắc sẽ xúc động không kém ‘Cẩm nang nuôi tù’ của Phạm Đoan Trang.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đứng trước linh cữu ông Chirac tại Điện Invalides ngày 30-9-2019.

Tổng thống Macron đã tóm tắt sự nghiệp chính trị của ông như sau:

“Tổng thống Chirac là hiện thân của một tư tưởng nào đó về nước Pháp. Ông miệt mài đấu tranh vì sự hài hòa của đất nước. Với Tổng thống Chirac, nước Pháp dám trực diện với lịch sử. Pháp là một quốc gia độc lập và kiêu hãnh; Pháp dám cưỡng lại một cuộc chiến không chính đáng, năm 2003 Pháp từ chối can thiệp quân sự vào Iraq mà không được Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm. Thế rồi Pháp đã yểm trợ tiến trình tái thiết vì an ninh và hòa bình cho Lebanon. Pháp luôn đóng vai trò truyền thống của lương tâm nhân loại.”

Điện Invalides đã phải mở cửa thâu đêm để dòng người ghé qua vĩnh biệt Jacques Chirac, ‘người đàn ông thuần túy Pháp’, ‘một tổng thống si mê thần dân của mình’.

Những tổng trưởng, nghị sĩ, những nhân vật chức quyền một thời hét ra lửa lặng lẽ xếp hàng như bất cứ người dân nào. Họ biết, trước cái chết, mỗi cá nhân đều bình đẳng, việc cậy nhờ vị trí trên dương gian để vào viếng ông vô vị và giả dối.

Khi một người mất đi, bằng nỗi nhớ của người ở lại chúng ta hiểu được giá trị của con người đó. Jacques đã bước vào đền thờ của lòng dân.

Họ nhớ một Jacques Chirac nhẩy tâng tâng sau bài diễn văn đọc tại lãnh thổ hải ngoại “Bây giờ là tiết mục quan trọng nhất ti-ponch”. (Rượu khai vị đặc trưng của quần đảo Antilles, Guyane, Réunion gồm rượu rhum chưng cất lâu năm, đá cục với chanh tươi, sirô đường mía và bạc hà). Họ nhớ một tổng thống trước bàn tiệc hỏi, “Thế ở đây không có thủ lợn và lòng heo à”. Một Jacques Chirac năm nào cũng có mặt ở Hội Chợ Nông nghiệp vỗ mông bò bồm bộp.

Hôm nay, toàn dân Pháp xúc động chào một con sư tử chính trị qua đời, chia tay với một đoạn đời của họ, chia tay Chirac, hiện thân của một nước Pháp thủy chung với giá trị phổ quát và vai trò lịch sử.

Châu Âu, thế giới và cả ở Việt Nam xa xôi chào từ biệt một nhà lãnh đạo đất nước và một người bạn.

Hiểu văn hóa Pháp, bạn sẽ hiểu điều giản dị, tinh tế trong câu nói đẫm nước mắt. “Ông ấy đi tháng Chín.”

Không xây lăng mộ, Pháp sẽ mai táng thi hài ông Chirac ở nghĩa trang Montparnasse, trong cùng hầm mộ con gái Laurence, người qua đời năm 2016.

PHẠM CAO PHONG, Paris.

+ Ảnh: Internet. Thanks.