Chủ nhật ngày 17 tháng 11 năm 2024

Xin thận trọng, đừng suy đoán…

Cho tới khi tôi bắt đầu gõ những dòng này, tức 5 giờ chiều thứ Hai 28-10-2019, tôi chưa hề tìm được một thông tin nào, kể cả từ những nguồn mà một số bạn trên mạng dẫn chứng, xác định chính thức có người Việt và có bao nhiêu người Việt trong số 39 nạn nhân bị thiệt mạng trong thùng container đông lạnh phát hiện ở Hạt Essex (Anh) sáng sớm thứ Tư 23-10-2019. Cảnh sát Anh cho biết họ vẫn đang trong quá trình điều tra, khám nghiệm pháp y để xác định danh tính và nguyên nhân tử vong của 39 người nhập cảnh lậu (gồm 8 nữ và 31 nam, trong đó có 1 trẻ em).

Cho tới nay mới chỉ có thông tin cụ thể nhất về trường hợp cô gái 26 tuổi Phạm Thị Trà My – mà cũng chỉ từ ảnh chụp lại màn hình chiếc smartphone với những dòng tin nhắn cuối cùng của cô gái được nói là từ Bỉ gửi cho mẹ mình ở Việt Nam.

Chiếc xe container đông lạnh định mệnh với 39 nạn nhân chết đông cứng bên trong khi được nhà chức trách Anh phát hiện sáng 23-10-2019 tại Essex..

Cảnh sát Anh cho biết họ đã thu thập được khoảng 500 tang vật từ các thi thể nạn nhân. Nhưng việc xác nhận nhân thân cụ thể cực khó, vì trước nay hiếm có ai nhập cảnh lậu như thế này lại mang theo giấy tờ tùy thân thật của mình. Theo một số nhà chuyên môn, pháp y chủ yếu chụp ảnh mặt nạn nhân (trong điều kiện chưa bị phân hủy), tìm kiếm các dấu vết có thể nhận dạng (như dấu vân tay, sẹo, các vết xăm, chỉnh sửa răng, giải phẫu,…) và đặc biệt là mã ADN. Và vì thế, rất cần người nhà của các nạn nhân tình nghi cung cấp các mẫu ADN, chứng cứ pháp y để nhà chức trách Anh có thể so sánh mà xác thực. Theo một số nguồn tin, quá trình này đang được thực hiện thông qua sự làm việc chính thức giữa phía Anh và nhà chức trách ở Việt Nam. Báo Euronews (28-10-2019) đưa tin: Anh đã yêu cầu Việt Nam giúp nhận diện 4 nạn nhân. Báo này nói rằng website của chính phủ Việt Nam trích dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn xác nhận Bộ Công an đã nhận được hồ sơ về 4 người từ Anh chuyển về để nhờ “phối hợp xác nhận danh tính”. Ông Sơn cho biết Bộ Ngoại giao đang phát triển các hồ sơ về các nạn nhân có thể, nhưng cho tới nay vẫn chưa có cơ sở nào để khẳng định có những người quốc tịch Việt Nam trong số các nạn nhân đó.

Trong khi đó, báo Aljazeera (28-10-2019) dẫn báo điện tử Việt Nam VnExpress cho biết tính tới chiều 27-10-2019, có 24 gia đình ở Nghệ An chính thức trình báo nhà chức trách có người thân mất liên lạc, tình nghi nằm trong số nạn nhân của thảm kịch xe container vừa phát hiện ở Anh. Riêng huyện Yên Thành có 13 người được trình báo.

Hãng tin Anh BBC News (28-10-2019) cho biết 3 trong số 4 nghi can người Ireland bị bắt vì tình nghi liên quan tới thảm kịch xe container Essex đã được tạm tha với sự bảo lãnh. Cảnh sát chỉ tiếp tục giam giữ tài xế xe container Maurice ‘Mo’ Robinson 25 tuổi (nhà ở North Ireland) – người đã lái chiếc xe kéo có biển số của Bulgaria tới chở container này sau khi nó được vận chuyển bằng tàu từ Bỉ đến bến cảng Purfleet ở Essex (Anh) vào tối 22-10 rồi bỏ lại cả chiếc xe ở khu công nghiệp Waterglade Industrial Park ở Grays thuộc Essex. Ngày 28-10-2019, anh ta bị đưa ra tòa với 39 tội danh ngộ sát (manslaughter).

Theo báo Anh Daily Mail (28-10-2019), hành trình của một cô gái Việt 19 tuổi tên Bùi Thị Nhung, tình nghi nằm trong số 39 nạn nhân xấu số bắt đầu từ Nghệ An quê cô tới chặng dừng đầu tiên là Trung Quốc. Sau đó, chặng dừng thứ hai là từ Trung Quốc tới Đức. Rồi từ Đức tới cảng Zeebrugge (Bỉ) để bị nhốt vào thùng container đông lạnh vận chuyển khoảng 10 giờ bằng tàu tới bến cảng Anh. Cuối cùng là toàn bộ 39 người trong container đã được phát hiện chết cứng trong cái lạnh âm 25 độ bên trong container bỏ rơi ở cảng Essex (Anh).

Các bạn có thể đọc thông tin cụ thể trong bài rất dài trên báo Daily Mail. Cả một bức tranh tổng thể với những thân phận, những mảnh đời mà buồn nẫu ruột gan tới mức tôi không đủ can đảm kể lại. Nhưng xin lưu ý, tất cả mới là những thông tin từ phía gia đình ở Việt Nam của những người bị tình nghi có mặt trong container định mệnh kia. Và phải trải qua quá trình đối chứng các chứng cứ pháp y sinh trắc học mới có thể xác định được. Trong khi chưa có thông tin chính thức từ phía Anh, xin hãy kềm chế và thận trọng tới mức cao nhất có thể được. Đừng suy đoán và cẩn trọng dẫn chứng từ bất cứ nguồn phi chính thống nào – kể cả từ những nhân vật được coi là “nổi tiếng”. Điều đó giúp không gây nhiễu loạn cho nhà chức trách trong quá trình điều tra, đồng thời thể hiện sự tôn trọng đối với những người quá cố và gia đình của họ – bất kể họ thuộc quốc tịch gì.

Cho dù các nạn nhân có đáng thương hay đáng trách thì có một thực tế là họ đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Chỉ mong số phận nghiệt ngã của họ có thể là một hồi chuông báo động (tôi không dùng chữ “cảnh tỉnh”) cho những ai đang có ý định tương tự để mà cân nhắc nhiều hơn. Nhưng tin tôi đi, họ không phải là những người đầu tiên và cuối cùng đâu. Vấn đề nằm ở chỗ làm sao cho người ta biết suy xét cân nhắc cẩn trọng hơn. Bất luận thế nào, những người “số đen” như các nạn nhân này chỉ là con số cực nhỏ trong đạo quân “vượt thoát” thành công. Ma lực là ở đó.

Theo trang Migration Watch UK, trung bình mỗi năm có thêm 70.000 người nhập cảnh lậu vào Anh, đến từ 130 nước và vùng lãnh thổ. Đạo quân nhập cảnh lậu hàng năm này gần bằng quân số của quân đội chính quy Anh (khoảng 80.000 người).

PHẠM HỒNG PHƯỚC