Trách nhiệm…
Thú thiệt, tôi không hiểu được vì sao có những người quy cái mà họ gọi là “trách nhiệm tối thượng” đối với vụ 39 người nhập cảnh trái phép vào Anh bị tử nạn trong container đông lạnh ở Hạt duyên hải Essex là do chính sách cấm nhập cảnh quá nghiêm khắc của Anh. Cụ thể ý họ là vì Anh siết chặt việc nhập cảnh hợp pháp và chặn triệt để các đường nhập cảnh trái phép khiến người muốn vào Anh “mưu cầu cuộc sống” phải chấp nhận hiểm nguy, thậm chí đánh đổi mạng sống.
Ôi bớ làng nước Vũ Đại ô tô hô!
Thiệt ra, Anh cũng như bất cứ nước nào khác vẫn có chính sách nhập cảnh cho người nước ngoài vào du lịch và làm việc, thậm chí định cư. Nhưng tất cả các ứng viên phải đủ tiêu chuẩn theo yêu cầu của nước sở tại. Giống như bạn là chủ nhà, bạn có quyền chọn cho ai vào chơi nhà mình.
Còn chuyện ai đó không đủ tiêu chuẩn mà vẫn cứ muốn nhập cảnh nước người lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Mà cái chính là ở họ.
Chính quyền Anh chỉ bị “soi trách nhiệm” nếu như áp dụng các biện pháp ngăn chặn người nhập cảnh lậu quá tàn khốc, vô nhân đạo – như thấy là bắn, chăng lưới điện,… Cũng như họ có trách nhiệm khi không triệt phá được một cách hiệu quả các đường dây đưa người nhập cảnh lậu.
Công bằng mà nói, không ít người Việt nhập cảnh lậu vào Anh hiện nay là để làm những công việc phạm pháp của Anh như trồng cần sa, gái mại dâm,… Đó là những công việc mà những người nước ngoài nhập cảnh không giấy tờ phải sống trốn tránh có thể làm. Bên cạnh đó còn là những công việc “chui” như làm nail, phục vụ nhà hàng, lao động tay chân,…
Có lẽ, nói cho thuận nhĩ là “trách nhiệm tối thượng” đối với tình trạng nhập cảnh lậu là ở chính quyền nước gốc. Họ có nhiều bất cập trong việc giáo dục công dân của mình hiểu tường tận những gì nguy hiểm và phạm pháp quốc tế. Bên cạnh đó, họ còn có trách nhiệm theo dõi và triệt hạ các đường dây môi giới và tổ chức cho người ta nhập cảnh lậu đang hoạt động ở nước mình. Ở đây, tôi chớ hề dám mon men sờ tới cái phạm trù vĩ mô và nhạy cảm: “vì sao khiến người dân phải đi ra nước ngoài kiếm sống?” Ừ, nói đi phải cho nói lại: “kiếm sống” khác “kiếm tiền”. “Kiếm sống” là khi người ta không thể sống nổi vì quá nghèo khổ, còn “kiếm tiền” là để đổi đời, làm giàu.
Đổi đời luôn là một giấc mơ đẹp đáng được mọi người tôn trọng. Nhưng nó sẽ biến thành ác mộng nếu như ai đó có ý định đạt được bằng mọi giá, bất chấp nguy hiểm và bằng cách phạm pháp. Nhưng đó là một chuyện khác, không thích hợp để nói tới ở đây và vào lúc này – khi chỉ có đau thương nát lòng và cần sự ủi an.
Nhân tiện, đâu nhất thiết phải có quốc tang cho một thảm kịch như thế này. Nhưng tưởng niệm là cần thiết, là cách hành xử của người tử tế trước tang thương của đồng bào mình. Những cơ sở tôn giáo rất nên cử hành nghi thức cầu nguyện và tưởng niệm cho các đồng bào xấu số của mình. Và hy vọng đó là một tiền lệ tốt đẹp của những con người với nhau.
Ngày 28-10-2019, năm ngày sau khi phát hiện thảm kịch xe container đông lạnh chứa 39 thi thể người nhập cảnh trái phép tại Hạt duyên hải Essex, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tới hiện trường đặt hoa tưởng niệm và ký sổ chia buồn cùng gia đình các nạn nhân. Trong ảnh, ông đứng bên trái, cạnh Cảnh sát trưởng Hạt Essex, Ben-Julian Harrington và nữ Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel. (Ảnh: AP – Internet).
PHẠM HỒNG PHƯỚC